ĐBQH đoàn Bình Định thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia
(BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 7.1, các ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh, Lý Tiết Hạnh tham gia thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần rà soát lại để định lượng các mục tiêu trong quy hoạch tổng thể quốc gia rõ ràng hơn, từ đó có phương án phù hợp, dễ dàng đánh giá được mức độ hoàn thành các mục tiêu ở các mốc thời gian.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh. Ảnh: Quochoi.vn
Về mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2050 là nước phát triển thu nhập cao, đại biểu Cảnh cho rằng: trong quy hoạch cần bổ sung nội dung phát triển hệ thống các trung tâm cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm tầm cỡ khu vực, có lộ trình hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận với các nền kinh tế mà chúng ta muốn đưa sản phẩm đến với họ.
Về mục tiêu đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, cần có nội dung phát triển đội ngũ các nhà văn hóa trong giai đoạn mới. Đối với nội dung phát triển mạnh về công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu, uy tín và tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế, đại biểu Cảnh đề nghị cần có nội dung hợp tác quốc tế về phát triển văn hóa, để có thể phát triển nhanh bằng việc “đứng trên vai những người khổng lồ” trong xây dựng các sản phẩm văn hóa.
Mặt khác, để phát triển thư viện, trong quy hoạch cần có nội dung hình thành thói quen đọc sách cho người dân. Về xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cần quan tâm hơn đến đối tượng khuyết tật tâm thần, để đầu tư cơ sở vật chất, định hướng đào tạo các bác sĩ về tâm thần, các chuyên gia về tâm lý.
Theo ĐBQH Lý Tiết Hạnh, Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 16.8.2004 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2010 đã xác định vùng kinh tế trọng điểm miền trung gồm 5 địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
ĐBQH Lý Tiết Hạnh. Ảnh: Quochoi.vn
Song, trong quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, không xác định vùng kinh tế trọng điểm, mà xác định vùng động lực và hành lang kinh tế. Trong đó, khu vực Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung có vùng động lực là khu vực ven biển của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sau năm 2030, sẽ tiếp tục mở rộng ra các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Các hành lang kinh tế gồm: Cầu treo - Vũng Áng; Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn. Như vậy, hành lang kinh tế Đông Tây về phía Bắc của vùng đã kết nối với vùng động lực, nhưng hành lang kinh tế Đông Tây ở phía Nam của vùng chưa được kết nối với vùng động lực của vùng trong giai đoạn này.
Để tăng cường kết nối vùng, đại biểu Hạnh đề nghị bổ sung Bình Định vào vùng động lực của vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung ngay trong giai đoạn 2021 -2030, vừa góp phần kết nối hành lang kinh tế Đông Tây (Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn) với vùng động lực (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), vừa rút ngắn không gian kết nối phát triển, khắc phục địa hình địa lý trải dài của khu vực Bắc Trung bộ - Duyên hải Nam Trung bộ. Đồng thời, phát huy được vị trí cửa ngõ kết nối với Tây Nguyên rộng lớn, giàu tiềm năng, hình thành nên một vùng động lực phát triển kinh tế mới, nhiều triển vọng.
Đã gần 15 năm triển khai Nghị quyết 27 ngày 6.5.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, trong đó có xác định: “Nhà nước đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học…”, song, cơ chế về đầu tư xây dựng, quản lý khu đô thị khoa học vẫn chưa được định hình. Đại biểu Hạnh đề nghị cần bổ sung vào quy hoạch tổng thể quốc gia việc đầu tư xây dựng các khu đô thị khoa học, trong đó, có Khu đô thị khoa học Quy Hòa - Quy Nhơn - Bình Định.
Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ có lợi thế để thu hút, phát triển các ngành công nghiệp nặng: lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng tái tạo… Trong quy hoạch tổng thể của vùng cũng đã quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp này. Bình Định đã xác định thu hút các dự án năng lượng tái tạo, sản xuất thép công nghệ tiên tiến trong quy hoạch chung. Đại biểu Hạnh đề nghị trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, Trung ương có chính sách hỗ trợ các tỉnh, trong đó có Bình Định, triển khai thực hiện các dự án trên.
Về định hướng phát triển không gian biển, bà đề nghị cần nghiên cứu toàn diện để có tính toán nguồn lực thực hiện có hiệu quả quy hoạch biển đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
NGUYỄN MUỘI