Nhớ thầy Lê Đức Giảng
Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi may mắn được tiếp xúc với thầy giáo Lê Đức Giảng từ khi thầy còn làm Hiệu trưởng Trường Trung học sư phạm Bình Định. Theo suốt trong tôi, thầy Giảng là hình mẫu về một nhà giáo uyên thâm, mô phạm và nhiệt huyết với nghề, thương yêu, tôn trọng học sinh.
Dành cả cuộc đời với sự nghiệp trồng người, dù còn đi dạy hay đã về hưu, lúc nào thầy cũng dõi theo và tâm tư về ngành GD-ĐT. Nhiều người kính trọng thầy vì tư duy đổi mới, sự chịu khó cập nhật, thích nghi với giáo dục trong tình hình mới nhưng điều gì là “cốt lõi” của đạo đức người thầy, của nghề dạy học thì thầy quyết nâng niu, giữ gìn và bảo vệ đến cùng. Cuối đời, thầy vẫn giữ nguyên sự giản dị trong cách sống của một người thầy giáo; để bất cứ ai ghé đến căn nhà riêng số 163 Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn) của thầy cũng thấy chủ yếu sách là sách, nhiều loại báo, tạp chí, nhiều tập giấy được thầy viết tay để trải bày nỗi lòng, tâm tư, nguyện vọng về ngành giáo dục, nhiều kỷ vật với học trò cũ…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm vợ chồng thầy Lê Đức Giảng tại nhà riêng của thầy ở số 163 Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn). Ảnh tư liệu gia đình.
Căn phòng với góc sân ở tầng trên là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của hai vợ chồng thầy, đồ dùng gia đình được tối giản để dành thật nhiều chỗ cất sách. Bà Phan Thị Cấu, vợ thầy từng chia sẻ, chỉ đến mức không mở được mắt ra thì thôi, nếu không, mỗi ngày, thầy phải đọc tin tức, trong đó dành sự quan tâm đặc biệt cho tin, bài về giáo dục. Đọc tin nọ, tin kia, thầy vui rồi buồn. “Dạy học bây giờ khác với ngày xưa nhiều. Trước dạy nặng về kiến thức, bám sát giáo trình, còn giờ dạy làm sao cho học sinh có các kỹ năng và biết cách vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Thế nhưng, dù dạy học ở thời nào, theo cách nào thì người thầy phải luôn luôn thương yêu và tôn trọng học sinh. Thầy cô giáo mà quát mắng, nóng nảy đánh học sinh là phản sư phạm. Làm vậy chỉ khiến các em sợ chứ không nể phục mình”, thầy có quan điểm vậy.
Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy luôn “nghiêm” nhưng không “khắc” và đặc biệt luôn hết hết lòng yêu thương học trò. Suốt một đời làm thầy, tấm lòng bao dung ấy của nhà giáo Lê Ðức Giảng đã chắp cánh cho không biết bao nhiêu thế hệ học sinh. Một trong những người học trò nhỏ của thầy là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Năm 2012, trong dịp đến thăm thầy giáo cũ tại nhà riêng số 163 Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn), người học trò ấy đã trang trọng biếu thầy một cuốn sách với lời đề tặng: “Kính biếu thầy Lê Đức Giảng - người thầy em hằng kính trọng với tất cả tấm lòng mình mấy chục năm nay”.
Thầy Giảng xem lại dòng chữ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề từ trong cuốn sách tặng thầy.
