Hoạt động khoa học, công nghệ năm 2022: Nhiều khởi sắc và kỳ vọng
Hoạt động khoa học, công nghệ năm 2022 có nhiều khởi sắc, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chất lượng sản phẩm hàng hóa; tạo luận cứ khoa học để hoạch định chính sách, xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đây là cơ sở để năm 2023, ngành KH&CN tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ thuộc kế hoạch thực hiện chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định, giai đoạn 2020 - 2025.
Triển khai 13 dự án, nhiệm vụ cấp quốc gia
TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “Năm 2022, toàn ngành đã triển khai đồng bộ các lĩnh vực nghiên cứu KH&CN; phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, khu đô thị khoa học Quy Hòa và trung tâm trí tuệ nhân tạo - đô thị phụ trợ; ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ ưu tiên của tỉnh”.
Đơn cử, ở lĩnh vực khoa học nông nghiệp, ngành KH&CN của tỉnh đã tập trung đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng trong dự báo sâu bệnh hại trên địa bàn tỉnh, giải quyết các vấn đề phát sinh trong nông nghiệp thông qua thực hiện các nhiệm vụ cấp tỉnh. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đổi mới và thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh đội ngũ trí thức, cán bộ KH&CN, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Việc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN đem lại nhiều kết quả tốt.
- Trong ảnh: Hội đồng KH&CN tỉnh tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài: “Nghiên cứu số hóa và quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định”. Ảnh: T.LỢI
Đáng chú ý, trong năm 2022, Sở KH&CN đã triển khai 13 dự án, nhiệm vụ cấp quốc gia, trong đó có 1 dự án KH&CN, 3 nhiệm vụ cấp thiết phát sinh tại địa phương, 7 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi… Nổi bật có thể kể đến dự án “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ để sản xuất một số thuốc dùng điều trị ung thư tại Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định”, “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định”, “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến nhà tại tỉnh Bình Định”… Các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào đời sống và sản xuất tại các huyện, thị xã, thành phố được thực hiện theo hướng tập trung, trọng tâm đã đem lại nhiều kết quả tốt. Trong đó, có nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, có khả năng nhân rộng, như: Mô hình thâm canh lúa cải tiến chất lượng theo hướng hữu cơ ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân); thâm canh cây mè trên chân đất chuyển đổi vụ Hè Thu tại xã Cát Hiệp, hoặc nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao sinh thái cây ngập mặn nước lợ ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát),…
Năm 2022, Thanh tra Sở KH&CN đã triển khai 8 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 218 cơ sở trong toàn tỉnh; qua đó phát hiện 18 cơ sở vi phạm hành chính về đo lường, nhãn hàng hóa…, xử phạt hành chính hơn 109 triệu đồng. Tiếp nhận 3 hồ sơ vi phạm hành chính về đo lường trong mua bán xăng dầu, ban hành quyết định xử phạt hành chính 3 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 22 triệu đồng.
Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sáng kiến đổi mới sáng tạo; xây dựng, sáng lập, quảng bá, phát triển, bảo vệ thương hiệu; áp dụng, cải tiến, đổi mới chất lượng cũng có những bước tiến mới. Điển hình, như Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh cho phép sử dụng tên địa danh và ký xác nhận bản đồ địa lý vùng sản xuất trong đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 7 sản phẩm đặc trưng của các huyện: An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Tuy Phước…
Triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ
Để KH&CN trở thành nền tảng, động lực phát triển KT-XH nhanh và bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu: Sở KH&CN, và các cấp, ngành cần nâng cao nhận thức, xác định phát triển KH&CN là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, động lực trong phát triển KT-XH. Vì vậy, ngành KH&CN của tỉnh cần tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ các địa phương trong chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại giống có chất lượng cao, kỹ thuật canh tác hữu cơ, quy trình chế biến, bảo quản sản phẩm; hỗ trợ xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hàng hóa. Triển khai xây dựng nhiệm vụ hỗ trợ phát triển DN KH&CN và đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện chương trình hỗ trợ thương mại hóa, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được nghiệm thu, đánh giá và có ý nghĩa với tỉnh vào thực tế cuộc sống, phát triển thị trường KH&CN… Kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phải là sản phẩm hữu ích, có giá trị thực tiễn, đem lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...
TS Lê Công Nhường cam kết: Năm 2023, ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ thuộc kế hoạch thực hiện chương trình hành động số 10 của Tỉnh ủy. Trong đó, hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh xây dựng các dự án tham gia chương trình quốc gia về phát triển sản phẩm quốc gia, công nghệ cao, tài sản trí tuệ... Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thiện các thủ tục có liên quan để sớm đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, và từng bước hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại khu đô thị khoa học Quy Hòa; đẩy mạnh hướng dẫn các tổ chức, cá nhân ươm tạo, đổi mới công nghệ; thực hiện công tác quản lý và đề xuất các nhiệm vụ KH&CN các cấp…
TRỌNG LỢI