“Ông Bụt” của bệnh nhân nghèo
Sau 9 năm dốc nhiều tâm sức, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Nguyễn Tấn Hiểu đã giúp Hội trở thành một địa chỉ nhân đạo của bệnh nhân nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người quý mến, tin yêu đã gọi ông là “ông Bụt” của bệnh nhân nghèo.
HẠNH PHÚC ĐẾN TỪ NIỀM VUI CỦA BỆNH NHÂN NGHÈO
Khi rời ghế Phó Bí thư Tỉnh ủy, TS Nguyễn Tấn Hiểu từng tâm sự rằng, đến tuổi nghỉ hưu thì nên hưởng cái vui thú điền viên bên gia đình. Sau hơn 50 năm công tác, ông cũng muốn mình được nghỉ ngơi.
* Vậy điều gì đã làm ông đổi ý, nhận lời làm Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh?
- Các anh nguyên lãnh đạo tỉnh và các đồng chí làm công tác xã hội đã đến gặp tôi, nói rằng việc thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh là rất cần thiết. Tỉnh đã thành lập Hội mấy lần, nhưng không duy trì được vì nhiều khó khăn trong công tác vận động nguồn lực...
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, xác định mình đã nhận lời làm thì phải tiếp tục dấn thân, phải gác lại thú điền viên và phải coi đó là niềm vui tuổi già của mình. Nghĩ tới nghĩ lui, thấy mình còn sức lực, còn được tín nhiệm; công việc này cũng góp một phần nhỏ cho công tác an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tạo sự đoàn kết, gắn kết đồng bào lại với nhau để tương trợ, phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc.
Nghĩ thông suốt vậy nên tôi đã nhận lời.
THÀNH CÔNG TỪ QUY TỤ “NHÂN HÒA”
Để thu hút nguồn tài trợ, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Nguyễn Tấn Hiểu không ngại ngồi hàng giờ tại hội trường để chờ đón nhà hảo tâm bị trễ chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh ra Quy Nhơn. Đã quá 12 giờ trưa, dưới trời nắng gắt, ông Chủ tịch Hội 76 tuổi vẫn đưa nhà hảo tâm đi nghiệm thu cho hết những hồ bơi phòng, chống đuối nước. Những lời phát biểu tri ân nhà hảo tâm từ ông luôn chân phương, đầy tâm huyết, chan chứa tình người.
* Để giúp bệnh nhân và đồng bào nghèo, là Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, hẳn ông phải bước qua rất nhiều “giới hạn” trước đây của bản thân?
- Công việc bảo trợ bệnh nhân nghèo rất vất vả, lấy đi của tôi rất nhiều tâm sức, thời gian, đòi hỏi cả sự hy sinh quyền lợi của cá nhân. Thế nhưng, tôi nhìn thấy thật nhiều ý nghĩa qua mỗi hoạt động, nên cho rằng sự hy sinh ấy cũng xứng đáng.
Đến giờ, nhìn lại quá trình phát triển của Hội, tôi thấy công việc mình làm ngày càng có kết quả, mang đến niềm vui cho nhiều người, tiếp sức họ vượt qua được bệnh tật. Niềm vui đó đã động viên tôi không ngừng cố gắng, tuy rằng theo quy luật của tự nhiên, càng lớn tuổi thì sức khỏe càng yếu đi, nhưng tôi xác định cố gắng được ngày nào thì cố giúp cho đời thêm ngày đó.
* Điều gì đã giúp ông làm tròn vai trò này?
- Có người cho rằng, vì tôi từng làm lãnh đạo TP Quy Nhơn và tỉnh nên dễ vận động việc ủng hộ nguồn lực hơn nhiều người khác. Thật tình, tôi không chắc có đúng thế không. Cá nhân tôi tự thấy, với bất kỳ nhiệm vụ nào được giao, dù khó khăn mấy, tôi cũng cố gắng hoàn thành. Có lẽ chính vì thế mà tôi được anh em, đồng chí, đồng nghiệp gần xa và nhân dân quý mến, ủng hộ.
Trong quá trình làm việc, tạo ra được “nhân hòa” là yếu tố quan trọng cho mọi sự thành công. Chức vụ đã qua là cái đã qua, như cái áo đẹp nhưng mình đã cởi ra, thay một cái áo khác. Nếu ngày xưa, lúc còn đương chức, mình tận tụy, gương mẫu, đoàn kết để tạo ra nhân hòa, thì trên cương vị mới, càng phải cố gắng phát huy, xây dựng Hội đoàn kết, đồng tâm, đồng lòng, tận tâm, tận tụy thực hiện thật hiệu quả công tác nhân đạo, nhân ái. Đó là nguồn gốc của yếu tố nhân hòa.
