Người rong chơi với nghệ thuật nhiếp ảnh
Anh đến với nhiếp ảnh như một cuộc rong chơi, để đun sôi lên những xúc cảm qua những khoảnh khắc bắt chợp mà chính anh ghi lại. cầm máy ở độ tuổi gần sáu mươi, nhưng Phan Đình Trung không xem đó là khởi đầu muộn mằn.
Bởi đó cũng là thời điểm anh có nhiều thời gian hơn cho niềm yêu thích của mình, để từ những long rong phố phường, đảo xa hay miền biên viễn non ngàn nào đó, những hình ảnh về vùng đất, con người được anh ghi lại, trân trọng lưu giữ.
Phan Đình Trung sinh năm 1957, quê ở Hoài Nhơn, hiện sinh sống tại TP Quy Nhơn. Anh là hội viên Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (Hội VHNT Bình Định).
1. Phan Đình Trung công tác ở lĩnh vực ngân hàng với vai trò cán bộ quản lý, nên gần như toàn thời gian anh dành cho công việc. Năm 2015, anh mới bắt đầu cầm máy. Nhắc nhớ lại những ngày đầu đến với nhiếp ảnh, anh cười hiền: “Ban đầu thấy mấy ông bạn già chụp ảnh, nhiều ảnh đẹp quá, lại khoe đi chỗ này chỗ kia, tôi thích lắm nhưng không có nhiều thời gian để đi. Đến mãi khi gần kết thúc công tác ở bên ngân hàng, tôi bắt đầu chú ý nhiều hơn tới nhiếp ảnh, học thêm ở bạn bè và tự trau dồi những kiến thức liên quan đến việc làm chủ máy ảnh, góc chụp, bố cục, cắt cúp, chỉnh phông… Càng mày mò tìm hiểu, thấy càng có nhiều điểm thú vị nên tôi khá hứng thú”.
Phan Đình Trung khởi đầu bằng những bức ảnh về thiên nhiên, phong cảnh, chân dung. Anh đắm say với vẻ đẹp tự nhiên của cỏ cây, với những vùng đất chưa bị bàn tay con người can dự quá nhiều để tìm thấy trong dáng vẻ hoang sơ ẩn hiện đâu đó nét đẹp kiêu hãnh.
Tác phẩm Cồn Chim khi chiều về của NSNA Phan Đình Trung.
Khi tôi hỏi anh về những chuyến tác nghiệp lúc hạnh ngộ ban đầu, anh đáp lời nhanh như thể nó chờ sẵn trên ray trí nhớ: “Hồi năm 2015, tôi cùng vài người bạn đến thác K.50 ở An Lão để săn ảnh. Đó là lần đầu tiên tôi có chuyến thực tế để chụp ảnh đúng nghĩa. Trúng vào mùa mưa nên đường đến thác rất khó khăn. Đường đất bấy nhão, lầy sệt. Đồng bào địa phương phải quấn thêm sợi xích vào lốp xe mới đủ độ bám. Nhưng bao mệt nhọc được đáp đền khi cuối cùng chúng tôi cũng đến thác. Một không gian thoáng đãng, hùng vĩ, đẹp như tranh hiện diện ngay trước mắt. Tôi bấm máy khá nhiều. Và xem đó như một trải nghiệm đáng nhớ của mình”.
Ngay trong năm đầu tiên cầm máy, ảnh của Phan Đình Trung đã được ghi nhận khi anh đạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh nghệ thuật “Quy Nhơn trên đường đổi mới” lần thứ I và có ảnh triển lãm tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam miền Trung và Tây nguyên năm 2015.
Tác phẩm Một ngày mới đoạt giải nhất tại cuộc thi ảnh nghệ thuật “Hoài Nhơn - đổi mới và phát triển”.
2. Phan Đình Trung thích xê dịch. Anh chịu khó đi để tìm tòi, khám phá những vùng đất mới. Ngoài Bình Định và vài tỉnh lân cận, anh cùng vài người bạn ngoài Hà Nội hay đi các tỉnh miền núi phía Bắc, những Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái, Điện Biên...
