Tự học để khám phá bản thân, kiến giải cuộc sống
Rosie Nguyễn, tên thật là Nguyễn Hoàng Nguyên (SN 1987), sinh ra và lớn lên ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Cô là tác giả những cuốn sách được giới trẻ hâm mộ: Ta ba lô trên đất Á, Trên hành trình tự học, Mình nói gì khi nói về hạnh phúc, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?... Rosie Nguyễn là người sáng lập các dự án về phát triển thanh niên, như: Chuyến xe tuổi trẻ, Book talk Saigon, và tổ chức nhiều chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.
Rosie Nguyễn trò chuyện với Báo Bình Định về hành trình chị đã truyền cảm hứng, tạo động lực cho giới trẻ, bạn đọc… về cách tự học, tự bổ sung kiến thức bằng trải nghiệm trong cuộc sống.
Nguyễn Hoàng Nguyên, bút danh Rosie Nguyễn. Ảnh: NVCC
SỐNG CUỘC ĐỜI RỰC RỠ
Tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương với chuyên ngành Kinh tế đối ngoại và đã có chỗ làm tốt ở một công ty nước ngoài khá lớn, Hoàng Nguyên khiến mọi người bất ngờ khi rẽ sang một lối đi khác mà nhiều người tin là muôn phần khó khăn hơn.
* Vì sao chị lại chuyển hướng như thế?
- Ước mơ tuổi thơ của tôi là trở thành nhà văn. Tôi sinh ra và lớn lên từ vùng quê nghèo, mẹ làm giáo viên dạy Lý ở Trường THCS Phước Sơn. Tôi yêu văn thơ và trở thành học sinh chuyên Văn, Trường chuyên Lê Quý Đôn, khóa 2002 - 2005. Tôi chọn học ngành Kinh tế đối ngoại để dễ xin việc làm, có thu nhập phụ ba mẹ nuôi em ăn học. Tôi ra trường và có việc làm, thu nhập ổn định tại công ty nước ngoài.
Tôi vẫn muốn trở thành nhà văn và chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc này. Tôi bắt đầu viết tản mạn về cuộc sống, trải nghiệm sau các chuyến du lịch… và may mắn được bạn đọc đón nhận. Vào cuối năm 2014, tôi nhận được lời đề nghị xuất bản sách. Sau 6 tháng thức khuya dậy sớm lên ý tưởng, viết lách, chỉnh sửa, quyển sách cẩm nang du lịch đầu tiên của tôi ra đời: Ta ba lô trên đất Á.
Sau khi hoàn thành cuốn sách đầu tiên, tôi không thể tiếp tục nhịp sống dậy từ 4 giờ sáng để viết, rồi đi làm, tới tối về nhà viết tiếp. Tôi quyết định nghỉ việc chuyển sang viết sách. Năm 2016, tôi xuất bản cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Đây là quyển sách đạt khá nhiều giải thưởng: Giải Vàng Sách được bạn đọc yêu thích nhất của Fahasa năm 2018, và Top 10 cuốn sách truyền cảm hứng dành cho người trẻ 2019. Sách Sài Gòn của em được giải B giải thưởng sách Quốc gia viết về di sản văn hóa Sài Gòn 2020…
* Nghỉ việc chuyển sang viết sách, chị có thấy đó là mạo hiểm không?
- Không! Tôi cân nhắc trước khi đưa ra quyết định chứ không hề bộp chộp, ngẫu hứng. Cuộc đời tôi đi chậm thì phải chắc và đã đi không ngoái lại. Tôi đã chuẩn bị tài chính, tích lũy kỹ năng, phương án nếu sách không bán chạy thì làm sao để đảm bảo cuộc sống, cách nào vượt qua sự cô lập, tạo kỷ luật cá nhân...
