Chủ động phòng chống bệnh lỵ trực khuẩn
Bệnh lỵ trực khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do trực khuẩn Shigella gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu do nhiễm trực khuẩn từ phân, từ người bệnh sang người lành trực tiếp qua tiếp xúc, hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Các loại côn trùng như ruồi, nhặng, gián, … làm lây lan mầm bệnh sang thức ăn. Mọi người đều có thể bị lây bệnh, trong đó trẻ em và người già dễ mắc bệnh nặng, dễ tử vong do sức đề kháng kém.
Thời gian ủ bệnh của bệnh lỵ thường từ 1 - 7 ngày, sau đó sẽ phát bệnh một cách đột ngột, với 2 hội chứng: Nhiễm khuẩn và hội chứng lỵ. Hội chứng nhiễm khuẩn gồm các triệu chứng: Sốt cao 38 - 39oC, rét run, nhức đầu, mệt mỏi, đau lưng, đau khớp, ở trẻ em có thể có cơn co giật, chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn hoặc nôn. Hội chứng lỵ gồm các triệu chứng: đau bụng, ban đầu đau âm ỉ quanh rốn, sau đó lan ra khắp bụng, cuối cùng là những cơn đau quặn bụng ở hố chậu trái. Các cơn đau quặn bụng làm bệnh nhân mót rặn muốn đi đại tiện ngay. Mới đầu phân sệt, sau loãng, rất thối, lẫn với nhầy và máu. Hoặc phân nhầy nhiều, thường đục nhờ nhờ, có khi phân vàng đục như mủ, máu sẫm như máu cá, nhầy và máu hòa loãng với nhau không có độ bám dính. Hội chứng lỵ có thể diễn ra từ 5 - 10 ngày hoặc hơn.
Bổ sung nước và điện giải bằng dung dịch oresol hoặc dung dịch thay thế. Trong các trường hợp mất nước hoặc rối loạn nặng, người bệnh cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Điều trị kháng sinh theo phác đồ ở các cơ sở y tế và kháng sinh đồ. Điều này còn đặc biệt quan trọng với sự xuất hiện trực khuẩn lỵ kháng thuốc. Hạ sốt, giảm đau. Không nên sử dụng các thuốc giảm nhu động vì chúng làm chậm thải trừ vi khuẩn và kéo dài thời gian bệnh. Khuyến khích ăn thức ăn dễ tiêu như cháo, súp, uống nhiều nước cháo, súp. Đặc biệt trẻ em cần cho ăn uống đầy đủ và bổ dưỡng, ăn nhiều lần, để tránh suy dinh dưỡng.
Để chủ động phòng chống bệnh lỵ trực khuẩn, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: Thực hiện vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống nước đã đun sôi. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh. Sử dụng nước sạch, giữ vệ sinh nguồn nước công cộng. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi, xử lý phân, tuyệt đối không dùng phân tươi bón rau. Xử lý các chất thải của bệnh nhân bằng vôi sống 20%, nước vôi 10%. Đồ dùng, quần áo bệnh nhân phải được sát trùng hoặc ngâm Cloramin B 2%. Dùng lồng bàn đậy kín thức ăn. Tích cực diệt ruồi, nhặng, gián...
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)