Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt
Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Đây là một phương thức, cách làm mới, bài bản, khoa học, với tinh thần như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Trên dưới đồng lòng”, “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Dọc ngang thông suốt”, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi mới.
Theo đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện yêu cầu do Tổng Bí thư đặt ra.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh LÊ KIM TOÀN. Ảnh: N.V.T
Trước hết, mọi chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng được quán triệt sâu sắc, kịp thời để mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp nắm chắc, hiểu rõ, thấm nhuần, thực hiện sáng tạo, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và lĩnh vực hoạt động, từng cấp ủy, tổ chức đảng, từng ngành, đoàn thể xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của cấp ủy cấp trên. Đảm bảo đúng chủ trương, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn và có tính khả thi cao.
Trên hết, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và gương mẫu thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn (thứ hai từ trái sang) thăm Nhà lưu niệm Chi bộ Đề Pô Diêu Trì, huyện Tuy Phước. Ảnh: NGUYỄN HÂN
*Xin đồng chí cho biết, quá trình quán triệt, học tập, triển khai nghị quyết thời gian qua ở Đảng bộ tỉnh có những nét mới nổi bật nào? Điều đồng chí tâm đắc nhất là gì?
- Từ cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, để đáp ứng kịp thời yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trong triển khai, quán triệt các nghị quyết của Đảng, tỉnh đã đầu tư hệ thống trực tuyến từ Tỉnh ủy đến các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và đảng ủy các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Vì vậy, khi triển khai quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, qua hệ thống trực tuyến, các cấp ủy và đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh có điều kiện tham dự và tiếp thu trực tiếp sự truyền đạt từ báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp chỉ đạo, tham gia xây dựng các chỉ thị, nghị quyết đó.
Trong năm 2022, đáng chú ý là Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hội nghị phổ biến và quán triệt, nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII... đã được tổ chức trực tuyến từ điểm của Trung ương đến điểm cầu của Tỉnh ủy, điểm cầu các huyện, thị, thành ủy và 159 điểm cầu đảng ủy xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Rõ ràng, qua hệ thống trực tuyến vừa góp phần rút ngắn thời gian và không gian, đảm bảo tính kịp thời, vừa nâng cao chất lượng triển khai quán triệt các chỉ thị, nghị quyết.
Bên cạnh đó, sau các hội nghị trực tuyến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều chỉ đạo các cấp ủy mở các lớp quán triệt trực tiếp cho số cán bộ, đảng viên của Đảng bộ và các đối tượng đặc thù như văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học… chưa có điều kiện tham gia học tập trực tuyến. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Sau học tập, quán triệt, các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai cho đảng viên viết thu hoạch. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể của cấp mình để thực hiện nghị quyết của Đảng và chương trình hành động của cấp ủy cấp trên. Trong chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của mỗi cấp đều xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và xác định thời gian, nguồn lực, phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, đảm bảo đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Bãi biển Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn. Ảnh: DŨNG NHÂN
* Phát biểu bế mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đại hội chỉ là mở đầu, còn làm được hay không, có biến nghị quyết thành hiện thực hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế của đại hội.
Theo đồng chí, trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, cần tập trung vào những yêu cầu cụ thể nào?
- Từ sau Đại hội XX Đảng bộ tỉnh (tháng 10.2020), Bình Định cùng cả nước bị tổn thất nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, trong 2 năm 2020 và 2021, kinh tế của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương (năm 2020 tăng 3,45%; năm 2021 tăng 4,11%). Các trụ cột của nền kinh tế (nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ) đều tăng trưởng. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời. Đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định.
Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt. Nền kinh tế của tỉnh đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ. GRDP tăng 8,57%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Tổng thu ngân sách đạt 16.551 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra đến năm 2025 (trên 16.000 tỷ đồng). Hạ tầng KT-XH tiếp tục được đầu tư hoàn thiện. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc.
Để trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra (phấn đấu xếp từ thứ 5/14 tỉnh, thành miền Trung trở lên), có 3 chỉ tiêu quan trọng được đem ra so sánh. Thứ nhất, quy mô nền kinh tế của tỉnh đến nay đạt 106.347 tỷ đồng (tăng hơn gấp đôi), xếp thứ 6/14 tỉnh, thành khu vực miền Trung, tăng 2 bậc so với năm 2019 (năm trước Đại hội có điều kiện bình thường, chưa chịu tác động của đại dịch Covid-19). Thứ hai, GRDP bình quân đầu người đạt 70,7 triệu đồng/người (tăng 15,3 triệu đồng/người), xếp thứ 7, giữ nguyên bậc. Thứ ba, thu ngân sách phần địa phương được hưởng đạt 15.480 tỷ đồng, xếp thứ 5, tăng 2 bậc so với năm 2019.
Như vậy, so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, nền kinh tế của tỉnh đã có những chuyển biến nhất định trên một số lĩnh vực.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn thăm, tặng quà thương binh Huỳnh Thị Ngọc Hoa (thôn Phú Thịnh, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2022). Ảnh: N.HÂN
Tuy nhiên, nhiệm vụ còn lại của những năm cuối nhiệm kỳ hết sức nặng nề, thể hiện ở các mặt:
Thứ nhất, hạ tầng KT-XH của tỉnh dù đã được tập trung đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Số lượng DN trên địa bàn tỉnh không phải là ít (khoảng 7.000 DN), nhưng chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh thấp; thiếu DN có quy mô lớn, làm đầu tàu, tạo động lực, đột phá trong phát triển. Nguồn nhân lực của tỉnh rất dồi dào, cần cù, sáng tạo trong lao động nhưng thiếu nhân lực có tay nghề, trình độ cao.
Thứ hai, đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh đã được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên so với trước; nhưng tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao hơn mức bình quân của cả nước (9,76%/9,35%). Đây là điều các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh rất trăn trở.
Thứ ba, chất lượng các hoạt động văn hóa xã hội được nâng lên, nhưng nhiều mặt chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về việc học, việc làm, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, xây dựng, phát triển Bình Định theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng; Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy, các cơ quan trong hệ thống chính trị tỉnh cần tiếp tục triển khai, quán triệt, cụ thể hóa và quyết tâm thực hiện các chương trình, quan điểm mới của Đảng về phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để đánh giá tình hình, kết quả, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại cần khắc phục. Từ đó, đề ra những giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong đó, cần tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trên hết và trước hết là giữ vững sự đoàn kết và nhất trí trong Đảng bộ. Huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Tập trung thực hiện 5 trụ cột tăng trưởng (Phát triển công nghiệp; Du lịch; Dịch vụ cảng và logistics; Nông, lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao; Kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa), 3 khâu đột phá mà Nghị quyết đã xác định; quyết tâm phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.
* Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
“Mọi chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng được quán triệt sâu sắc, kịp thời để mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp nắm chắc, hiểu rõ, thấm nhuần, thực hiện sáng tạo, hiệu quả. Từng cấp ủy, tổ chức đảng, từng ngành, đoàn thể xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của cấp ủy cấp trên; đảm bảo đúng chủ trương, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn và có tính khả thi cao. Trên hết, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và gương mẫu thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy LÊ KIM TOÀN
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)