Lặng thầm trên hành trình đầy ý nghĩa
Thấu hiểu nỗi đau mất mát và sự chờ đợi mòn mỏi của các gia đình liệt sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng đã dành nhiều công sức và thời gian để làm công việc thầm lặng mà vô cùng ý nghĩa: Tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ.
NHƯ MỘT CƠ DUYÊN
Là một kiến trúc sư (KTS) bận rộn, nhưng anh Nguyễn Xuân Thắng chưa bao giờ từ chối lời nhờ tìm kiếm giúp thông tin về liệt sĩ. Anh và cộng sự đã kết nối với nhiều CCB Mỹ, cùng các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai tìm thấy khu mộ tập thể ở sân bay Biên Hòa. Anh đang tiếp tục cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng về một số ngôi mộ tập thể ở sân bay Tân Sơn Nhất và các tỉnh: Bình Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai với số lượng hàng nghìn liệt sĩ.
* Cơ duyên nào dẫn anh đến với công việc tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ?
- Từ nhỏ tôi rất thích máy bay. Lớn lên tôi theo ngành thiết kế, xây dựng và đam mê chụp ảnh, thích xem và sưu tầm các bức ảnh xưa, định vị các bức ảnh, công trình kiến trúc để đưa lên các trang mạng. Mục đích ban đầu của việc sưu tầm và đăng các bức ảnh này lên mạng không phải để phục vụ cho tìm kiếm mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, hàng nghìn bức ảnh treo trên mạng đó lại có sức hút mạnh mẽ đối với các quân nhân, CCB, nhất là các CCB nước ngoài từng tham chiến tại Việt Nam. Cơ duyên đến với công việc tìm kiếm thông tin về mộ liệt sĩ của tôi cũng bắt đầu từ đây.
Năm 2009, tôi đăng một bức ảnh của sân bay Biên Hòa lên website www.panoramio.com. Bảy năm sau, CCB Mỹ Bob Connor đã vào bình luận dưới bức ảnh ấy. Dòng bình luận được dịch ra như sau: “Nếu bạn nhìn lên con đường ở bản đồ sân bay, rồi rẽ phải - nơi có lô cốt, hay còn gọi là Hill 10, có một trận chiến quan trọng đã diễn ra nơi đây vào Tết Mậu Thân 1968. Những Việt Cộng chết phải chôn trong một ngôi mộ tập thể cuối đường băng…”.
Ngay khi đọc được đoạn bình luận này, lòng tôi dâng trào niềm hy vọng đây có thể là manh mối giúp tìm kiếm các liệt sĩ đã hy sinh. Sau đó, tôi cùng với nhóm của mình trao đổi thông tin với CCB Bob Connor và nhờ ông kết nối thêm với các CCB Mỹ khác từng trực tiếp tham chiến tại sân bay Biên Hòa để lấy thông tin. Sau khi thu thập thông tin, tư liệu, hình ảnh, bản đồ quân sự của quân đội Mỹ, nhóm chúng tôi chuyển cho Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai. Kết quả là ngày 14.4.2017, các cơ quan chức năng đã tìm thấy khu mộ tập thể có hài cốt liệt sĩ (HCLS) trong vành đai sân bay Biên Hòa.
* Ắt hẳn anh rất vui mừng khi hài cốt của bộ đội ta hy sinh ở sân bay Biên Hòa được tìm thấy?
- Hôm tìm được những HCLS ở sân bay Biên Hòa, phía tỉnh Đồng Nai đã gọi tôi xuống. Nhìn thấy lực lượng chức năng bốc lên những hài cốt đầu tiên, tôi vui mừng, xúc động đến nghẹn ngào.
Sau gần 50 năm nằm dưới lòng đất lạnh, hơn 100 HCLS hy sinh trong trận đánh tại sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968 đã được quy tập và tổ chức truy điệu, an táng trang trọng. Kính cẩn nghiêng mình trước hương linh các anh, tôi cùng mọi người dâng nén tâm hương với tất cả thành kính, tri ân.
