Chỉ thêu nên gấm
Song song với danh xưng “miền đất võ”, lịch sử văn hóa Bình Định cũng minh định đây là vùng đất rất trọng chữ nghĩa, rất trọng văn chương nghệ thuật và thực tế đã sản sinh cũng như nuôi dưỡng, làm đất phát tích của nhiều văn nghệ sĩ danh tiếng lẫy lừng.
Nguồn cảm hứng của nhân dân được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nỗi có những làng xa xóm vắng, người nông dân sau buổi cày là tụ tập bên bờ ruộng hoặc trong chòi tranh, một cút rượu vài con cá nướng là có thể say sưa bình tán về thơ ca cho đến khi trăng mọc rồi đến cả trăng tàn.
Người ta có thể hỏi rằng ở đây, từ trong truyền thống hằng năm có lễ hội giành cho chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung và hằng bốn năm một lần có cả một lễ hội giành riêng cho võ thuật là Hội Đổ Giàn, sao chẳng có riêng một lễ hội cho Thơ ca như kiểu ngày nay có Ngày Thơ Việt Nam? Xin thưa: Từ trong truyền thống, lễ hội cho thơ ca, lễ hội cho văn chương nghệ thuật đã lên ngôi trong những đêm khuya bên ngọn đèn dầu như vậy. Dường như nội hàm phong tục tập quán của Bình Định đã dung chứa những nghi thức không ồn ào và hết sức bền vững ấy, những nghi thức xuất phát từ sự thành tâm. Mà chuyện văn chương đâu phải ngưng lại ở địa hạt văn chương.
Đằng sau những di sản, như lời thiệu của các bài võ cổ truyền Bình Định còn lưu lại, như Hùng kê quyền, như Thái Sơn côn, như Lôi long đao, như Song phượng kiếm… chẳng hạn, đâu phải chỉ là trình thức nhịp điệu của vũ công, mà ẩn mang biết bao tâm tư con người thời thế, bên cạnh sự hào sảng là nỗi niềm thâm trầm cảm khái. Đó chẳng phải đã là nghệ thuật đã được cô đọng đến vô cùng hàm súc hay sao?
Đâu phải chỉ những văn thần võ tướng, những nhà khoa bảng, các bậc mũ cao áo dài mới được hưởng niềm hoan hỉ của càn khôn, dư ba của kinh sách, hương vị của tri thức. Dọc dài cuộc sống rộng lớn muôn trùng của người chân lấm tay bùn, đã thủ thỉ với lịch sử rằng những hồng cầu luân chuyển trong thể phách Bình Định, đã lập những chiến công văn hóa ngoạn mục từ phía những thôn hương, chợ búa, chốn đèo cao truông rậm và tác giả của nó ẩn dưới cái tên chung là dân gian. Ấy là mẫu số chung của nhiều vùng văn hóa.
Nói qua một chút về truyền thống của xứ sở mà chúng tôi đang sống, nhằm đi đến một điều rằng mỗi vùng miền trên đất nước mà chúng ta đang hoạt động đều có một hình tích riêng, khí vị riêng, và hương hồn sông núi chúng ta, cha ông chúng ta dường như khôn nguôi ý thức gầy tạo cho thế hệ đi sau những bước tiến mới, tiếp sức cho cháu con không hề lạnh lưng với hành trang của truyền thống.
Bao nhiêu nhà văn, nhà thơ bốn phương đã đặt chân trên mảnh đất này, ít ra những thể hiện của họ cũng làm cho tôi ngạc nhiên về độ lan tỏa của nội lực văn hóa Bình Định, ở tình cảm sâu sắc họ để lại. Dọc theo những sự ân cần, nồng nhiệt từ phía những người có trách nhiệm và từ phía công chúng là những trái tim “tứ hải giai huynh đệ”, luôn tạo sự ấm áp và kích thích những hoạt động nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn… ở Bình Định ngày càng bước vào những cấp độ mới. Những nhà thơ lớn Bình Định mà tôi may mắn được gặp gỡ và làm việc với họ qua một vài công trình mà họ cộng tác với tỉnh nhà để thực hiện, đều là những người như vậy, có sức lan tỏa tinh thần hết sức mạnh mẽ. Như Quách Tấn. Như Chế Lan Viên. Như Yến Lan…
Bây giờ với những đặc trưng của một thời đại, ta không khó khăn nhiều lắm về phương tiện công bố tác phẩm. Song khi mọi điều kiện được tạo thuận lợi hơn thì kim đồng hồ về chất lượng nội dung tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm có nơi có lúc lại tỷ lệ nghịch. Nhưng thiết nghĩ, mọi hoạt động của chúng ta đều nhằm tạo nên một phong trào mạnh mẽ và từ phong trào ấy, tìm kiếm những tác phẩm chất lượng cao, xây dựng nên những tác gia có tầm vóc lớn cũng là dễ chấp nhận. Nỗ lực của chúng ta là phải làm cho nhân dân hưởng thụ cái mà họ hằng mong đợi chứ không phải cái chính chúng ta áp đặt. Công việc hòa mình vào đời sống nhân dân và thời đại, nhằm hấp thụ và cảm xúc, trau dồi và cống hiến, bằng niềm đam mê tìm tòi sáng tạo những tác phẩm đỉnh cao luôn là điều canh cánh bên lòng văn nghệ sĩ, chẳng phải riêng ở Bình Định.