Liên tục 45 năm dạy học suốt ba thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sau ngày đất nước thống nhất, thầy giáo Lê Đức Giảng đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ học trò, và họ đã tỏa đi khắp mọi vùng miền, góp sức mình xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Nhiều người trong số đó giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng, Chính phủ, chính quyền các địa phương…
Thầy giáo Lê Ðức Giảng sinh năm 1929, quê xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát. Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Thầy Giảng thuở nhỏ đi học, sau đó tham gia kháng chiến và đi dạy học tại Trường Bổ túc công nông tỉnh Bình Ðịnh vào năm 1951. Năm 1955, thầy tập kết ra Bắc, giảng dạy tại Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng, sau đó là dạy môn Lịch sử tại Trường Phổ thông cấp 3 Nguyễn Gia Thiều (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Năm 1964, thầy về Nam tiếp tục dạy học ở vùng kháng chiến cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau giải phóng, thầy dạy học và làm Hiệu phó tại Trường CÐ Quy Nhơn; năm 1980 về làm Hiệu trưởng Trường Trung học Sư phạm Bình Ðịnh (nay là Trường CÐ Bình Ðịnh), đến năm 1986 nghỉ hưu.
Những lần đến thăm thầy, đặc biệt vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, thầy thường cho xem album hình cũ, kể về quãng thời gian dạy học cùng những lứa học trò của mình. 4 năm (1955 - 1959) vừa dạy học vừa làm chủ nhiệm lớp ở các trường học sinh miền Nam, quá nửa số học sinh lúc đó có cha mẹ còn ở lại bên kia giới tuyến. Vậy nên, thầy dùng tình cảm ruột thịt của những người thân trong gia đình để vừa dạy vừa quan tâm, chăm sóc trò. Tháng 9.1961, sau khi tốt nghiệp khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Lê Đức Giảng được chuyển về Trường Phổ thông cấp 3 Nguyễn Gia Thiều ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), dạy môn Lịch sử các lớp 8 và 9 hệ 10 năm và làm chủ nhiệm lớp 9B. Lớp có 45 HS, do HS Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) vừa làm lớp trưởng vừa làm bí thư chi đoàn. Thầy kể, học sinh lúc này dân dã, hồn nhiên và chân thực. Riêng “cậu học trò đặc biệt” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuy ít tuổi so với nhiều bạn bè cùng lớp nhưng học giỏi, chững chạc và khiêm tốn nên được bạn bè trong lớp quý mến, tin cậy. “Hồi đó, buổi tối, anh Trọng thường đến học và làm bài tại phòng ở dành cho giáo viên của tôi, vì nơi trọ đèn đóm tù mù; gặp những hôm trời mưa, anh ở lại ngủ chung với thầy giáo khiến tôi đỡ phần trống trải. Tình cảm thầy trò theo đó ngày càng trở nên thắm thiết và giữ mãi đến tận hôm nay”, thầy Giảng đã từng kể.
Tháng 5.2018, các cựu HS miền Nam đã tề tựu về TP Quy Nhơn tổ chức lễ mừng thọ 90 tuổi cho thầy Lê Đức Giảng. Ông giáo già mừng vui và xem đó là một trong những điều hạnh phúc nhất cuộc đời mình. Những năm qua, trong số các học sinh cũ về với ông, đã có không ít người từng “phản ứng” trước cách quản lý học sinh, nhà trường của ông, giờ quay về bày tỏ với ông lòng biết ơn chân thành vì điều đó.
Thầy Lê Đức Giảng chụp ảnh kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh tư liệu gia đình..
Nghỉ hưu vào năm 1986 cho đến năm 2011, thầy Giảng tiếp tục cống hiến sức mình cho công tác khuyến học, khuyến tài tại khu phố 1, phường Ngô Mây - nơi ông sinh sống. Cho đến khi “rời cõi tạm”, thầy vẫn luôn quan tâm, dõi theo công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Thầy có thể trò chuyện cả ngày về giáo dục nước nhà, phân tích, chia sẻ rất nhiều mong muốn trong lòng. Thầy từng nêu ý kiến: “Điều quan trọng là cách xử lý phải triệt để, rốt ráo. Người đứng đầu ngành giáo dục ở các cấp, các đơn vị phải trong sáng, làm gương và có giải pháp ngăn ngừa tiêu cực hiệu quả để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng và thực chất”.