Cử chỉ thân thiện mà ông Nguyễn Tấn Hiểu dành cho bệnh nhi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn làm các em vui vẻ, tự tin đến gần với ông. Ảnh: N.T
SỨC MẠNH TỰ GIÁC CỦA LÒNG NHÂN ÁI
Người dân gọi ông là “ông Bụt”, bởi trong cùng quẫn, họ được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh dang tay nâng đỡ. Dưới sự chỉ đạo của ông, Hội không chỉ quan tâm sâu sát, kịp thời giúp đỡ nhiều hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, mà còn hỗ trợ rất nhiều đối tượng yếu thế khác trong xã hội.
* Điều gì làm ông cảm thấy tâm đắc với hoạt động của Hội trong suốt những năm qua?
- Công việc của Hội là bảo trợ bệnh nhân nghèo. Nhưng trên thực tế, khi làm cái này thì lại nảy ra việc khác. Ví dụ bệnh nhân nghèo khỏi bệnh, nhưng gia cảnh đã kiệt quệ sau thời gian điều trị; hay có những bệnh nhân quá nghèo không có nhà để ở. Rồi bệnh nhân và người nhà không còn tiền để ăn uống, người chạy thận không có nơi để ở…
Tất cả những việc đó khiến cho tôi động lòng, động viên anh em trong toàn Hội cùng nỗ lực “dài tay”, cứ làm thêm, lo thêm.
Kết quả nhận lại rất đáng phấn khởi. Không ít bệnh nhân sau điều trị, số tiền giúp đỡ của Hội còn lại đã gửi tiết kiệm, sửa nhà ở, mua sắm vật nuôi, phương tiện sinh kế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo.
Liên tục gần 9 năm qua, năm nào Hội cũng triển khai thực hiện có kết quả 15 - 16 chương trình trên địa bàn toàn tỉnh như: Vận động kinh phí giúp bệnh nhân nghèo chữa bệnh; khám sàng lọc mổ tim miễn phí; mổ mắt đem lại ánh sáng cho người nghèo; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo, vùng dân tộc thiểu số; tặng quà cho bệnh nhân, bệnh nhi khó khăn dịp tết Nguyên đán, tết Thiếu nhi, tết Trung thu. Cùng với đó là nhiều chương trình thường xuyên khác như: Bếp ăn tình thương; tặng cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo; tặng xe lăn, xe lắc…
Có những chương trình rất ý nghĩa khác như tặng thẻ BHYT hằng năm cho người cận nghèo. Năm 2022, chỉ 4 tháng, Hội đã vận động tài trợ lắp đặt được 17 hồ bơi trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, giúp gần 20.000 học sinh và trẻ em có điều kiện học bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước. Đây là chương trình nằm ngoài chức năng của Hội, nhưng là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
* Theo từng năm, tổng giá trị hoạt động của Hội không ngừng tăng cao. Đặc biệt, càng vào những thời điểm khó khăn, hoạt động của Hội càng sôi nổi, vận động nguồn lực càng nhiều. Đâu là bí quyết, thưa ông?
- Từ khi thành lập (2014) đến nay, Hội đã kết nạp được hơn 2.000 hội viên, thành lập được 33 chi hội trực. Tuy số lượng hội viên không nhiều, nhưng nhờ có tinh thần thiện nguyện cao, các hội viên cũng đồng thời là tình nguyện viên, là nhà tài trợ nên kết quả hoạt động rất đáng khích lệ, giúp đỡ hàng trăm nghìn lượt đồng bào nghèo mỗi năm.
Nhờ biết tổ chức, quy tụ những con người có tấm lòng thiện nguyện vào tổ chức và hướng họ vào những chương trình hoạt động có ý nghĩa nhân văn, thiết thực mà Hội ngày càng đoàn kết, gắn bó, tạo thành sức mạnh. Đó là sức mạnh tự giác của lòng nhân ái.
* Xin cảm ơn ông. Chúc “ông Bụt” luôn khỏe mạnh, mang nhiều “phép màu” đến những bệnh nhân nghèo!
Vài năm trước, một ngày nọ, ông Nguyễn Tấn Hiểu bỗng nhận được cuộc điện thoại từ một thiếu niên tầm 10 - 12 tuổi. Cậu bé nhắc nhớ, nhà mình phải đi lắt léo trên núi thuộc phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn), có người ông bị mù, cậu phải mổ thận nhưng không có tiền. “Ông Bụt” đến tặng tiền lần thứ nhất nhưng vẫn bị thiếu. Hay tin, “ông Bụt” tiếp tục kêu gọi thêm tiền, lặn lội lên thăm và tặng cậu số tiền đó. “Ông đã đến, cho con tiền, con đã mổ và giờ đã khỏe lại rồi. Con xin cảm ơn ông”, cậu bé đã nói lên những lời tri ân từ đáy lòng mình.
Những mẩu chuyện góp nhặt trong nhiều năm cho thấy, ông Chủ tịch Hội lớn tuổi chưa từng đầu hàng, buông xuôi, làm cho xong nhiệm vụ, mà như một “ông Bụt” xuất hiện đúng lúc, đúng nơi, hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho bệnh nhân nghèo.
NGỌC TÚ