“Ông bà tiên” ở thung lũng Quy Hòa
GS Trần Thanh Vân tâm niệm rằng, đối với một nhà khoa học, không có mong muốn nào lớn hơn là được cống hiến cho quê hương. Và bây giờ, vợ chồng ông đang dồn hết tâm huyết để “gieo mầm” cho khoa học Việt Nam.
Cuối thập niên 1920, linh mục Paul Maheu (1869 - 1931, người Pháp) đã tìm ra thung lũng Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) với ý nguyện tạo một không gian cách biệt với thế giới bên ngoài để xây dựng khu điều trị bệnh phong. Trại phong Quy Hòa được thành lập năm 1929 và suốt mấy mươi năm sau đó Quy Hòa được mệnh danh là “thung lũng tình thương”.
Sau linh mục Paul Maheu gần 80 năm, vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, ở Pháp và GS Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam, tại Pháp cũng chọn thung lũng Quy Hòa làm nơi dừng chân. Chưa đến 10 năm sau, nơi này lại có thêm tên gọi mới là “thung lũng sáng tạo” với nhiều dự án mang tính đột phá.
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
MỞ CÁNH CỬA KẾT NỐI VỚI THẾ GIỚI
Theo TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), ICISE là tâm huyết lớn nhất mà vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc dành cho quê hương. Ước nguyện của vợ chồng ông khi dùng số tiền tích lũy cả đời để đầu tư xây dựng ICISE là muốn có được nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao.
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc cũng là những người đầu tiên đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh về dự án Tổ hợp Không gian khoa học (nay là Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo) tại thung lũng Quy Hòa để mang khoa học đến với công chúng. Vợ chồng GS Vân cùng các bạn bè quốc tế của ông đã tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn cho Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động. Cũng chính vợ chồng ông là người đầu tiên đưa ra ý tưởng quy hoạch Khu đô thị khoa học Quy Hòa. Những ý tưởng của vợ chồng GS Trần Thanh Vân được lãnh đạo tỉnh Bình Định chấp thuận và nhận được sự ủng hộ của nhiều lãnh đạo Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc là những người “gieo mầm” bền bỉ cho khoa học Việt Nam nói chung và sự phát triển khoa học của tỉnh Bình Định nói riêng. Vợ chồng GS Vân đã đưa Bình Định trở thành nơi gặp gỡ của các nhà khoa học hàng đầu thế giới và Việt Nam với những hội nghị, hội thảo khoa học có sứ mệnh nắm bắt những ý tưởng tiên phong, để rồi từ đó truyền đi cảm hứng và thông điệp cho các thế hệ nhà khoa học trẻ Việt Nam và nhà quản lý về một cánh cửa kết nối với thế giới, khuyến khích sự phát triển, khẳng định khoa học theo nghĩa rộng (bao hàm cả giáo dục) là chìa khóa quyết định của sự phát triển, là điều kiện, là cơ hội để đi tắt đón đầu và phát triển bền vững.
GS Lê Kim Ngọc (trái) đón vợ chồng GS Gerardus't Hooft (Nobel Vật lý 1999) tại TP Quy Nhơn. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
GIỮ “NGỌN LỬA” ICISE CHÁY MÃI
Tấm lòng của vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc với khoa học, với quê hương đất nước khiến giới khoa học cảm động, nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã nhận lời giúp đỡ các nhà khoa học trẻ Việt Nam.
Từ sự thuyết phục của vợ chồng GS Vân - Ngọc, liên tục từ năm 2001 đến nay, GS Odon Vallet (người Pháp, đã dùng toàn bộ số tiền hơn 100 triệu euro được thừa hưởng từ cha mình lập nên Quỹ học bổng Odon Vallet toàn cầu) dành cho Việt Nam trên 50.000 suất trị giá trên dưới 350 tỷ đồng.
Đến nay, ICISE đã vinh dự đón tiếp 18 giáo sư đoạt giải Nobel, 2 giáo sư đoạt Huy chương Fields (Toán học), 2 giáo sư đoạt giải Kavli (giải thưởng cao cấp trong lĩnh vực thiên văn), 1 giáo sư đoạt giải Shaw, cùng hàng nghìn nhà khoa học hàng đầu thế giới đến dự các hội nghị khoa học quốc tế. Hiện bình quân mỗi năm ICISE tổ chức hơn 20 hội nghị quốc tế và 6 - 8 trường học chuyên đề, thu hút từ 500 - 600 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên trẻ Việt Nam tham gia học tập, giao lưu, nghiên cứu khoa học với cộng đồng sinh viên quốc tế và các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.