KTS Nguyễn Xuân Thắng (ngoài cùng bên trái) tham gia tìm kiếm hố chôn tập thể của bộ đội ta tại đồi Xuân Sơn (huyện Hoài Ân). Ảnh: H.P
NẶNG LÒNG VỚI XUÂN SƠN
KTS Nguyễn Xuân Thắng cùng CCB Đặng Hà Thụy đã mất gần 5 năm nghiên cứu, kết nối, xác minh thông tin về vị trí khu mộ tập thể đã chôn hàng chục liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồi Xuân Sơn (huyện Hoài Ân) vào cuối tháng 12.1966. Từ những thông tin đó, đầu tháng 3.2022, Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã tổ chức tìm kiếm, khai quật và tìm thấy các HCLS trong niềm xúc động nghẹn ngào.
Đến đầu tháng 8.2022, qua sự kết nối của anh Thắng và CCB Đặng Hà Thụy, một nhóm CCB Mỹ từng tham chiến tại trận đánh ở đồi Xuân Sơn đã trở lại thực địa để hỗ trợ tìm kiếm hố chôn tập thể thứ 2.
* Không phải là người Bình Định, nhưng vì sao đến giờ này anh vẫn trăn trở với sự kiện ở đồi Xuân Sơn?
- Đây là công việc tôi tự nguyện nhận lấy. Tất cả những gì tôi làm đều xuất phát từ cái tâm. Hơn nữa, các liệt sĩ đã nằm ở đây 56 năm, không ai biết, không ai hương khói. Tôi sẽ nỗ lực đeo đuổi sự kiện tại đồi Xuân Sơn cho đến khi nào tìm được hố chôn tập thể còn lại. Và việc kết nối, đưa các CCB Mỹ trực tiếp trở lại chiến trường xưa đã minh chứng cho quyết tâm của tôi.
* Việc các CCB Mỹ đồng ý trở lại đồi Xuân Sơn để hỗ trợ công tác tìm kiếm HCLS không phải là điều dễ dàng, anh đã thực hiện việc kết nối như thế nào?
KTS Nguyễn Xuân Thắng sinh năm 1973, quê huyện Điện Bàn (Quảng Nam)- từng là “chảo lửa” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh Thắng có người cậu ruột hy sinh ở Quảng Nam năm 1972, đến nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Vì vậy, khát vọng tìm kiếm hài cốt người cậu liệt sĩ nói riêng và HCLS nói chung luôn canh cánh trong lòng kiến trúc sư này.
- Thật không dễ dàng gì để vượt qua mặc cảm khi lần đầu các CCB Mỹ quay trở lại Việt Nam. Qua trao đổi, tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các CCB Mỹ. Do lệch múi giờ, nhiều đêm tôi phải thức trắng để trao đổi với các CCB Mỹ về trận đánh, rồi xem bản đồ vệ tinh, hình dung lại địa hình, chiến sự đã xảy ra, sau đó thế nào, hố chôn bộ đội ta ở khu vực nào. Bằng tình yêu với đất nước Việt Nam và sự khâm phục nỗ lực theo đuổi của ta trong việc tìm kiếm HCLS, họ đồng ý ngay khi chúng tôi ngỏ ý mời sang Việt Nam.
Khi trở lại đồi Xuân Sơn, nhiều ngày liền, các CCB Mỹ cùng tôi miệt mài lội bộ, trèo dốc thị sát địa hình để “liên kết” thông tin với hồi ức của mình. Các CCB Mỹ khẳng định vẫn còn một hố chôn tập thể nữa của bộ đội ta hy sinh vào tháng 12.1966. Nhưng do địa hình, địa vật đồi Xuân Sơn đã có nhiều thay đổi sau 56 năm nên việc xác định vị trí chính xác hết sức khó khăn.
