Nơi gặp gỡ của những đam mê
Cuối tháng 7.2022, nhóm vật lý thiên văn (SAGI) của Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành, thuộc Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (TP Quy Nhơn) đã chính thức ra mắt và khởi động những hoạt động đầu tiên.
PGS.TS Nguyễn Lương Quang, một trong ba nhà khoa học người Việt sáng lập nhóm, đã dành cho phóng viên Báo Bình Định cuộc trò chuyện thân mật.
SAGI “BÉN RỄ” Ở THUNG LŨNG QUY HÒA
* Thưa PGS.TS Nguyễn Lương Quang, đâu là lý do để Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) trở thành nơi khai sinh cho SAGI?
- Ý tưởng hình thành nhóm SAGI bắt đầu từ năm 2016 sau hội thảo khoa học “Các cơ hội và thách thức cho phát triển thiên văn ở Việt Nam”. Tại đây, các nhà khoa học nhận thấy có nhiều tiềm năng để phát triển Vật lý thiên văn ở Việt Nam.
SAGI ra đời với mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa người làm thiên văn trong nước với người Việt ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế, từ nền tảng ủng hộ lớn lao của vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam và GS Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp, cùng lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Chúng tôi chọn khai sinh cho SAGI tại ICISE là bởi từ lâu nơi đây đã trở thành điểm đến thân thuộc của những nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, nhờ có không gian yên bình, thoáng đãng. Cơ sở hạ tầng ở đây khá tiện nghi, và còn nằm cạnh Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (Sở KH&CN), Trạm quan sát thiên văn phổ thông (có kính CDK 600) hiện hoạt động rất tốt.
ICISE nơi SAGI chọn làm nơi ra mắt, hoạt động. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
* Với điều kiện cần như vậy, SAGI sẽ triển khai những hoạt động gì, thưa Phó giáo sư?
- Hằng năm, chúng tôi sẽ tổ chức các workshop, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu; hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh; phối hợp với nhóm chuyên gia tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực sử dụng, vận hành Trạm quan sát thiên văn phổ thông, triển khai một số nghiên cứu dựa trên các thiết bị hiện có...
Hội thảo khoa học quốc tế “Vũ trụ vàng: Vật lý thiên văn hạt nhân và tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin” và “Vật lý thiên văn SAGI 2022 - Những hướng nghiên cứu tiên phong của Vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi” được tổ chức vào cuối tháng 7.2022, là chuỗi hoạt động nổi bật khởi động cho hành trình xây dựng, phát triển chuyên ngành Vật lý thiên văn ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.
Trước đó, năm 2016, chúng tôi đã tổ chức chuỗi hội thảo “Sự hình thành sao trong các môi trường khác nhau” (SFDE). Đây là hoạt động được tổ chức 2 năm/lần. Từ những hội thảo này, đã có nhiều bạn tiếp tục theo đuổi các bậc học cao hơn trong và ngoài nước.
Năm 2023, chúng tôi sẽ tổ chức một trường quan sát (trong đó có 10 sinh viên Việt Nam và 10 sinh viên từ nước ngoài, cùng các giáo viên chuyên môn cao), hướng đến mục tiêu giúp sinh viên tự thực hiện các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và kính của Trạm quan sát thiên văn phổ thông, giúp các bạn trẻ được giao lưu và làm việc với chuyên gia nước ngoài.