Khi tôi nghỉ việc, gia đình, nhất là mẹ tôi rất lo lắng. Thay vì phải giải thích quá nhiều, tôi tập trung vào sự lựa chọn của mình. Tôi nghĩ mẹ bắt đầu cảm thấy tin tưởng con gái sau khi tôi thực hiện khá tốt các chương trình phát triển thanh niên, viết sách được độc giả đón nhận, xuất hiện trên tivi, mặt báo…
7 năm qua, các sách của tôi may mắn được bạn đọc đón nhận. Tôi đã làm việc có ích cho cuộc sống, tự học hỏi, rèn luyện kỹ năng, kiến thức, dành thời gian cho gia đình.
Tác giả Hoàng Nguyên - Rosie Nguyễn tại buổi ra mắt tập sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Ảnh: NVCC
HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ BẢN THÂN
Hoàng Nguyên vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành Truyền thông - Báo chí tại ĐH Wisconsin - Madison, Mỹ với sự tài trợ học bổng toàn phần Fulbright của Chính phủ Mỹ. Chị đã dấn thân vào hành trình khám phá bản thân, với những chuyến du lịch bụi gần 20 quốc gia trên thế giới.
* Khi đang nổi tiếng, sao chị lại quyết định du học?
- Viết lách là việc tôi rất yêu thích và muốn làm cả đời, còn sự học là quá trình theo đuổi suốt đời. Nó là một trong những động lực giúp tôi mỗi ngày tiến xa hơn, từ một nhân viên văn phòng thành nhà văn. Nhưng sau khi đạt được một số thành công nhất định, tôi cảm thấy kỹ năng của mình bị chững lại và đang bị “đụng trần”. Tôi nghĩ mình nên tìm cách học chuyên ngành bài bản để đi được với nghề viết một cách bền vững, cung cấp cho độc giả góc nhìn sâu sắc hơn. Tôi đã tìm kiếm các học bổng của chính phủ các nước và chọn học truyền thông tại Mỹ.
2 năm du học đúng dịch Covid-19, tôi trải qua năm đầu tiên chỉ học trực tuyến tại nhà ở Mỹ. Mọi thứ chỗ tôi ở đều đóng cửa, các bạn cùng nhà lại mắc Covid-19, chúng tôi phải bị cách ly nhiều ngày, có nhiều tuần tôi không hề thấy một gương mặt người nào.
Ngoài những khó khăn trong quá trình đi học, thì còn áp lực lớn về thích nghi với sự khác biệt văn hóa, phong tục tập quán… Tôi vượt qua bằng kinh nghiệm, kỹ năng sống tự trau dồi được, và tâm thế người khác làm được thì mình cũng làm được. Nhờ sự kiên trì và nỗ lực, tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ với khóa luận đạt điểm tối đa 4.0/4.0.
* Sau khi du học ở Mỹ về, chị vẫn tiếp tục làm nhà văn?
- Sau khi đi tìm hiểu văn hóa, du lịch gần 20 nước trên thế giới và 2 năm sống ở Mỹ, tôi trân trọng hơn nguồn gốc, văn hóa, gia đình của mình. Những kiến thức học được ở Mỹ giúp tôi phân tích, tìm kiếm nguyên nhân các hiện tượng mạng xã hội như bắt nạt trực tuyến, hiệu ứng đám đông, thao túng tâm lý…; giúp tôi phân tích, có cách tiếp cận, góc nhìn sự việc, con người tốt hơn, sâu sắc hơn trước đây. Tôi mong muốn đi sâu vào nghiên cứu học thuật để đào sâu xuống dưới bề mặt sự vật, hiện tượng và tìm hiểu bản chất của chúng, từ đó đưa ra những kiến giải cho các vấn đề xã hội.
Thời điểm bước qua tuổi 30, tôi thấy mình chững lại và không còn có thôi thúc thay đổi thế giới nữa, mà tập trung vào rèn luyện thay đổi bản thân mình, làm thật chắc những điều mình có thể làm tốt nhất. Tôi nghĩ cũng nhờ nền tảng giáo dục và giá trị cốt lõi từ gia đình mà tôi có được sự bình thản, vững tâm để đi qua nhiều giông bão, khó khăn trong cuộc đời của mình.
* Xin cảm ơn chị! Chúc chị tiếp tục vững bước trên con đường mình đã chọn.
HẢI YẾN