Nhưng riêng ở Bình Định, gánh gồng cho đời sau không phải là hành trang văn hóa không sâu nặng của đời trước, nếu muốn tạo cho kiếp này một dấu ấn thật đậm đà, thật khó phai nhòa. Những nỗ lực bước qua lằn ranh địa phương, bước qua rào cản ngôn ngữ để đến với công chúng rộng rãi trong toàn quốc và cả quốc tế là điều đáng ghi nhận trong hành trình giao lưu và lan tỏa của người cầm bút Bình Định. Và điều này là có thật, khác với một số tỉnh, bạn bè bốn phương vẫn không thôi nhìn về những đỉnh cao văn chương quá khứ của Bình Định, để ngầm gửi gắm một khích lệ, bên cạnh đó cả một hy vọng vào hôm nay.
Nhiều năm trước, bản thân tôi có mạnh dạn sáng tạo cụm từ “đất võ” ghép với “trời văn”, và làm cái tít đề cho một tham luận được trình bày trong Hội thảo Khoa học và thực tiễn văn hóa dân gian Nam Trung bộ, phải nói trong tôi vừa có những nao nức vừa có những e ngại. Nao nức vì tôi nghĩ đến cái chữ văn rộng lớn (không chỉ ở phạm vi văn chương) của hương hồn các thế hệ Bình Định và khi đưa ra một tiểu đối với “đất võ”, nó phát lộ rõ rệt sự hoàn chỉnh về ngôn từ. E ngại vì mình là người Bình Định, cái niềm tự hào quá mức về địa phương do chính mình phát ra, dễ gây một hiểu nhầm với bốn phương bè bạn.
Tuy nhiên, cái cụm từ làm tít đề và bản tham luận này, ngay sau đó được in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học, in trên báo Tài nguyên & Môi trường, tạp chí Nguồn sáng dân gian, tạp chí Văn Hiến, báo Bình Định điện tử… đã gây hiệu ứng tương đối rộng rãi, gần như trở thành một slogan của Bình Định. Rất nhiều bài báo, nhiều tạp văn, tùy bút của những người khác đã đưa cụm từ này vào, khi nói về Bình Định. Nó chẳng những được dùng trên văn tự của văn bản hành chính hoặc các bài báo, mà còn xuất hiện rộng rãi trên cửa miệng người Bình Định và bạn bè bốn phương. Điều đó gây nên sự hứng khởi, cho thấy một hiệu ứng văn hóa khi nội hàm thông điệp của nó truyền đi có ấn tượng, khơi gợi nhiều suy tưởng và giành tình cảm quý mến với xung quanh.
Trở lại với vấn đề sáng tạo mới trên cái nền xứ sở truyền thống “đất võ trời văn” ngõ hầu trình làng được gương mặt những người kế tục làm nên diện mạo cho thế hệ này, tạo một dấu ấn sâu đậm cho mai sau, chắc chắn là một vấn đề không thể khái quát và kết luận trong một sớm một chiều. Người Bình Định có câu ca rằng: Một mai ai chớ bỏ ai/ Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim. Tất nhiên đó là một câu nỗi niềm thân phận; nhưng từ câu ca đó, cũng thể suy rộng ra về cái ý nghĩa về hoạt động văn chương nghệ thuật hôm nay, rằng bức gấm tác phẩm được hình thành nên bởi bao nhiêu tiền đề, kết tinh công sức của không biết bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ.
Sự hưởng ứng ở phạm vi ngoài Bình Định đã làm cho bản thân người sáng tạo cụm từ “đất võ trời văn” bớt đi những mặc cảm chủ quan ban đầu. Phải nói, chính nội lực thâm hậu văn hóa truyền thống của Bình Định đã hoài thai và sinh nở mệnh đề “đất võ trời văn”, bản thân tôi chỉ là người lắng lòng trước kinh mạch của lịch sử, may mắn được cung thỉnh từ đất trời thâm nghiêm và hào sảng này để trưng bày ra trước thiên hạ, hiểu theo một cách nào đó, thì đó cũng là “chỉ thêu nên gấm” vậy!
NGUYỄN THANH MỪNG