Trăm năm thơm thảo làng nghề
Cách Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) chừng vài trăm mét, tức là rất gần phố thị, nhưng những làng nghề ven sông Côn thơ mộng vẫn giữ trọn nét hồn hậu giản dị của mình.
Nghề không chỉ nuôi sống bao thế hệ mà thấp thoáng trong đó còn là những nét văn hóa, là truyền thống lịch sử lâu đời và thảo thơm hồn người. Với định hướng phát huy thế mạnh này vào du lịch, những năm qua huyện Tây Sơn đã động viên người dân gìn giữ và phát triển nghề như một cách bảo tồn giá trị văn hóa riêng có.
LÀNG TRĂM NĂM, NGHỀ TRĂM TUỔI
Tất cả những làng nghề còn lại đến nay ở Phú Phong đều đã hơn trăm năm tuổi, các cụ già ở xóm Đậu, xóm Giá, xóm Bánh, xóm Bún… đoan chắc như thế ngay từ hồi tôi mới về đây làm dâu. Cũng đã hơn 10 năm rồi, thế mà trong tôi, làng vừa thân thuộc, xưa cũ vừa tinh khôi, ấm áp, mới mẻ.
Đọc theo tên xóm đã kịp biết luôn người làng theo nghề nào. Thì những xóm Đậu, xóm Giá, chen cùng xóm Bánh, xóm Bún…, tự nó đã là một lời giới thiệu. Sau mấy trăm năm tuy còn lại không nhiều, ở đây vẫn có đến hơn 200 hộ theo nghề, cái nghề nuôi sống bao thế hệ. Trồng rau, làm giá, làm đậu khuôn, làm bánh, làm bún... tất cả đều như trăm năm trước. Dù rằng ngày nay máy xay, giã cùng một số thiết bị cơ khí đã đỡ đần nhiều cho sức người, thì nghề vẫn là nghề thủ công, như nghề làm đậu khuôn, làm giá, bà con nơi đây vẫn giữ cách làm đậu, làm giá theo như cách thức ngày xưa, hoàn toàn tự nhiên, không thêm bất cứ loại hóa chất nào.
Chị Nguyễn Thị Hà với nghề làm giá. Ảnh: ĐINH NGỌC
Những ngày đầu về làm dâu đất Tây Sơn, một cô gái ở phố xứ Quảng như tôi không làm sao phân biệt được đâu là sản phẩm có hóa chất can thiệp, đâu là sản phẩm thuần hậu thủ công, vì nom chúng giống nhau quá thể. Nhưng rồi khi kịp quen với “hàng thủ công xưa cũ” cầm miếng đậu lên không thấy hương thơm mà phảng phất vị ngầy ngậy béo của tinh túy đậu nành, là biết ngay đâu thật đâu “giả”. Tương tự tôi cũng sớm nhận ra cọng giá ủ lu đất, vò cát không sử dụng hóa chất nó ngọt ra sao, màu trắng ngà ngả xanh của nó tươi tắn đến thế nào.
Bà Lâm Thị Phụng, 80 tuổi, một bậc thầy trong nghề làm đậu, ủ giá, cười ấm áp chia sẻ: "Ông nhà tôi mất lúc bầy con còn bé dại. Tôi làm đậu, làm giá nuôi con khôn lớn. Cha mẹ, ông bà bày sao tôi cứ làm đúng như vậy. Hơn 50 năm không sai một mảy. Vợ chồng con trai tôi nay cũng làm nghề này để nuôi đám cháu nội của tôi… Bầy con tôi, rồi đám cháu tôi mới sinh ra đã biết mùi hương miếng đậu, vị ngọt cọng giá. Giá giá đậu đậu hết năm này qua tháng nọ, khiến mấy đứa đi học xa nhớ nội, nhớ ba mẹ là nhớ cùng với giá với đậu, nghe nó điện thoại về thương sao là thương. Tôi quý cái nghề này như thể người nuôi nấng mình suốt bao năm qua, lại thêm cái chuyện này nữa, hỏi làm sao tôi thay đổi, có mới nới cũ cho đành!".
Nghề làm đậu đã nuôi sống nhiều thế hệ gia đình bà Lâm Thị Phụng. Ảnh: ĐINH NGỌC
Ông Trần Minh Chính, khối trưởng khối 1, thị trấn Phú Phong, khoát tay khẳng định, người làng nghề ở đây làm liên tục quanh năm, có ngơi tay chắc cũng chỉ vài ba ngày Tết. Cứ như tôi thấy thì ai giữ nghề dường như đều khá giả cả, ít nhất cũng ổn định đời sống. Những người cao tuổi như tôi thì còn thấy đây là những nét đẹp văn hóa quê mình.
