Bình Định - Vùng đất hạnh ngộ lịch sử
Bình Định, nơi hạnh ngộ của các nhân vật lịch sử trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Một nhân vật lịch sử gắn bó sâu đậm với đất và người Bình Định, được dựng tượng tại Quảng trường ở TP Quy Nhơn và có một phòng trưng bày giới thiệu tôn vinh trang trọng trong bảo tàng tỉnh: “Bác Hồ với Bình Định và Bình Định với Bác Hồ”. Vâng, Người là Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Tháng 5.1909, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến Bình Định cùng với cha là Phó bảng Nguyễn Sinh Huy vào làm phúc khảo thi Hương trường Bình Định, rồi nhậm chức Tri huyện Bình Khê. Cũng như Nghệ An, Huế, Phan Thiết (Bình Thuận), TP Hồ Chí Minh, thời gian Nguyễn Tất Thành ở Bình Định không nhiều (5.1909 - 8.1910), nhưng là một sự kiện quan trọng trong buổi thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Người đã đến nhiều nơi, gặp nhiều người trên vùng đất “thượng võ tôn văn” lắng đọng nhiều tinh hoa văn hóa, vang dội những chiến công của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, phong trào Cần Vương của Mai Xuân Thưởng, phong trào “cự sưu, kháng thuế” ở thành Bình Định. Người đã chứng kiến những ngày đen tối ở Bình Định sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, đất nước bị thực dân Pháp xâm lược. Cũng trên mảnh đất Bình Định, không những ba cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy sống với nhau những ngày sum họp cuối cùng, mà còn là nơi diễn ra cảnh chia tay, phút biệt ly lịch sử. Có thể nói, Bình Định là bước dừng chân đầu tiên trên hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Nguyễn Tất Thành vào Bình Định năm 1909 - 1910 cùng cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy và anh trai là Nguyễn Tất Đạt. Nguyễn Tất Thành ở nhà ông giáo Phạm Ngọc Thọ và học tiếng Pháp tại Quy Nhơn, nhiều lần lên thăm cha làm Tri huyện Bình Khê. Nguyễn Tất Thành đã đến nhiều nơi, tham quan tìm hiểu truyền thống thượng võ của nhân dân Bình Định, đặc biệt là Bình Khê - nơi cụ Nguyễn Sinh Huy làm Tri huyện, địa danh lịch sử gắn với phong trào khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn, xem phường hát bội Đào Tấn tại Vinh Thạnh (Tuy Phước) biểu diễn. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, nhiều cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, các cháu thiếu nhi con em Bình Định ra Hà Nội công tác và học tập được gặp Bác. Và cũng mong ước được đón Bác vô thăm Bình Định, nhưng ước nguyện chưa thành…
Trong Quê hương người áo vải, Mai Khắc Ứng ghi: “Đầu xuân 1955, khi gặp đoàn đại biểu tỉnh Bình Định, người hướng về phía mấy đồng chí đại biểu huyện Bình Khê, hỏi: Nhà các cô, các chú có gần sông Côn không? Nước sông Côn vẫn trong đấy chứ? Ngấn nước sau mỗi mùa mưa vẫn cứ để lại trên các bờ cây ven sông?”. Nguyễn Hữu Hiếu chép trong Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: “Những lần Cung (Nguyễn Tất Thành) lên thăm cha đều được cụ Huy đưa đi thăm di tích vùng Tây Sơn, để chiêm ngưỡng vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ…”. Trong Nguyễn Tất Thành ở Bình Định, Đỗ Quyên trích dẫn nhận định nhất quán của các tác giả khác, như: “Ép-ghê-nhi Cô-bô-lép, Tôn Quang Duyệt, Sơn Tùng, Nguyễn Huy Hoan, Hùng Thắng, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Minh Siêu,… và Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh, đều cho rằng: … con người và thiên nhiên của vùng đất này (Bình Khê) ăn sâu in đậm trong tâm khảm Nguyễn Tất Thành”.
Bình Định, vùng đất hạnh ngộ lịch sử qua nhiều triều đại, riêng Nguyễn Tất Thành những ngày tháng ở Bình Định so với cuộc đời và sự nghiệp cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh không là bao, nhưng đó là một sự kiện lịch sử quan trọng của buổi thiếu thời trăn trở, đau đáu nỗi niềm yêu nước thương dân của Người. Đó còn là một kỷ niệm rất đỗi thiêng liêng đối với quê hương Bình Định và người Bình Định đã có những công trình tôn vinh Người xứng tầm.
Những ấn tượng sâu sắc về “địa linh nhân kiệt” Bình Định đã in đậm trong tâm trí người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Hội thảo khoa học "Nguyễn Tất Thành ở Bình Định" năm 2009, đã kết luận: “Bằng sự phân tích khoa học, các nhà khoa học đã chỉ ra những vấn đề căn bản với những hoạt động chuẩn bị về học vấn và sự hấp thụ văn hóa của Nguyễn Tất Thành trên quê hương người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ cũng như những tác động của vùng “đất Võ trời Văn” Bình Định đến Nguyễn Tất Thành đối với sự phát triển nhận thức - xét trên bình diện nơi đây là một trong những nguồn cội cung cấp các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và đặc trưng của dân tộc, những giá trị văn hóa này được xác định là một nguồn gốc góp phần hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh”. Khi trở thành lãnh tụ, trong nhiều bài viết, bài nói chuyện, Người thường nhắc đến các địa danh của quê hương và con người Bình Định, đặc biệt là anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, được người nhắc đến với tần suất rất cao.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (1890 - 1990), Bảo tàng Bình Định đã xây dựng phòng trưng bày những tư liệu, hình ảnh, kỷ vật của Bác với hai nội dung: "Thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh" và "Bác Hồ với nhân dân Bình Định, nhân dân Bình Định với Bác Hồ".
Trên đất nước ta có nhiều tượng đài Bác Hồ với nội dung và hình thức phong phú, ấn tượng, nhưng tượng của Người với gia đình, với cha chưa có nơi nào dựng. Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2017), tỉnh Bình Định khánh thành tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại quảng trường trung tâm tỉnh ở TP Quy Nhơn. Bức tượng Hai cha con ở Bình Định thể hiện sự gắn bó máu thịt tình gia đình, tình phụ tử với tình yêu quê hương đất nước. Đó là bức tượng kỳ vọng lớn lao của thế hệ trước với thế hệ hậu sinh: Độc lập cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho dân tộc.
NGUYỄN THANH QUANG