Anh Hiệu trong hội bài chòi
Anh Hiệu trong hội bài chòi, hiểu nôm na như là người dẫn chương trình trong đám cưới hoặc trong các cuộc vui ngày nay. Mức độ thành công của hội bài chòi phụ thuộc rất nhiều vào tài làm quản trò của anh Hiệu. Ngày xuân là dịp để các hội bài chòi phô diễn những tinh hoa văn hóa văn nghệ của làng quê mình, cũng là dịp để các anh Hiệu phát tiết tài nghệ.
Nói đến công việc của anh Hiệu thì ai cũng biết, nhưng sao lại gọi cái người cầm trịch trong các hội bài chòi ấy là “anh Hiệu” thì mỗi nơi giải thích một kiểu. Nhưng có lẽ cách giải thích như sau là nghe có lý nhất: “Là cái anh ra hiệu, tức điệu bộ, khi hô tên con bài để người chơi biết con bài đó tên gì”.
Anh Hiệu (đứng giữa) trong hội bài chòi. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
ANH HIỆU ĐẾN TỪ ĐÂU?
Ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi có câu ca dao rất ám ảnh: Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún ra. Còn ở Bình Định thì: Tết về nhàn rỗi phải chơi/ Bài chòi mộ điệu nơi nơi chào mừng/ Kẻ kêu người hú tưng bừng/ Nghe tiếng trống giục tay bồng thơ con thơ/ Mặc cho đụng bụi đụng bờ/ Để coi năm mới anh Hiệu hô câu gì.
Điều khiến người mẹ trẻ kia quên cả con nhỏ để nó khóc đến “lòi rún ra” như thế, hay bồng con ba chân bốn cẳng chạy cho kịp giờ khai hội, hẳn không phải là vì mê cờ bạc mà là muốn được đắm mình vào cái không khí của hội bài chòi, nói trắng ra là mê… anh Hiệu hát và diễn trò, “để coi năm mới anh Hiệu hô câu gì”. Câu mà anh Hiệu hô trong hội bài chòi ấy có một sức hút ghê gớm là thế. Anh Hiệu đến từ đâu mà quyến rũ cả gái có chồng đang tay bồng tay bế vậy?
Ngày xưa ở các làng quê, những đêm trăng thanh gió mát, nam thanh nữ tú chẳng biết làm gì ngoài việc đi… hát, dĩ nhiên là không phải hát karaoke như bây giờ. Gia đình nào chuẩn bị làm nhà mới thì cả xóm đến giúp gánh đất đắp nền. Đổ xong một lớp đất là dùng chày giã gạo hoặc cây gỗ nện đất mới đắp cho thật chặt. Nếu chỉ làm động tác lèn cho đất nền nhà chặt xuống như thế thì rất mau chán, vì vậy người ta mới bày trò hát hố, hát đối đáp. Những câu hát lưu truyền bao đời nay cũng từ những “sàn diễn” như thế.
Trong đám hát hố ấy, thế nào cũng xuất hiện một “nhân tài”. Anh hoặc chị này có tài ứng tác rất nhanh, phù hợp với hoàn cảnh của “đối phương”. Con chim phượng hoàng bay ngang lều chợ/ Em hỏi anh rày có vợ đâu chưa/ Tay cầm tờ giấy che mưa/ Che sao khỏi ướt em thưa chưa chồng. Trong trường hợp này thì anh nam thua cuộc.
Còn đây thì anh nam lại thắng. Nữ hát: Thân em như trái mãng cầu/ Để trên bàn Phật rồng chầu lọng che. Nam đáp: Thân anh như thể con dơi/ Bay lên đớp xuống giỡn chơi trái mãng cầu.
Cứ thế, họ đối đáp cả đêm, có khi quên cả việc chính là lèn nền nhà hoặc đập đất cục ruộng lúa gieo vào mỗi đêm trăng.
Những cá nhân xuất sắc trong các cuộc hát đối đáp như vậy chính là những anh (chị) Hiệu tiềm tàng trong các hội bài chòi mỗi dịp xuân về.
TÀI LẺ CỦA ANH HIỆU
Xuất khẩu thành thơ là một trong những tài lẻ của anh Hiệu trong hội bài chòi, cũng là điều làm nên tính hấp dẫn của cuộc chơi. Anh tán dóc hàng trăm câu, nói liên hồi kỳ trận hàng giờ nhưng nếu những câu ấy không thành vần, thành điệu thì sức nặng của cuộc chơi sẽ giảm rất nhiều. Còn nếu tất cả những câu anh “diễn” trong hội ấy mà thành vần, theo thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể, thậm chí thơ 5 chữ thì cuộc vui sẽ bất tận. Người chơi sẽ thưởng cho anh Hiệu những tràng pháo tay không dứt. Điều này không phải ai cũng có thể làm được, kể cả những nhà thơ tài danh.
