Tháng Chạp về
Tản văn của ĐOÀN HÀO
Khi trong nhà không có tờ lịch ghi ngày sinh tháng đẻ con cái thì con người dựa vào chuyển động của đất trời, của vạn vật cùng những tập quán sinh hoạt quen thuộc mà biết ngày, biết tháng. Một năm có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, đương nhiên là đông tàn thì xuân sang. Không có đồng hồ thì có tiếng gà gáy ò ó o thúc giục ra đồng, không có tờ lịch thì tiếng chim cu đất, cu cườm... thay nhau báo hiệu mùa xuân về. Tết đến, con người vốn giàu cảm xúc, nhiều khi vung tay gieo mớ hạt giống vạn thọ hay bất chợt nghe một tiếng chim cu gáy không dưng gù gù giữa trưa cũng thấy lòng nao nao.
“Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông mau tới Tết dựng Nêu ăn chè...”
Thời tôi lớn lên là cái thời cu anh cõng cu em hay gái chị bế gái em tụ tập nhảy dây đánh chuông, đánh đáo hay chia phe trốn tìm, bất chợt nghe điệu à ơi ru em như thế là cả bọn cứ sướng lên mường tượng ra ngày Tết ăn no, mặc mới. Ở xứ Nẫu Bình Định ngày xưa là vậy, hình như trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, ngạn ngữ lúc nào cũng sẵn sàng trổ ra; hồn hậu, giản dị mà đáng yêu nó gói được rất nhiều thông tin, khỏi phải trình bày dong dài mà người nghe hễ nghe tới đâu là hiểu luôn tới đó.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Những cơn mưa mù trời thưa dần để cho cày cấy vào vụ và khi hạt lúa giống tạm yên vị nơi mặt ruộng, kiếp nhà nông chẳng thể nông nhàn, họ quay về nhà lục lại mấy túi giống hạt cải, hạt xà lách, hạt dưa leo, mớ hành, mớ tỏi khô treo nơi gác bếp hoặc cất một chỗ nào nơi dễ thấy, dễ nhớ nhưng đủ khô ráo để bảo quản, lúc tìm là có ngay… lục đục chuẩn bị vườn rau Tết.
“Dựng nêu thì dựng đầu hè
Để sân gieo cải, vãi mè ăn chung”
Khoảng sân trước nhà được vây quanh bằng những tấm rả tre ngăn gà, vịt, chó chạy rông chỉ còn đúng lối đi ra ngõ. Không gian chạy nhảy thường ngày biến thành giồng, thành luống, thành rò chuẩn bị cho các thứ hạt nẩy mầm.
Tiết trời tháng chạp nắng nhẹ, se lạnh pha những cơn mưa bay lất phất là mùa hân hoan của các loài rau. Rò cải phảng phất xanh, rò hành nhú mộng, giồng dưa leo rải rác bung ngọn non... tất cả như đua chen, như reo mừng cùng đàn trẻ thơ hối hả mong Tết đến qua từng buổi sớm thức dậy.
Thế là quầy rau siêu tươi, siêu ngon, siêu sạch dần hiển hiện ngay trước sân nhà. Cải non, xà lách, ngò thơm cộng thêm mùi hăng hăng lá hành, lá tỏi nhúng vào tô nước mắm ruốt vang váng chút dầu mỡ bên trên, không phải vì đói thứ gì cũng thấy ngon, nhưng những kẻ lắm tiền bạc bây giờ nằm mơ cũng khó thấy.
Cải non thêm lứa mới, dưa leo bắt đầu mút choái, đậu cô-ve chung hàng cũng rướn theo, xóm làng rộn ràng chạp mả, lác đác cỗ tất niên, ai dám bảo lòng gà xào với dưa leo hay đậu cô-ve vườn là quê mùa chăng! Nó ngọt lừ vị đồng đất mỡ màu, nó thơm lừng hương gió chất phác.
Không khí Tết đậm dần khi vạn thọ lấp ló thềm cửa sổ. Không cần đếm ngày tháng nữa mà chỉ cần nhìn hoa bung tròn hết cỡ là đến Tết khi ai đó bảo hoa này rất kịp Tết. Mùi Tết cũng đậm dần với món thịt heo kho tàu ứa mỡ, thịt bì (tré) sần sật trong hương vị tỏi, tiêu, chỉ đợi hái xong rổ rau là cuốn với bánh tráng rồi cùng nhau hít hà với chén nước mắm ớt tỏi.
Bao năm “theo đời cơm áo, lên phố xôn xao” vẫn tiếc nhớ hoài một thuở. Làng quê mỗi ngày một thay đổi, con đường bê tông thay dần con đường đất, hàng rào dâm bụt hóa nhường chỗ cho tường gạch, sân nhà cũng hóa bê tông, láng xi măng để quét cho mau!
“Giấy đỏ buồn không thắm” là mang chút tâm trạng hoài cổ nhưng chữ Quốc ngữ phải tiến lên, chữ Nho phải lùi lại để người V iệt tiến bước cùng văn minh nhân loại. Gần ngay tại quê nhà Bình Định đã nghe râm ran trào lưu “hãy ăn uống như ông bà ta đã từng”, rồi thì phong trào canh tác an toàn, theo hướng hữu cơ, sống thân thiện với môi trường… thấy trong lòng nhen lên một niềm hy vọng, nhú ra một mầm non tinh khôi. Thì tất cả những thứ mà các trào lưu đang gầy chính là điều ông bà tổ tiên ta từng làm đấy thôi! Tại sao lại không hy vọng nhỉ… chẳng phải trên đồng đất quê hương ta nụ cười thô hào của người dân xứ Nẫu đã được gọi tài nguy ên du lịch đấy sao.