LÀNG RAU LÀM DU LỊCH
Nếu so với xóm Đậu, xóm Giá, xóm Bánh, xóm Bún… phải công nhận xóm rau Thuận Nghĩa “bảnh” hơn. Hiện Thuận Nghĩa có 414 hộ dân thì có đến 366 hộ làm kinh tế bằng nghề trồng rau, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt sơ sơ hơn 50 triệu đồng/năm.
Vẫn bền bỉ giữ nghề trồng rau nhưng bà con Thuận Nghĩa còn chịu khó học tập, áp dụng cách trồng rau hợp chuẩn VietGAP. Chính nhờ thế mà rau Thuận Nghĩa bắt nhịp với nhu cầu người tiêu dùng khắp nơi, biến Thuận Nghĩa thành nơi cung cấp rau sạch lớn và uy tín bậc nhất không chỉ ở tỉnh Bình Định và vươn xa đến nhiều tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên.
Người trồng rau Thuận Nghĩa rất hào hứng với cơ hội phục vụ du lịch khi có nhiều du khách đến tham quan làng rau. Ảnh: ĐINH NGỌC
Thế nhưng, ngay khi vươn tầm đến thế thì cả những người lãng mạn nhất Thuận Nghĩa cũng không thể hình dung một ngày kia làng rau lại đón du khách khắp nơi đến thăm chơi, cùng trồng rau với mình; rằng một ngày nào đó làng rau lại như một khu vườn sinh vật khổng lồ cho học sinh tìm hiểu, thực hành ngay trên ruộng, trên luống.
Quả thật nhiều du khách kể rằng họ luôn muốn được trải nghiệm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, chan hòa với cuộc sống mộc mạc, giản dị của người làng rau. Để xây dựng sản phẩm du lịch bài bản gắn với các ngành nghề truyền thống, huyện Tây Sơn phối hợp với Sở Du lịch chọn 5 hộ dân ở Thuận Nghĩa có đủ điều kiện cơ bản xây dựng homestay, tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ đón tiếp, phục vụ du khách. Tổ chức tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch cho nhân dân; vận động nhân dân trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Huyện cũng đã đầu tư nâng cấp, thảm nhựa và lắp đặt hệ thống chiếu sáng tuyến đường vào làng rau Thuận Nghĩa. Đường mới rộng rãi đang mở ra đại lộ thênh thang để làng nghề đi lên.
Như một cách hưởng ứng, bà con làng rau Thuận Nghĩa rất hào hứng với cơ hội phục vụ du lịch, hăng hái đáp ứng lời kêu gọi trồng hoa, cây cảnh để làm đẹp cảnh quan. Đường làng ngõ xóm vốn phong quang nay càng thêm tinh tươm.
Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX NN Thuận Nghĩa, vui mừng cho biết: Cách đây ít lâu, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi Bình Định đã giới thiệu, hướng dẫn và đưa về Thuận Nghĩa 30 học sinh. Các cháu cùng ăn, cùng ở, cùng ra đồng trải nghiệm trồng rau, tưới rau, bắt sâu, nhổ cỏ tại ruộng rau của 3 gia đình trong làng. Các cháu rất thích, vui vẻ và hào hứng khi lưu lại nơi này. Người Thuận Nghĩa vốn đã thân thiện, mến khách, nếu được hướng dẫn thêm thì chắc chắn họ sẽ phục vụ tốt hơn nữa.
“Phát triển du lịch cộng đồng gắn với các ngành nghề truyền thống chính là một trong những giải pháp để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân, là một hướng xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tô điểm cảnh quan môi trường địa phương.
Chúng tôi sẽ nghiên cứu nối xóm Đậu, xóm Giá, xóm Bánh, xóm Bún và làng rau Thuận Nghĩa thành một chuỗi kết nối với Bảo tàng Quang Trung, tháp Dương Long, tháp Bình Nghi, những ngôi nhà cổ ở Phú Phong.
Cùng với du lịch văn hóa, lịch sử, huyện Tây Sơn sẽ có thêm du lịch trải nghiệm làng nghề thú vị”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn BÙI VĂN MỸ
ĐOAN NGỌC