Phù Cát chuyển đổi cơ cấu canh tác, cây trồng hợp lý: Tăng năng suất và chất lượng
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu canh tác, cây trồng để nâng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, nhiều năm qua huyện Phù Cát xây dựng kế hoạch chuyển đổi, hỗ trợ người dân triển khai hợp lý, mang lại kết quả tốt. Năm 2023, toàn huyện đặt mục tiêu chuyển đổi 3.100 ha, trong đó có 1.445 ha đất lúa, 1.645 ha đất mì.
Năm 2022, huyện Phù Cát thực hiện chuyển đổi 3.054 ha, vượt 0,5% so với kế hoạch, tăng 225 ha so với cùng kỳ năm trước; trong đó thực hiện chuyển đổi trên đất lúa 1.471 ha, chuyển đổi trên đất mì 1.583 ha.
Phù Cát áp dụng mô hình canh tác luân canh, xen canh gối vụ nhiều cây trồng cạn để tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế. Ảnh: THU DỊU
Với diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, huyện quy hoạch chuyển sang các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao hơn như hành, đậu phụng, ớt, mè, rau dưa các loại. Các diện tích chuyển đổi được áp dụng KHKT, công nghệ và các biện pháp canh tác mới, giống mới chất lượng cao nên hiệu quả kinh tế tăng hơn so với trồng lúa từ 4 - 5 lần. Cụ thể, theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện Phù Cát, trên cùng một đơn vị sản xuất, trồng hành cho thu nhập cao hơn lúa 115 triệu đồng/ha, đậu phụng là 40 triệu đồng/ha và ớt là 190 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, cùng trong một đơn vị diện tích triển khai thâm canh, luân canh, trồng gối vụ các cây trồng cạn như hành, mè, bắp, đậu phụng… cho thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha.
Nhờ tận dụng được nguồn nước tưới từ kênh tưới Văn Phong, kết hợp với hệ thống thủy lợi được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hoàn chỉnh, việc chuyển đổi những diện tích trồng mì kém hiệu quả sang cây trồng cạn phù hợp đã cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Điển hình là ở các xã: Cát Hải, Cát Tài, Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Lâm, Cát Hưng… hầu hết nông dân đều đạt thu nhập 125 triệu đồng/ha. Việc chuyển đổi thành công, đạt lợi nhuận tốt khiến người dân an tâm, thêm tin tưởng các kế hoạch chuyển đổi mà ngành nông nghiệp và địa phương đưa ra.
Nói về điều này, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho hay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong giai đoạn này có nhiều thuận lợi. Đó là có chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng của UBND tỉnh, có công nghệ, có mô hình để nông dân áp dụng. Từ những cơ sở đó, huyện Phù Cát đẩy mạnh chuyển đổi, xây dựng các mô hình chuyển đổi điểm để nhân rộng trên địa bàn huyện. Định hướng của huyện là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, xây dựng các mô hình liên kết, cánh đồng lớn, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản; xây dựng được mã số vùng trồng và kiểm soát quy trình chất lượng từ đầu, nhằm định hình và nâng cao chất lượng, phẩm cấp của các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Năm 2023, huyện tiếp tục chuyển đổi thêm 3.100 ha, trong đó vụ Đông Xuân chuyển đổi 1.633 ha, vụ Hè và Thu chuyển đổi 1.038 ha, vụ Mùa là 429 ha. Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho hay, đến nay toàn ngành đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi chi tiết, phù hợp với từng địa phương. Cùng với kế hoạch chung, ngành nông nghiệp tham mưu UBND huyện ban hành một số giải pháp, trong đó có việc tuyên truyền để người dân nắm bắt chủ trương chuyển đổi và áp dụng đúng kế hoạch chuyển đổi hợp lý. Ngành nông nghiệp tiếp tục quy hoạch các vùng chuyển đổi; xây dựng các mô hình điểm trình diễn để nhân rộng, chú trọng áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cho chuyển đổi cây trồng. Cùng với đó, huyện sẽ chủ động xây dựng kênh kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân; tập trung cho những cây trồng chủ lực để xây dựng sản phẩm OCOP địa phương. “Năm 2022, Phù Cát có một số sản phẩm OCOP cấp tỉnh được sản xuất từ các địa phương thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn như dầu mè, dầu đậu phụng… Đây cũng là động lực để huyện đầu tư cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, ông Lê cho biết thêm.
THU DỊU