Hiện nay, các CCB Mỹ đang tập trung vào việc tìm kiếm những đồng đội từng tham chiến cùng để nắm thêm thông tin sự việc tại đồi Xuân Sơn. Họ khẳng định sẽ nỗ lực hết mình như thể đang tìm kiếm đồng đội của mình, vì những người lính Việt Nam không bao giờ trở lại xứng đáng được tìm thấy. Bởi, các anh đã cống hiến cuộc đời của mình để có được Việt Nam như ngày hôm nay.
HÀNH TRÌNH KHÔNG NGỪNG NGHỈ
Biến đam mê thành một công việc có ích cho xã hội, những thông tin về mộ liệt sĩ từ KTS Nguyễn Xuân Thắng đã hỗ trợ hiệu quả các cơ quan chức năng trong công tác tìm kiếm HCLS. Anh không thể nhớ hết có bao nhiêu liệt sĩ đã được mình cùng các cộng sự tìm thấy.
* Phải chăng, từ kết quả này đã mở ra một hướng mới để tìm kiếm HCLS, mang đến những cuộc “trùng phùng” cho hàng nghìn thân nhân, gia đình liệt sĩ, thưa anh?
- Khi các cuộc chiến kết thúc, ngày chiến thắng trở về cũng là lúc có biết bao người vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Họ không còn để được chứng kiến ngày vinh quang của đất nước, dân tộc. Gia đình tôi cũng có người thân hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Một thời gian dài tìm kiếm, tôi cũng rút ra một số bài học cho mình và mong muốn chia sẻ những thông tin có giá trị với các gia đình khác trong việc tìm kiếm HCLS.
Kinh nghiệm quan trọng là phải làm sao liên hệ với các bên tham chiến như CCB Mỹ, tiếp cận hồ sơ lưu trữ của Quân đội Mỹ để có thông tin, tài liệu quý. Làm theo hướng đó sẽ tìm được nhiều mộ tập thể, công tác quy tập HCLS sẽ đạt hiệu quả cao.
*Anh có dự định gì tiếp theo trong việc tìm mộ liệt sĩ?
- Mỗi lần tìm được mộ liệt sĩ, chứng kiến hình ảnh những người mẹ, người vợ, người con sau nửa thế kỷ mòn mỏi trông chờ đã tìm thấy con, chồng, cha của mình, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục hành trình.
Hiện tại, tôi cùng các cộng sự và một số CCB Mỹ tiến hành phân tích xác định khu mộ tập thể bộ đội Việt Nam ở ngoài hàng rào sân bay Biên Hòa, ở sân bay Tân Sơn Nhất và mộ tập thể liệt sĩ Tiểu đoàn đặc công D40 hy sinh trong trận bãi cát Đồng Chu (xã Hoài Châu, TX Hoài Nhơn) vào ngày 3.11.1969. Việc thu thập, xác minh thông tin về các ngôi mộ này sẽ tốn nhiều thời gian, nhưng chúng tôi đều quyết tâm dù khó khăn đến mấy cũng không dừng lại.
* Xin cảm ơn anh. Chúc anh luôn mạnh khỏe để tiếp tục hành trình tìm kiếm thông tin về mộ liệt sĩ!
“Đề nghị của phía Việt Nam, trong đó có ông Thắng về việc trở lại đồi Xuân Sơn giúp chính quyền tìm kiếm HCLS là một bất ngờ lớn đối với tôi. Và, ngay lập tức trở thành một điều tuyệt vời. Bây giờ, tôi đang dành nhiều thời gian hơn cho việc này”.
CCB Mỹ SPENCER JOHN MATTESON
“Việc các tình nguyện viên như anh Nguyễn Xuân Thắng kết nối được với các CCB Mỹ, khai thác thông tin từ nhiều phía đã giúp công tác tìm kiếm HCLS đạt hiệu quả cao hơn, góp phần tri ân các anh hùng liệt sĩ”.
Đại tá NGUYỄN XUÂN SƠN, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Định
HỒNG PHÚC (Thực hiện)