Ðồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ:
Giữ gìn, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản
Vừa qua, tại xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Chi cục Thủy sản phối hợp với chính quyền 4 xã ven đầm (Mỹ Châu, Mỹ Lợi, Mỹ Ðức, Mỹ Thắng) tổ chức Hội nghị thành lập Ban đại diện Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ. Ðây là sự chuẩn bị để từng bước giao quyền cho các cộng đồng ngư dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định tại Ðiều 10 của Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017.
Đồng quản lý để bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Đầm Trà Ổ có tính đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản phong phú và có giá trị kinh tế cao. Nguồn lợi thủy sản ở đầm góp phần quan trọng duy trì sinh kế, nâng cao đời sống cho hơn 650 hộ dân của 4 xã có sinh kế đang phụ thuộc vào đầm. Mỗi năm người dân địa phương có thể khai thác được khoảng 1.000 - 1.200 tấn tôm, 780 - 1.100 tấn cá các loại. Mỹ Châu là xã có nhiều người dân có sinh kế phụ thuộc vào đầm nhất; điển hình là thôn Châu Trúc - hơn một nửa trong tổng số hơn 300 hộ ở đây gần như hoàn toàn sống dựa vào đầm.
Cảnh bắt ốc trên đầm Trà Ổ. Ảnh: Viện TN&MT
Tuy nhiên, trong những năm qua, do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của các hoạt động phát triển KT-XH của các địa phương xung quanh đầm, đặc biệt là công tác quản lý chưa được hiệu quả; việc sử dụng lưới lồng, xung điện đang trở thành vấn nạn và thách thức lớn đối với công tác quản lý, bảo tồn bền vững nguồn lợi thủy hải sản và tài nguyên đa dạng sinh học.
Ông Bùi Xuân Bộ, ngư dân xã Mỹ Châu cho biết, so với hơn 20 năm trước, nguồn lợi thủy sản tại Trà Ổ đã suy giảm, thay đổi đáng kể. Hiện cá rô phi vằn, một loại cá có giá trị kinh tế trở thành đối tượng khai thác chính. Trước đây, các loài cá có giá trị kinh tế cao như: Lóc, chép, diếc, chình mun, cá chình bông, cá bống đen rất phổ biến thì giờ rất ít hoặc gần như không còn.
Ông Phan Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng chia sẻ, khảo sát sơ bộ cho biết ở địa bàn đầm Trà Ổ hiện có khoảng 150 hộ hành nghề cấm, sử dụng ngư cụ bị cấm, chủ yếu là xung điện, lưới lồng. Đây là yếu tố chính khiến nguồn lợi thủy sản suy kiệt do bắt hết những con lớn, giết hại hầu hết con non. Ngược lại, các nghề khai thác truyền thống trên đầm như đăng sáo, nôm thùng, lưới, câu, thả dẹp… dần bị mai một.
Cá rô phi vằn trở thành loài khai thác chính tại đầm Trà Ổ do nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt. Ảnh: Viện TN&MT
Từ năm 2007, UBND huyện Phù Mỹ đã thành lập Hội đồng điều hành liên xã ven đầm quản lý chung đầm Trà Ổ, mỗi xã có một nhóm hạt nhân gồm 11 - 15 người cùng tham gia điều phối, giám sát hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên đầm nhưng do vướng mắc trong thẩm quyển xử lý vi phạm, tuần tra kiểm soát và nguồn tài chính để duy trì hoạt động nên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Từ thực trạng đó, Chi cục Thủy sản hỗ trợ thành lập Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ theo Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017 và Phương án bảo vệ - khai thác nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ để có giải pháp quản lý phù hợp, vừa phát triển sinh kế của cư dân, vừa bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản và phát triển hệ sinh thái thủy sinh trên đầm Trà Ổ.
Giữ gìn, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi
Là người gắn bó lâu năm với ngành thủy sản, ông La Thanh Định, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức, chia sẻ: Chúng tôi rất hoan nghênh việc thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại đầm Trà Ổ. Các hộ dân hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ có trách nhiệm đối với việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên đó. Tại Hội nghị bầu Ban đại diện Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ, cộng đồng cũng đã thống nhất lộ trình xử lý dứt điểm nghề lưới lồng trước ngày 1.4.2024.
Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết: Không chỉ riêng đầm Trà Ổ, thời gian tới, Chi cục sẽ đẩy mạnh và mở rộng triển khai đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017 tại các đầm Thị Nại và Đề Gi.
Thực tế cho thấy, việc tỉnh Bình Định triển khai đạt hiệu quả cao các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực vịnh Quy Nhơn (Nhơn Lý, Nhơn Châu, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng) đã được Tổng cục Thủy sản và UNDP đánh giá cao. Hoạt động của các mô hình đã góp phần phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, phát triển sinh kế cộng đồng bền vững gắn với du lịch sinh thái, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường nguồn lợi, bảo tồn rùa biển, hạn chế tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)… Đây là điều được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận.
TS Hoàng Văn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, một nhà khoa học có nhiều gắn bó với lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái ở tỉnh Bình Định - chia sẻ: Thực tế cho thấy, cách thức vận dụng sáng tạo của tỉnh Bình Định trong vấn đề bảo vệ nguồn lợi không chỉ thực hiện được mục tiêu bảo vệ, mà qua đó còn tham gia vào việc xây dựng, sửa đổi luật - đặc biệt là Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017. Những thành công của tỉnh ta trong vấn đề phát huy vai trò cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn có tác động rất lớn đến bảo vệ và phát triển tài nguyên vùng ven bờ, bảo vệ các hệ sinh thái rừng ngập mặn và các vùng đất ngập nước ven biển, tiến tới hình thành liên vùng/đầm trong bảo vệ tài nguyên hệ sinh thái.
ÁI TRINH