Vào lúc 9 giờ 5 phút ngày 9.1, nhà giáo Lê Đức Giảng (Phan Đức Hòa) đã hòa mình vào mây trắng, để lại niềm tiếc thương vô bờ bến cho người ở lại nói chung và ngành GD-ĐT tỉnh nói riêng. Vẫn biết sinh lão bệnh tử là chuyện của đời người, nhưng còn thầy là còn một hình mẫu của ngành GD-ĐT của tỉnh nhà, để mỗi dịp lễ, tết, lãnh đạo tỉnh, bao thế hệ học trò thăm, chuyện trò, nghe thầy chia sẻ quan điểm, triết lý về giáo dục và nhân sinh...
Vĩnh biệt người thầy mẫu mực, đáng kính
Theo lời kể của người cháu dâu Đoàn Thị Trung Hiếu, tuổi đã cao, gần 1 năm trước, thầy Giảng lại bị té. Từ đó sức khỏe xuống dần, thời gian dài Thầy phải đi xe lăn. Sau khi được các bác sĩ tận tình chăm sóc, khoảng nửa năm nay, thầy đã đỡ nhiều lắm. Song, mấy ngày qua thì yếu hẳn, đến hơn 9 giờ ngày 9.1.2023, Thầy đã trút hơi thở cuối cùng.
“Như một điềm báo, cách đây 2 hôm, tôi sửa soạn, sắp xếp sách vở của gia đình, vô tình đọc được đoạn chú Giảng viết về bố với tất cả sự kính trọng và thương yêu. Trong gia đình, chú Giảng uy tín lắm, ai cũng kính mến. Còn học trò thì nhiều người vẫn đến thăm thầy giáo cũ dù đã trưởng thành, làm việc khắp nơi”, bà Hiếu tâm sự.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đến viếng và chia buồn với thân nhân thầy Lê Đức Giảng tại nơi tổ chức tang lễ. Ảnh: Văn phòng UBND tỉnh
Bà Phan Thị Cấu - người vợ hiền của thầy Lê Đức Giảng năm nay đã ngoài cửu thập. 5 năm trước, bà bị tai nạn khi đi xe đạp, gãy xương đùi, đi lại nhiều khó khăn. Tang lễ thầy Giảng tổ chức ở nhà đại thể BVĐK tỉnh, bà cũng không thể thường trực bên linh cữu chồng.
Sáng sớm ngày 10.1, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến viếng thầy Lê Đức Giảng. Các đồng chí đã thắp hương lên bàn thờ; thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng ghi sổ tang. Ảnh: Văn phòng UBND tỉnh
Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trân trọng ghi vào sổ tang: “Lãnh đạo tỉnh Bình Định và cá nhân cháu xin vĩnh biệt bác Lê Đức Giảng - người thầy giáo mẫu mực, đáng kính, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước và tỉnh nhà. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình bác Lê Đức Giảng”.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi sổ tang. Ảnh: Văn phòng UBND tỉnh
Còn đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nắn nót từng dòng: “UBND tỉnh Bình Định vô cùng thương tiếc thầy Lê Đức Giảng - một người con ưu tú của xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; một nhà giáo lão thành, trí tuệ, nhân đức, đã đào tạo rất nhiều học trò trưởng thành, trong đó có đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Thầy Lê Đức Giảng ra đi là tổn thất lớn của gia đình, của tỉnh Bình Định và ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Nhân dân tỉnh và chúng cháu nguyện mãi ghi nhớ công sức và cống hiến của Thầy; tiếp tục tiếp bước mong ước của Thầy để đưa nền GD&ĐT tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ, đóng góp thêm nhiều thế hệ học sinh thành tài để xây dựng quê hương Bình Định và đất nước Việt Nam hùng cường”.
Linh cữu thầy Lê Đức Giảng sẽ được an táng lúc 15 giờ 30 ngày 13.1.2023, nhằm ngày 22 tháng Chạp năm Nhâm Dần 2022, tại nghĩa trang Bình Định An Viên.
NGUYỄN VĂN TRANG
NGỌC TÚ