Chạm vào…tré rơm
Nhiều năm sống ở Quy Nhơn và từng lang thang xứ nem Chợ Huyện, nhưng phải mấy chục năm sau khi đi xa, tôi mới được thưởng thức tré Bình Định. Nuối tiếc vì đã bỏ lỡ một món ăn tuyệt diệu trong khoảng thời gian khá dài của đời người, trong tôi như vỡ òa bởi được chạm vào ký ức của chính mình và hồn cốt của một vùng đất văn vật mình từng gắn bó.
1.
Nhiều nơi có tré, nhất là miền Trung, và tôi từng nếm món tré của nhiều địa phương, nhưng khi chạm tay vào tré Bình Định thì bỗng dưng thảng thốt: “Ồ, tré!”.
Tré Bình Định có nhiều khác biệt trong cách chế biến và cả cách bao gói. Ngoài nguyên liệu cơ bản là tai, mõm, thịt heo, tré Bình Định còn có nhiều phụ liệu, gia vị khác, trong đó có củ riềng và hạt mè (vừng) đen. Có lẽ đây là hai thứ gia vị làm nên sự quyến rũ và khác biệt của tré Bình Định.
Những chùm tré rơm Bình Định. Ảnh: Đ.D
Sự kết hợp, phối trộn hài hòa giữa các loại nguyên phụ liệu và kỹ thuật tẩm ướp gia vị khiến tré đậm đà và thơm nức. Sau khi hoàn tất công đoạn chế biến, tẩm ướp, người ta gói chúng bằng lá ổi tươi rồi đặt vào rơm khô, buộc lại thành quả tré rơm.
Lớp bao bì rơm khô, vàng rộm vừa thơm, vừa bắt mắt, lại có tác dụng chống ẩm và nấm mốc. Khi ăn, chỉ cần mở ra và có thể dùng chính những cọng rơm vàng rộm ấy làm lớp lót cho món ăn mà không cần phải dùng đến đĩa.
Tré Bình Định ăn giòn sần sật và có vị thơm cay của riềng, béo béo của mè rang. Tré ăn kèm lá đinh lăng non cùng những tép tỏi Lý Sơn tươi trắng nõn, thêm trái ớt xanh và nhâm nhi với vài ly rượu Bàu Đá chính hiệu thì không gì tuyệt bằng.
2.
Hai năm trước, khi cả Sài Gòn chìm trong dịch Covid-19, mọi ngả đường bị phong tỏa, cũng là lúc tôi nhận được món quà là những quả tré rơm từ Bình Định gửi vào. Trong tình cảnh đi lại cực kỳ khó khăn, thực phẩm khan hiếm mà có được món tré này thì vô cùng quý giá.
Tôi thưởng thức món tré bằng tất cả sự trân quý. Khi quả tré mở ra, tôi như được trở về tuổi ấu thơ ở quê nhà với rơm rạ và những hương vị đồng quê đã ăn sâu trong ký ức. Nhớ đến nao lòng! Và tôi buột miệng thốt ra hai câu thơ: Rạ rơm, hương vị thơm nồng/ Mở ra một cõi mênh mông quê nhà.
Với những gia vị mang tính nhiệt như riềng, ớt, tỏi…, tré trở thành bảo bối quý giá của gia đình trong tình cảnh dịch dã bao phủ.
Món tré rơm Bình Định được sử dụng tại Sài Gòn. Ảnh: Đ.D
Tháng 12.2021, khi dịch tạm lui, tôi mang những quả tré rơm Bình Định làm quà tặng một chiến binh áo trắng đã lao mình vào điểm nóng. Đó là nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (Bệnh viện Trưng Vương, TP Hồ Chí Minh). Ròng rã sáu tháng liền, bác sĩ Thúy cùng các đồng nghiệp trụ ở tuyến đầu chống dịch, làm việc, ăn, ngủ tại chỗ trong điều kiện hết sức khó khăn và nguy hiểm.
Để bước vào trận tuyến ác liệt, bác sĩ Thúy đã phải dứt sữa sớm với đứa con trai chưa tròn một tuổi và gửi con về cho ông bà ở quê chăm sóc. Chỉ đến khi dịch tạm lui, chị mới được trở về gia đình. Tôi không quen và chưa từng gặp bác sĩ Thúy, nhưng đã đem món quà đến tặng để tỏ lòng tri ân công lao, sự hy sinh của nữ bác sĩ và đồng đội.
3.
Doanh nhân trẻ Đinh Hùng Tới là chủ Công ty Bồ Công Anh, có trụ sở tại quận 7 (TP Hồ Chí Minh), chuyên tư vấn, thiết kế xây dựng thương hiệu. Anh từng tư vấn xây dựng thương hiệu thành công cho rất nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Hai vợ chồng anh đều là người sành ăn và cả hai đã phải ngạc nhiên đến sững sờ khi lần đầu thưởng thức món tré Bình Định theo cách mà tôi tư vấn.
Từ đó trở đi, anh Tới và vợ trở thành “tín đồ” của món tré Bình Định. “Tuyệt!”, là từ vị doanh nhân này thường thốt lên mỗi khi thưởng thức món tré Bình Định. Chị Nguyễn Việt Hồng, vợ anh Tới, thường đặt mua tré Bình Định để sử dụng và làm quà cho người thân, bạn bè với một niềm tự hào như thể mình phát kiến ra món ngon tuyệt đỉnh này vậy.
Trên mặt đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - con đường chính nối sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm TP Hồ Chí Minh, có một quán bánh mì Quy Nhơn với thương hiệu: Bánh mì CHẤM. Quán nhỏ, trước cửa treo lủng lẳng một số loại bánh tráng nướng để trong túi ny lông và những chùm quả tré rơm nguyên bản Bình Định. Bánh mì ở CHẤM rất khác so với tất cả những bánh mì mà tôi từng biết tại Sài Gòn, cả về nhân bánh lẫn cách ăn. Trong các loại bánh mì ở đây, đắt nhất là bánh mì tré rơm, ngon ngất ngây nhưng chỉ có 25.000 đồ ng/ổ.
Quán bánh mì Quy Nhơn mang thương hiệu: CHẤM, với đặc sản tré rơm giữa lòng Sài Gòn. Ảnh: Đ.D
Ngoài bánh mì, quán còn bán cà phê và một số thức uống khác. Quán mở cửa từ sáng sớm, phục vụ khách mua mang đi và cả khách ngồi ăn tại chỗ trên những chiếc ghế bố xếp và chiếc bàn nhỏ đặt sát chân tường trước cửa quán. Bánh mì chỉ bán buổi sáng sớm, rất nhiều người đến mua, ai chậm chân sẽ không còn.
Quán nằm gần cơ quan, mỗi sáng, tôi thường ngang qua “xớt” một ổ bánh mì tré rơm thơm lừng làm nguồn năng lượng và cảm hứng cho một ngày làm việc. Và để nhớ về một thời gắn bó với xứ sở của những quả tré rơm.
ĐẠI DƯƠNG