Tại ICISE đã thành lập Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) từ ý tưởng của GS Jerome Friedman (người Mỹ - Nobel Vật lý 1990) và sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học khác, làm cầu nối giữa Việt Nam với các nước trên thế giới trong lĩnh vực khoa học và thu hút nhà khoa học trẻ của Việt Nam lẫn quốc tế về làm việc...
Hiện viện nghiên cứu này đã thành lập các nhóm nghiên cứu như: Nhóm Vật lý lý thuyết, nhóm Vật lý Neutrino (được sự ủng hộ của GS Kajita Takaaki, người Nhật, giải thưởng Nobel Vật lý 2015), nhóm Vật lý thiên văn (do Quỹ Simons của Mỹ tài trợ), nhóm Môi trường và phát triển bền vững. IFRISE là viện nghiên cứu cơ bản duy nhất ở Việt Nam trả lương, hỗ trợ chi phí đi lại và bố trí chỗ ở cho nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, sinh viên thực tập ngắn hạn để họ yên tâm tập trung vào nghiên cứu.
Nhiều giáo sư gốc Việt nổi tiếng như: GS Ngô Bảo Châu (Huy chương Fields - ĐH Chicago, Mỹ), GS Lưu Lệ Hằng (Giải thưởng Kavli - ĐH Harvard, Mỹ), GS Phạm Quang Hưng (ĐH Virginia, Mỹ), GS Đàm Thanh Sơn (Huy chương Dirac - ĐH Chicago, Mỹ), Trịnh Xuân Thuận (ĐH Virginia)... cũng đã nhận lời mời của vợ chồng GS Trần Thanh Vân về nước tham gia các sự kiện khoa học và trò chuyện, giao lưu để truyền cảm hứng, tình yêu khoa học cho giới trẻ. Còn TS Nguyễn Trọng Hiền (chuyên gia nghiên cứu tại NASA), TS Hoàng Chí Thiêm (Viện Khoa học vũ trụ và thiên văn học Hàn Quốc), TS Nguyễn Lương Quang (ĐH Mỹ ở Paris - American University of Paris) cũng nhận lời hỗ trợ và dẫn dắt nhóm Vật lý thiên văn thuộc IFRISE... Nhờ đó, GS Trần Thanh Vân luôn tự tin rằng Hội Gặp gỡ Việt Nam, ICISE có đội ngũ nhà khoa học vững mạnh trên thế giới cũng như trong nước, và những nguồn lực này sẽ làm cho “ngọn lửa” ICISE cháy mãi.
* * *
Là những nhà khoa học có nhiều ý tưởng mang tầm quốc tế nhưng vợ chồng GS Vân - Ngọc luôn giản dị, gần gũi, quan tâm đến nhân viên ICISE và người dân Quy Hòa từ những điều nhỏ nhất. Vợ chồng ông dành nhiều sự hỗ trợ về vật chất, tặng học bổng, quà tết... để động viên, giúp đỡ học sinh, người dân địa phương. GS Trần Thanh Vân cho rằng vợ chồng mình chỉ là những người phu lát đường trên Đại lộ khoa học ở Quy Nhơn mà thôi. Nhưng khi được hỏi về vợ chồng GS Vân, nhiều người dân Quy Hòa cho rằng đó là những vị “thần tiên sống” từ trên trời xuống để đem lại sự thay đổi diệu kỳ cho ngôi làng ven biển này.
Trong bài viết “Giáo sư Trần Thanh Vân - Người gieo mầm bền bỉ cho khoa học Việt Nam hiện đại”, TS Nguyễn Xuân Xanh (tác giả cuốn sách Nước Đức thế kỷ 19) cũng cho rằng: “Sợi chỉ xuyên suốt tất cả các hoạt động của ông bà là trái tim, lòng thương yêu của ông bà đối với con người và đất nước Việt Nam. Ông bà Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc quả là những thiên thần của Việt Nam, không bao giờ biết mỏi cánh, muốn đánh thức tài năng Việt Nam và kêu gọi xã hội hãy dang tay tiếp sức, vì một Việt Nam phát triển”.
HOÀNG TRỌNG