Độc đáo hiện vật Chăm Bình Định “ly hương”
Ngoài tập trung nhiều nhất ở Bảo tàng tỉnh, hiện còn nhiều hiện vật Chăm Bình Định đặc sắc, độc đáo được bảo quản, trưng bày tại các Bảo tàng lớn trong nước; trong đó, có những hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia.
1.Cách đây 3 tháng, có dịp vào TP Hồ Chí Minh, tôi đến tham quan Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1). Bảo tàng được thành lập năm 1979, trên cơ sở tiếp nhận những hiện vật của Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn (hoạt động từ năm 1956 - 1975). Đây là một trong những bảo tàng lớn trong nước, với nhiều phòng trưng bày cố định và chuyên đề đặc biệt, thu hút đông khách tham quan.
Không gian trưng bày hiện vật Chăm Bình Định tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Ảnh: H.THU
Tại phòng văn hóa Champa (thế kỷ II - XVII) của Bảo tàng, như một “mối duyên”, tôi gặp nhiều hiện vật Chăm có nguồn gốc Bình Định được trưng bày trang trọng. Từng nhiều lần ngắm các hiện vật Chăm ở Bảo tàng tỉnh, rồi điêu khắc trang trí các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, khiến tôi “vừa quen vừa lạ” xen lẫn xúc động khi thấy những hiện vật Bình Định đã “ly hương”...
Tôi chú ý đến bức tượng thần Shiva nổi bật dưới hệ thống đèn chiếu sáng mỹ thuật. Theo thông tin của Bảo tàng, bức tượng này là 1 trong số 7 hiện vật được nhà nghiên cứu H.Parmentier phát hiện tại làng Đại Hữu (huyện Phù Cát) vào khoảng đầu thế kỷ XX. Sau gần trăm năm “lưu lạc”, đến năm 2004, pho tượng được Hải quan TP Hồ Chí Minh tìm thấy và bàn giao cho Bảo tàng. Tượng Shiva Đại Hữu hay Shiva Mahayogi (Shiva khổ hạnh) là một tác phẩm đặc biệt của nền điêu khắc Champa. Giới nghiên cứu cho rằng, kết hợp tượng này cùng với pho tượng thần Shiva đã được công nhận Bảo vật quốc gia của Bình Định (hiện lưu giữ tại chùa Linh Sơn, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn) tạo thành một nhóm tượng Shiva đội mũ hình trụ đầu tiên trong nghệ thuật điêu khắc Champa.
Tượng thần Shiva đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Ảnh: H.THU
Tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh trưng bày 1 trong 4 tượng chim thần Garuda (chất liệu đá sa thạch, niên đại thế kỷ XII - XIII) phát hiện tại cuộc khai quật lần đầu tiên tại phế tích tháp Mẫm (nay thuộc phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) của các nhà khảo cổ học người Pháp năm 1934; 3 tượng chim thần còn lại đang trưng bày tại hai bảo tàng khác trong nước. Thật may mắn khi có 2 tượng chim thần Garuda diệt rắn có giá trị đặc sắc hơn vẫn còn ở lại trên quê hương Bình Định, được phát hiện qua cuộc khai quật phế tích tháp Mẫm lần thứ hai năm 2011. Hai tượng này được công nhận Bảo vật quốc gia cuối năm 2017, đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Đáng chú ý, còn có những hiện vật giá trị khác được phát hiện tại cuộc khai quật tháp Mẫm lần thứ nhất đang hiện diện tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, đó là tượng sư tử, tượng tu sĩ, bức trang trí tháp… cũng đều bằng chất liệu đá sa thạch, thể hiện trình độ điêu khắc tài hoa của người xưa.
2.Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (số 2 đường 2-9, TP Đà Nẵng) được người Pháp xây dựng từ năm 1915, là nơi lưu giữ, trưng bày rất nhiều hiện vật Chăm.
Phòng tháp Mẫm ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Ảnh: Bảo tàng Chăm Đà Nẵng
Anh Lý Hòa Bình, chuyên viên phụ trách truyền thông của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết, bộ sưu tập hiện vật Chăm Bình Định được lưu giữ tại Bảo tàng khá đặc sắc. Bảo tàng xây dựng riêng phòng tháp Mẫm để trưng bày nhiều hiện vật có được từ cuộc khai quật tháp Mẫm năm 1934, như: Các tượng rồng (niên đại thế kỷ XI, đá sa thạch), tượng Brahma (niên đại cuối thế kỷ XI, đá sa thạch)…
Đặc biệt, là tượng Gajasimha (đá sa thạch, cao 2,15 m, dài 1 m, rộng 0,84 m) được đưa về Bảo tàng từ năm 1935, công nhận Bảo vật quốc gia năm 2020. Gajasimha là hình tượng linh thú trong thần thoại Ấn Độ, với đầu voi (biểu trưng cho quyền năng của thần linh) và thân sư tử (biểu trưng cho chiến thắng, uy quyền của một vị vua).
Tượng Gajasimha tìm thấy tại tháp Mẫm, đang trưng bày ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2020. Ảnh: Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, năm 2002, trong quá trình lấy đất để làm đường giao thông ở khu vực gần phế tích tháp Mẫm, người dân địa phương đã tìm thấy một tượng Gajasimha giống như tượng ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Điều rất tiếc là tượng này đã bị hư hại vài chỗ, đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Bên cạnh gian trưng bày dành riêng cho bộ sưu tập tháp Mẫm, các hiện vật Chăm từ các di tích khác thuộc tỉnh Bình Định (hầu hết có niên đại từ thế kỷ XII trở về sau) được trưng bày chung trong gian trưng bày Bình Định - Kon Tum ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Trong số này, có bệ thờ (niên đại thế kỷ XII, đá sa thạch) với phần thớt giữa được chạm khắc đều đặn, tinh xảo 23 bầu vú, phản ảnh tập tục thờ cúng Nữ Thần Mẹ Xứ Sở và chế độ xã hội mẫu hệ của người Chăm.
Ông Bùi Tĩnh cho biết: “Được Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng mời, năm 2018, Bảo tàng tỉnh đã đưa một phần bộ sưu tập gốm Chăm Bình Định đặc sắc ra trưng bày tại đây trong một tháng, đồng thời cùng trao đổi thêm về chuyên môn. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế, nên việc có được riêng phòng trưng bày tháp Mẫm được đầu tư bài bản đã phát huy hiệu quả tôn vinh các hiện vật Chăm có nguồn gốc từ Bình Định”.
HOÀI THU