Hải trình chí lược - một nguồn tư liệu quý về Bình Ðịnh
Trên hành trình cùng phái bộ Đại Việt vượt biển đến Batavia (Indonesia), Phan Huy Chú đã đi qua vùng biển Bình Định và ghi lại nhiều điều thú vị về nơi đây trong Hải trình chí lược (lược ghi về hành trình vượt biển).
Phan Huy Chú (1782 - 1840) tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, người làng Thụy Khuê (nay là Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), tác gia xuất sắc của gia tộc Phan Huy lẫy lừng, nhà bác học lớn của nước ta dưới thời nhà Nguyễn. Ông là tác giả Lịch triều hiến chương loại chí, bộ sách gồm 49 quyển, được xem là “bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam”.
Làm quan dưới thời Minh Mệnh, Phan Huy Chú từng hai lần đi sứ nhà Thanh, một lần công cán đến Tân Gia Ba (Singapore ngày nay) và Giang Lưu Ba (Batavia, thuộc Indonesia ngày nay). Trên 12 năm hoạn lộ ngắn ngủi không mấy suôn sẻ của mình, tỉnh Bình Định để lại trong ông một số dấu ấn.
Năm 1829, trong thời gian làm Thự hiệp trấn Quảng Nam, Phan Huy Chú từng chịu mệnh triều đình đến cấp bán thóc gạo tại Bồng Sơn. Trong sự nghiệp đồ sộ của Phan Huy Chú, Hải trình chí lược là tác phẩm quan trọng. Tác phẩm này ghi lại chuyến công cán mùa đông năm 1832 vượt biển đi về phương Nam để đến với Singapore và Indonesia, nơi có sự hiện diện của người Tây phương, nhằm ghi lại những điều tai nghe mắt thấy để xem xét, đối chiếu phong tục của lân bang để tìm ra điều hay, dở mà học hỏi, phòng trừ. Trong Hải trình chí lược, vùng biển Bình Định được nhắc đến ngay ở phần đầu (sau vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi) với nhiều thông tin quan trọng.
Hải trình chí lược nhắc đến nhiều địa danh nổi tiếng của biển Bình Định như cửa tấn Thời Phú, cửa tấn Đề Gi, núi Vọng Phu, cửa Thị Nại. Tác phẩm cho biết cách viết tên những địa danh này, đặc biệt là các địa danh Nôm. Những chi tiết này tuy nhỏ nhưng lại là tư liệu đáng tin cậy trong việc tìm hiểu một số địa danh biển đảo thuộc Bình Định trong thư tịch thời Nguyễn.
Đặc điểm địa hình của vùng duyên hải Bình Định cũng được ghi chép, mô tả khá kỹ trong tác phẩm này. Viết về núi Vọng Phu ngoài biển Đề Gi, tác giả dành một lượng phụ chú khá dài kể về truyền thuyết người vợ ôm con trông chồng hóa đá, hiển linh. Ông giải thích nguồn gốc tên gọi đồng thời, nêu lên giá trị tín ngưỡng của di tích. Viết về cửa Thị Nại, tác giả cho biết đây “là một cảng khẩu lớn” với sự sầm uất của “thuyền bè san sát” đồng thời không quên chú giải, đặt các ghi chép trong mối liên kết trong tiến trình lịch sử.
Hải trình chí lược viết theo thể chí là thể văn ghi chép một cách chính xác, khách quan những gì tác giả quan sát, tra cứu được, hạn chế tối đa cảm xúc của người viết. Tuy nhiên, trong phần viết về vùng biển Bình Định, Phan Huy Chú không giấu niềm yêu mến trước vẻ đẹp thanh bình, nên thơ của nơi đây: “Cảnh sắc thanh bình thật đáng vui thích”. Ông dẫn lời Âu Dương Tu để ngầm bày tỏ tình cảm của mình: “Ông Âu Dương nói: “Thấy cảnh núi cao nước trong thì biết rằng thiên hạ thái bình đã lâu”. Câu ấy có thể dùng để nói về cửa biển này chăng?”.
Có thể nói, các ghi chép trong Hải trình chí lược là những tư liệu quan trọng đối với việc tìm hiểu tình hình biển đảo Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn, trong đó có vùng biển Bình Định.
PHẠM TUẤN VŨ