Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt: Khởi nguồn từ gia đình và tình yêu quê hương
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt sở hữu hơn 2.000 giải thưởng trong nước và quốc tế tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tất cả các châu lục; riêng trong năm 2022, anh được mời làm giám khảo tại 16 cuộc thi ảnh quốc tế. Anh đã dành cho Báo Bình Định cuộc trò chuyện thân tình.
* Chào anh Đào Tiến Đạt, trong một cuộc trò chuyện cách đây khá lâu, anh có chia sẻ rằng, với anh để có thể duy trì sáng tạo, anh phải học tập liên tục, vậy xin anh chia sẻ khi làm giám khảo anh học thêm được gì…
- Đúng là tôi có nói như vậy và cũng đúng là tôi học tập liên tục, việc học khiến tôi vui và hạnh phúc, không chỉ vì nhiếp ảnh không đâu! Xin nhắc lại một chuyện đã rất cũ. Năm 1998, khi đã 42 tuổi tôi mới đến với nhiếp ảnh, như vậy cũng không còn trẻ trung gì nữa. Và cũng thật lòng mà nói, xuất phát điểm của tôi rất thấp. Vì vậy học tập không ngừng nghỉ là chuyện đương nhiên.
Trước khi nhận lời làm giám khảo một cuộc thi ảnh nào đó, tôi phải tìm hiểu, nghiên cứu về sự kiện đó nhiều lắm. Phải phù hợp mới dám nhận. Khi làm giám khảo có nghĩa mình được tiếp cận với nhiều tác phẩm mà tác giả đã đầu tư công phu trong sáng tạo, chọn lựa chu đáo trước khi gởi đến, chính quá trình phân tích, thẩm định, đánh giá tác phẩm là mình đã học, học cách thức, kỹ thuật người ta sáng tạo. Tham gia làm giám khảo mình cũng phải lắng nghe ý kiến từ nhiều giám khảo khác, thảo luận, phân tích, tranh luận… về các tác phẩm. Đặc biệt họ rất tôn trọng sự khác biệt. Với tôi đó chính là những lớp học quý giá!
* Vậy anh đã vận dụng những điều mình học được như thế nào?
- Ở trên tôi có nói, việc học khiến tôi vui và hạnh phúc, không chỉ vì nhiếp ảnh không đâu. Nhưng ở đây, chỉ xin nói việc tôi vận dụng như thế nào trong lĩnh vực nhiếp ảnh thôi nhé! Người ta hay nói, nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng và khoảnh khắc, tôi nghĩ còn phải thêm “sự cộng hưởng giữa cảm xúc chủ thể sáng tạo với đối tượng sáng tạo nữa và “bấm máy” từ những điều mình nghĩ ra”. Nói cách khác là mình còn phải hiểu rất kỹ về đối tượng sáng tạo, có vậy mới kịp nắm bắt chính xác những khoảnh khắc.
Khi mình bước ra sân chơi quốc gia, mình là người Bình Định, mình càng đậm chất Bình Định bao nhiêu lại càng dễ phân biệt với địa phương khác bấy nhiêu, tạo sự khác biệt, nói nôm na “mình là chính mình”. Cũng như vậy, khi làm giám khảo, đặc biệt là ở các giải quốc tế, tôi nhận ra và đúc kết một điều cứ càng đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam thì càng dễ đi đến thành công. Vì vậy tôi học cách làm sao bố cục hình ảnh thật đẹp, đường nét thật xuất sắc, đậm tính nhân văn, hồn cốt Việt và coi đây như một cơ hội để giới thiệu nước Việt, người Việt với thế giới.
* Sở hữu hơn 2.000 giải thưởng trong nước và quốc tế tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên mọi châu lục, trong vô vàn những tác phẩm của mình, anh nhớ nhất là tác phẩm nào?
- Câu trả lời sau của tôi là chân thành chứ không phải vì tôi là dân Bình Định và cũng không vì bạn đến từ Báo Bình Định nhé.
Tháng 9.1998, khi con trai của tôi nhập học lớp 6, bức ảnh chụp lễ khai giảng Trường Quốc học Quy Nhơn được đăng trên Báo Bình Định, đây là tác phẩm đến với đông đảo công chúng đầu tiên của tôi. Tôi không thể quên tác phẩm tạm gọi là thành công đầu tiên của mình.
Năm 1999, tôi giành được giải khuyến khích trong cuộc thi ảnh “Vì cuộc sống bình yên” do CA tỉnh Bình Định và Báo Bình Định tổ chức. Thậm chí đến giờ mỗi khi hồi tưởng đến, vợ tôi cũng lâng lâng theo đấy.
Năm 2002, tác phẩm Đi làm của tôi được nhận Bằng danh dự tại Croatia, đây là lần đầu tiên tôi có giải quốc tế và bạn biết không, lúc bấy giờ tôi đi chữa bệnh ở TP Hồ Chí Minh, tôi chở vợ tôi và niềm hãnh diện của mình dạo qua nhiều con phố mà cứ như đi trên mây.
Đấy là những “tác phẩm đầu tiên” và tôi nhớ như in, nhớ không thể nào quên!
