Hỗ trợ giáo viên trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sáng 13.1, đoàn giám sát do Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh chủ trì làm việc tại Trường THCS Võ Xán (huyện Tây Sơn).
Đoàn giám sát Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc tại Trường THCS Võ Xán. Ảnh: T.H
Báo cáo đoàn giám sát, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Toàn cho hay, Trường THCS Võ Xán hiện có 1.125 học sinh với 32 lớp (2 khối lớp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là khối 6, khối 7). Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo thực hiện công tác dạy học và giáo dục; cơ cấu giáo viên đảm bảo triển khai tổ chức dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình GDPT mới.
Nhà trường đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ huynh học sinh và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Tổ chức thực hiện lựa chọn sách giáo khoa lớp 6, lớp 7 đúng quy trình, quy định.
Trong hơn 1 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, học sinh tiếp thu tương đối tốt. Giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường tham gia đầy đủ các lớp tập huấn Chương trình GDPT 2018, tham gia tập huấn sách giáo khoa mới; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp.
“Nhà trường giao quyền tự chủ cho giáo viên; hướng dẫn giáo viên nghiên cứu, đánh giá các bản mẫu sách giáo khoa để đề xuất với tổ chuyên môn lựa chọn sách giáo khoa theo quy định. Giáo viên được tự chủ chuyên môn, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của môn mình phụ trách sao cho phù hợp với năng lực học sinh, điều kiện thực tế nhà trường, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy học”, ông Toàn cho hay.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của trường, giáo viên, và huyện Tây Sơn cũng chỉ rõ chương trình, sách giáo khoa mới được triển khai trong giai đoạn đầu còn lúng túng, khó khăn, bất cập. Hiện, cơ sở vật chất của trường mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Thiết bị dạy học phục vụ giảng dạy còn thiếu nhiều, chưa đáp nhu cầu giảng dạy cơ bản của chương trình mới; một số thiết bị dạy học của lớp 6 và tất cả thiết bị dạy học cơ bản của lớp 7 đến nay chưa có. Việc phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn chậm, đặc biệt Tài liệu giáo dục địa phương lớp 7, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy học của nhà trường.
Đáng chú ý giáo viên hiện còn thiếu so với biên chế giao. Công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, nhất là giáo viên giảng dạy các môn học mới diễn ra chủ yếu bằng hình thức trực tuyến (do trong thời gian dịch bệnh Covid-19) nên còn hạn chế. Các giáo viên chỉ được đào tạo để dạy đơn môn nên việc bố trí giảng dạy đối với môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí gặp khó khăn.
Nhà trường kiến nghị tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên mới về Chương trình GDPT 2018 để bổ sung và chuẩn bị nguồn cho thực hiện chương trình thời gian tới. Huyện Tây Sơn đề nghị đoàn giám sát có kiến nghị lên Trung ương thống nhất các quy định biên chế, tuyển dụng giáo viên môn học mới…
Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng đoàn giám sát Lý Tiết Hạnh đánh giá cao nhà trường trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, cách làm tạo được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và cộng đồng trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Trưởng đoàn giám sát Lý Tiết Hạnh phát biểu tại giám sát. Ảnh: T.H
Ghi nhận các kiến nghị của trường, địa phương, bà Lý Tiết Hạnh đồng thời lưu ý việc Ban giám hiệu nhà trường cần chú trọng tham gia hỗ trợ tổ bộ môn, hỗ trợ giáo viên hết sức cụ thể và hiệu quả, tháo gỡ kịp thời khó khăn, không để giáo viên “tự bơi” trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Huyện Tây Sơn và ngành giáo dục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp; thiết bị, tài liệu dạy học đảm bảo thực hiện chương trình GDPT mới.
Đoàn ĐBQH tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của trường, địa phương để rà soát, tổng hợp, đề xuất, kiến nghị lên các cấp.
* Dịp này, đoàn tặng quà tết cho Trường THCS Võ Xán và 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt của trường.
Đoàn tặng quà 10 học sinh hoàn cảnh khó khăn học tốt của trường. Ảnh: T.H
* Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát tiếp tục làm việc tại Trường THPT Số 1 An Nhơn (TX An Nhơn).
Báo cáo với đoàn giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Hữu Lộc - Hiệu trưởng Trường THPT Số 1 An Nhơn (TX An Nhơn) kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm có phương án thi tốt nghiệp THPT cho năm học 2024 - 2025 và tuyển sinh ĐH năm 2025 (áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018). Đồng thời, chỉ đạo các trường ĐH đào tạo chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đoàn giám sát làm việc tại Trường THPT Số 1 An Nhơn.
Trường cũng kiến nghị Sở GD&ĐT sớm có sách giáo khoa với nội dung giáo dục địa phương để các trường triển khai thực hiện. Sở tổ chức hội thảo đánh giá triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Đánh giá của nhà trường cho thấy, Bộ GD&ĐT, các bộ ngành liên quan và Sở GD&ĐT tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, làm căn cứ pháp lý để tiến hành biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình, sách giáo khoa, quy định lựa chọn sách giáo khoa.
Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa được nhà trường triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. Quá trình triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT.
Đội ngũ nhà giáo cơ bản đã nắm được những yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới, vận dụng vào thực tế tổ chức dạy học khá hiệu quả, dần khắc phục lối dạy học, kiểm tra đánh giá áp đặt một chiều, tích cực thay đổi cách dạy theo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp nhu cầu sử dụng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở bậc THPT. Theo nhà trường, chương trình ban hành sớm, nội dung cụ thể nên công tác truyền thông và công tác tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhà giáo được triển khai sớm, giúp cho nhà giáo chủ động tiếp cận dạy học theo chương trình mới, người dân có sự tiếp cận sớm với thông tin nên chuẩn bị các điều kiện cho con em đến trường.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường hiện nay được đầu cơ bản đáp ứng yêu cầu tối thiểu của chương trình. Việc xây dựng và ban hành Chương trình GDPT 2018 đã đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông theo quy định tại Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88. Chương trình đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp.
Tuy nhiên, chương trình cũng bộc lộ những tồn tại, khó khăn, hạn chế trong việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT và việc chuyển trường của học sinh.
Sách giáo khoa mới vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định về nội dung, ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc, hệ thống câu hỏi/bài tập luyện tập còn chưa được tinh giản, chọn lọc. Việc thẩm định sách giáo khoa cần phải thực hiện qua nhiều vòng, nhiều đợt dẫn đến việc phê duyệt danh mục sách còn chậm, gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn sách. Tài liệu giáo dục địa phương ban hành chậm.
Riêng trong thực hiện chương trình, đến nay trường vẫn chưa thực hiện đủ các môn học tự chọn; nhiều khó khăn trong bố trí đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy các môn học mới như trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục địa phương.
Tại giám sát, nhiều ý kiến đề cập làm rõ hơn một số vấn đề còn tòn tại, khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình. Đại diện Sở GD&ĐT thông tin một số nội dung liên quan đến các kiến nghị của trường. Đáng chú ý là thông tin về việc hướng dẫn các trường THPT trên địa bàn tỉnh chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập; ban hành sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương chậm trễ.
Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng đoàn giám sát Lý Tiết Hạnh đánh giá cao Trường THPT Số 1 An Nhơn trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, cách làm tạo được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và cộng đồng trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Ghi nhận các kiến nghị của trường để rà soát, tổng hợp, đề xuất, kiến nghị lên các cấp.
Tặng quà cho học sinh nhà trường.
* Dịp này, đoàn tặng quà tết cho Trường THPT Số 1 An Nhơn và 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn học tốt của trường.
T.HIỀN