Đến một địa điểm nào đó, anh thường lưu lại khá nhiều ngày để tìm hiểu nét văn hóa, tập quán, cuộc sống của người dân nơi ấy. Anh bộc bạch: “Tôi thích nhất là chụp ảnh phong cảnh và cuộc sống đời thường. Chụp nét sinh hoạt đời thường tưởng dễ nhưng không dễ. Vì mình phải làm sao bắt được khoảnh khắc tự nhiên nhất vừa tránh để người ta nói là mình… chụp lén. Nếu vậy, thì phải bước qua lằn ranh của sự sơ giao, mà thân thiết như người quen, người bạn. Nên cũng cần nhiều thời gian để xích gần hơn giữa khách và chủ nhà”.
Vừa chia sẻ, anh vừa đưa tôi xem những bức ảnh anh chụp. Quả thực, ảnh của Phan Đình Trung không quá trau chuốt về kỹ thuật, không mạnh về bố cục và xử lý hình ảnh nhưng tạo nhiều đồng cảm bởi anh bắt được những khoảnh khắc xúc cảm. Tôi thích những bức ảnh anh chụp mà cảm giác con người đang chuyển động, trôi chảy trong thời gian khi mọi thứ diễn ra. Ví như bức ảnh những đứa trẻ đạp xe trên con đường làng bên những mái đình cổ dịu mát, bình yên; ảnh đàn chim trời tìm về miền an trú xứ Cồn Chim; hay hình ảnh người lao động đang cật lực thu vớt những mẻ cá hấp còn hôi hổi nóng, trên gương mặt lấm tấm những giọt mồ hôi…
Đặc biệt, tôi ấn tượng với hình ảnh anh chụp về một đôi vợ chồng đang săn sóc nhau lúc đau ốm. Người phụ nữ đút từng thìa cháo cho người đàn ông đang nằm bệnh. Vẻ mặt trìu mến của người phụ nữ, cùng cử chỉ ân cần được nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đình Trung thể hiện thành công trong khuôn hình. “Đó là một đôi vợ chồng người Bana ở An Lão. Thời gian lui tới ở đó, vô tình thấy cảnh người vợ chăm bệnh cho chồng nên tôi đã bấm máy và đặt tên bức ảnh là Nghĩa vợ chồng”, anh kể lại.
Tác phẩm Làm tương bần 2 (đoạt HCV hạng mục Du lịch tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế do ICPE, APU & APAS phối hợp tổ chức, PSA bảo trợ, năm 2019).
3. Đi nhiều nơi ở Bình Định, chụp nhiều ảnh nhưng có lẽ những bức ảnh của anh về vùng đất Hoài Nhơn vẫn thể hiện độ đằm sâu nhất. Anh thổ lộ: “Tôi thấy Hoài Nhơn gần gũi, quen thuộc với mình hơn cả. Tôi chụp và lưu giữ khá nhiều hình ảnh về đất và người Hoài Nhơn. Có lẽ, vì đây là nơi tôi sinh ra nên nó cho tôi nhiều xúc cảm để bấm máy”.
Năm 2020, trong cuộc thi ảnh nghệ thuật “Hoài Nhơn - đổi mới và phát triển” (do Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND TX Hoài Nhơn, Hội VHNT tỉnh và Báo Bình Định tổ chức), Phan Đình Trung đã đạt giải nhất với tác phẩm Một ngày mới. Đó là một bức ảnh đem lại nhiều cảm xúc tích cực. Khi mặt trời buổi sớm mai tỏa trên nền sóng, mẻ lưới cất lên với bao cá tôm thu hút đàn chim chao liệng quanh, báo hiệu niềm vui ngày mới. Để bắt được khoảnh khắc này, Phan Đình Trung đã mất nhiều ngày để từng buổi sáng sớm, nhẫn nại canh giờ người ngư dân cất lưới, anh nhờ người chèo thuyền ra gần cạnh để bấm máy.
Sau 7 năm cầm máy, nhiều tác phẩm của anh được chọn triển lãm khu vực và toàn quốc, đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Khi tôi nhắc đến một cuộc triển lãm cá nhân, anh cười sảng khoái, chia sẻ: “Tôi thích đi, thích khám phá, tìm những điểm mới. Nó mang đến cho tôi nhiều xúc cảm và niềm vui. Thực sự bản thân chưa có kế hoạch gì về triển lãm cá nhân cả, chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục những hành trình, cất giữ được càng nhiều hình ảnh về đất nước, con người càng tốt. Chính điều đó, nạp thêm cho tôi những hứng thú, năng lượng tích cực, để thấy mỗi ngày sống đều trở nên đáng yêu, đáng trân trọng”
NGÔ PHONG