Kiệu Phù Mỹ. Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT
* Xin lỗi, anh vừa nói, “mỗi khi hồi tưởng đến vợ tôi cũng lâng lâng”. Vì sao vậy, anh có thể chia sẻ thêm…
- Khoảng năm 1998 tôi có một số khó khăn trong cuộc sống, bản thân tôi khi ấy được chẩn đoán là đau khá nặng. Đó là khoảng thời gian nặng nề, u ám với tôi. Tình cờ tôi đọc bài báo “Những tấm ảnh của Lewis W . Hine” trên báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh, tôi tìm đến nhiếp ảnh như cơ duyên vận vào đời mình. Sau cuộc trò chuyện với bạn bè, tôi quyết định đến với nhiếp ảnh.
Kể anh nghe điều này, không phải chỉ chiếc máy ảnh đắt tiền đâu, có lần tôi… trình bày với vợ rằng tôi rất muốn có một chiếc ống kính như vầy như vầy… Ngay lập tức vợ tôi quyết định mua luôn, “chỉ cần anh vui là đủ”. Tôi vẫn hay nói vui, đến giờ vợ tôi vẫn còn nuôi tôi và những đam mê của mình. Năm 1999, khi tôi giành được giải khuyến khích tôi cứ như đi trên mây vậy, thấy tôi hạnh phúc, vợ tôi cũng vui lây! Vì thế mà sau này tất cả những thành công trong nhiếp ảnh, người đầu tiên tôi chia sẻ là vợ tôi! Bệnh tật của tôi được chữa lành, theo bác sĩ điều trị cùng với thuốc men, sự động viên, ủng hộ của gia đình còn nhờ tinh thần của tôi rất tích cực. Tôi nghĩ nhờ nhiếp ảnh mà tôi có được sự tích cực này!
* Nghe đồn vợ anh… cấm không cho anh chụp ảnh nude?
Không. Hoàn toàn không có chuyện đó! Vợ tôi không hề thô bạo như thế, cô ấy đã làm tất cả mọi thứ tôi muốn miễn là tôi vui, trừ một điều “đừng chụp ảnh nude, em không thích”. Vợ tôi không thích và tôi muốn chiều vợ mình! Vợ tôi chiều chuộng đam mê của tôi đến như thế, lẽ nào chỉ mỗi một điều cô ấy muốn, tôi lại không chiều được!
Rất nhiều lần bạn bè nhiếp ảnh bấm nhỏ, tất cả đã dàn dựng xong chỉ cần anh mang máy đến chụp nữa thôi, chị Tuyết (vợ tôi) không biết đâu. Nhưng tôi lắc đầu! Thậm chí có cô đến tận nhà đề nghị tôi chụp ảnh nude, đúng theo tinh thần sáng tạo nghệ thuật, có cả vợ tôi chứng kiến luôn, nhưng tôi cũng lắc đầu. Xin lỗi, Đạt không làm ảnh nude!
Chuyện đơn giản chỉ có thế!
Hoa cát (ảnh chụp ở đồi cát Vĩnh Lợi, Phù Mỹ). Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT
* Xem ra anh có may mắn lớn là được gia đình ủng hộ…
- Có một câu hát như thế này, “Em là tặng phẩm từ trời, đã cho tôi hạnh phúc hôm nay/ Khi nào trái đất vẫn quay, mong chân tình này vẫn vậy” (Vũ Thành An). Tôi nghĩ mình còn được nhiều hơn thế nữa, bởi không chỉ vợ tôi mà cả các con tôi cũng luôn ủng hộ việc tôi làm. Vợ tôi tuy lo lắng làm lụng, bán buôn nhưng vẫn dành thời gian để chăm lo con cái, gia đình. Các con của tôi ngoan, đến nay đã thành gia thất ổn định. Xin nói thật tất cả nhờ công vợ tôi.
Tôi hay chia sẻ với bạn bè, tôi có một chút thành công, nó khởi nguồn từ gia đình và tình yêu quê hương.
* Nhân anh nhắc đến quê hương, xin phép được hỏi thêm, Phù Mỹ, nơi chôn nhau cắt rốn hình như ít xuất hiện trong danh mục tác phẩm của anh?
- Những tác phẩm tôi sáng tác với chất liệu Phù Mỹ chưa nhiều nhưng không hề ít đâu. Dù vậy vẫn xin chia sẻ rằng, tôi luôn đau đáu với bản quán, luôn day dứt khôn nguôi về quê hương. Tôi muốn khắc họa nhiều hơn, sáng tạo hơn về đất và người Phù Mỹ, lột tả tốt hơn thần thái nơi chôn nhau cắt rốn nhưng vẫn chưa thành. Tôi coi đó như một món nợ với quê nhà.
Sau Phù Mỹ là TP Quy Nhơn! Tôi sáng tác rất nhiều về Quy Nhơn nhưng vẫn thấy thiêu thiếu, chưa bao nhiêu. Thành phố đã đổi thay rất nhiều, suối nguồn tươi trẻ như căng tràn trên từng mạch sống. Tôi yêu quê hương tha thiết, lúc nào cũng muốn trải lòng mình lên từng khuôn hình nên đã tự lên kế hoạch dành thời gian sáng tác ngay trên quê hương mình. Trừ những chuyến đi giao lưu, sự kiện, liên hoan ở những tỉnh thành xa buộc phải đi, còn lại tôi sẽ tập trung, ưu tiên khắc họa hình ảnh quê nhà. Tôi đã có những dự án của mình rồi. Hy vọng khi dự án thành hình biết đâu tôi sẽ lại may mắn có dịp trò chuyện với bạn đọc của Báo Bình Định.
* Cảm ơn anh! Chúc anh thành công với những dự án trên quê hương!
BÁ PHÙNG (Thực hiện)