Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV: Quyết định những vấn đề cấp bách, quan trọng
Diễn ra ngay trong những ngày đầu năm 2023, đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2023), kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định nhiều nội dung hết sức quan trọng. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh về kỳ họp lần này.
Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: hanoimoi.com.vn
*Xin bà thông tin cụ thể, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 này, Quốc hội khóa XV đã xem xét, thảo luận và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách nào?
- Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã tiến hành kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách.
Thứ nhất, về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Các ĐBQH tỉnh Bình Định đã tập trung thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó nhiều ý kiến quan tâm nội dung phân vùng kinh tế xã hội, định hướng phát triển và liên kết vùng; định hướng phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; gắn quy hoạch với tính toán nguồn lực để đảm bảo thực hiện quy hoạch khả thi, hiệu quả.
Thứ hai là về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dự án Luật nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng và đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 2 kỳ họp trước. Tại kỳ họp lần này, các ĐBQH tập trung thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề về Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tài chính và chế độ tự chủ tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội…
Thứ ba là tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách đặc thù cho phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Nghị quyết 30 đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa kiểm soát, phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển KT-XH. Đây là dịp để có cái nhìn, sự phân tích đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện Nghị quyết, bài học kinh nghiệm về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách. Đồng thời, cho ý kiến làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và tác động của việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm đảm bảo nguồn cung thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách và công tác nhân sự.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh tham gia thảo luận tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
* Sau 4 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương, theo bà, đâu là những kết quả nổi bật của kỳ họp bất thường này?
- Quốc hội tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu.
Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 3 nghị quyết gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024; Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quốc hội khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ nhằm bảo đảm hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách đã đề ra tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.
* Trân trọng cảm ơn bà!
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)