Anh Hiệu vừa hoạt ngôn, vừa nhuần nhuyễn các thể loại thơ ca, lại vừa phải biết “cập nhật thời sự”, đặc biệt là những chuyện vừa xảy ra ở làng mình, những câu chuyện còn “nóng hôi hổi vừa thổi vừa nghe”. Anh ta dẫn dắt câu chuyện để đưa đến tên con bài vừa rút trúng bằng những câu có vần mộc mạc nhưng ở đó ẩn chứa bao nhiêu lẽ đời, bao nhiêu bài học về đạo đức làm người. Bởi vậy, những câu mà anh Hiệu trình diễn trong hội bài chòi không chỉ là những câu nói thông thường để mua vui chốc lát mà chúng có thể khiến người nghe phải ngẫm ngợi.
Tính hấp dẫn, mê dụ từ anh Hiệu trong hội bài chòi chính là chỗ này.
Bài chòi thu hút mọi lứa tuổi. Ảnh: SƠN PHẠM
SỰ UYỂN CHUYỂN CỦA NHỮNG CÂU THAI
Câu thai là câu được xướng lên trong hội bài chòi để chỉ tên một con bài. Nếu như hội bài chòi buổi sơ khai, anh Hiệu bốc con bài nào thì chỉ hô tên của nó mà thôi. Thí dụ con “tứ cẳng” thì anh chỉ hô: “Đây là con tứ cẳng”. Ai có con “tứ cẳng” ở các chòi thì giơ lên. Nhưng chỉ hô mỗi cái tên con bài như thế thì sẽ đơn điệu và nhàm chán ngay. Để cuộc chơi thêm phần hồi hộp, anh Hiệu buộc phải lấy trong ca dao tục ngữ hoặc sáng tác ra các câu vè, câu thơ tương ứng với tên con bài. Chẳng hạn đây là câu thai tương ứng với con “nhứt trò”:
Không ngon thì cũng bánh ít lá gai
Dù anh có dại cũng trai học trò
Hoặc con “bát bồng”:
Em ơi! Chầu rày đã có trăng non
Để anh lên xuống có con em ẵm bồng.
Câu thai ấy không chỉ là để nói về con “bát bồng” - có dính đến chữ “ẵm bồng”, cái tài của anh Hiệu ở đây còn là việc “tán gái” quá dẻo nữa. Không uốn éo vòng vo, anh ta nói thẳng luôn thời điểm “trăng non” cho bên kia biết là anh ta đi đêm không sợ ma, không sợ vấp ngã vì tối trời. Và táo bạo hơn là không chỉ tán suông mà anh ta còn… tặng cho đứa con nữa đấy!
Từ chỗ hát các câu thai ấy lên miễn sao có dính một chữ đến con bài đang có trong tay, anh Hiệu tiến thêm một bước, có vẻ nhuốm màu “tượng trưng” hơn:
Tối qua tui đi ra gò
Thấy anh thương chị bốn cái giò tréo ngoe
Câu thai trên hoàn toàn không có chữ “cẳng” nào nhưng người chơi vẫn hiểu đó là con “tứ cẳng”, vì có “bốn cái giò tréo ngoe”. Sự uyển chuyển này cũng là một bước tiến của anh Hiệu khi dẫn dắt cuộc chơi. Nghe câu thai trên, lại phải khen cho anh Hiệu lần nữa. Tả cảnh sex mà rất gợi, rất hình ảnh như anh ấy, các nhà văn cũng chào thua!
***
Bài chòi đã được vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại, nhờ nó cắm rễ vào đời sống của người dân dù bài chòi ngày nay đã có những cải tiến chứ không còn nguyên bản như buổi sơ khai. Chẳng hạn như bài chòi đã có kịch bản, người diễn dưới ánh đèn sân khấu, có nội dung cốt truyện hẳn hoi. Anh Hiệu cũng lẫn vào đám đông diễn viên chứ không còn “đi chân đất” trong các sân đình một thuở nữa.
Tuy nhiên, nhắc đến hội bài chòi, người dân quê vẫn cứ thích anh Hiệu chân đất. Anh đã bước vào đời sống buồn vui của họ từ bao đời nay mà không phải… phủi chân cho khỏi lấm đất!
TRẦN ĐĂNG