Hiện nay, SAGI đang tuyển nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và sinh viên thực tập làm việc tại Quy Nhơn. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm các nguồn viện trợ, hỗ trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh về Vật lý thiên văn của Việt Nam theo học tại các trường danh tiếng trên thế giới. Sau đó, tạo điều kiện để họ về Việt Nam làm việc. Ngoài ra, SAGI đã làm việc với Trạm quan sát thiên văn phổ thông để thu hút chuyên gia về làm việc với trạm, cũng như huấn luyện các kỹ thuật viên trẻ tại trạm…
TS Nguyễn Trọng Hiền (giữa) và PGS.TS Hoàng Chí Thiêm (thứ hai từ trái sang) trao đổi với các nhà khoa học, lãnh đạo Bộ KH&CN trong lễ ra mắt SAGI. Ảnh: TRỌNG LỢI
NUÔI DƯỠNG ĐAM MÊ VẬT LÝ THIÊN VĂN CHO NGƯỜI TRẺ
SAGI bắt đầu sứ mệnh tạo lập môi trường thuận lợi để các nhà nghiên cứu trẻ, sinh viên đam mê Vật lý thiên văn theo đuổi và phát triển năng lực, dựa trên lợi thế sẵn có khi các thành viên của nhóm đang vận hành một mạng lưới đào tạo rất hiệu quả.
* Với những hoạt động Phó giáo sư vừa nói, SAGI ắt sẽ đem đến nhiều cơ hội cho người trẻ yêu khoa học Vật lý ở Bình Định - Việt Nam...
- Tôi tin rằng, SAGI sẽ tạo nhiều cơ hội cho các bạn trẻ đam mê Vật lý thiên văn. Đây sẽ là nơi để cộng đồng thiên văn Việt Nam gặp mặt giao lưu và trao đổi học thuật, nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà khoa học, nhà khám phá vũ trụ trong tương lai.
Để hoàn thành sứ mệnh ấy, hằng năm, chúng tôi sẽ luân phiên về ICISE để thực hiện các nghiên cứu cùng sinh viên. Chúng tôi hy vọng các trường đại học và THPT tại Việt Nam sẽ hợp tác với SAGI để đưa các học phần thiên văn vào chương trình giảng dạy và gửi sinh viên đến làm việc cùng SAGI.
Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với các nhóm thiên văn nghiệp dư trong nước và Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến thiên văn đến công chúng. Về lâu dài, SAGI muốn tạo nền tảng vững chắc về con người và kiến thức để tiến tới xây dựng một đài thiên văn hoặc trung tâm lớn hơn, làm cơ sở nghiên cứu cho những nhà làm thiên văn chuyên nghiệp. Các thành viên SAGI sẽ làm việc với các viện trên thế giới như Đài thiên văn quốc gia Nhật Bản, Đài thiên văn Đông Á để cùng tham gia vào các dự án lớn.
* Để theo đuổi con đường Vật lý thiên văn còn rất nhiều khó khăn, trắc trở, theo Phó giáo sư, thế hệ trẻ cần có hành trang gì?
- Tôi cho rằng, các bạn trẻ cần phải nuôi dưỡng đam mê. Chúng tôi cũng đang tạo lập môi trường thuận lợi để các nhà nghiên cứu trẻ, sinh viên đam mê Vật lý thiên văn có thể theo đuổi và phát triển năng lực của mình.
* Xin cảm ơn Phó giáo sư về cuộc trò chuyện thú vị!
SAGI được thành lập bởi 3 thành viên đầu tiên là các nhà khoa học người Việt:
* TS Nguyễn Trọng Hiền (59 tuổi), nhà Vật lý người Mỹ gốc Việt, chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).
* PGS.TS Hoàng Chí Thiêm (43 tuổi), hiện là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Khoa học vũ trụ và Thiên văn Hàn Quốc (KASI), đồng thời là phó giáo sư tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. Năm 2022, ông trở thành nhà khoa học Việt đầu tiên nhận Giải thưởng Thiên văn Hàn Quốc.
* PGS.TS Nguyễn Lương Quang (38 tuổi), giảng dạy tại ĐH Hoa Kỳ và Viện Năng lượng thay thế Saclay (Pháp). Ông là chuyên gia nghiên cứu về quá trình vật lý và hóa học giai đoạn đầu của quá trình hình thành sao; thành viên của các chương trình khoa học trọng điểm của Đài quan sát không gian Herschel và ALMA.
TRỌNG LỢI (Thực hiện)