Ra mắt đặc san 50 năm Hiệp định Paris: Những bài học quý giá
Ấn phẩm đặc biệt được xuất bản bằng tiếng Việt với gần 200 trang gồm bài viết của những người trực tiếp tham gia cuộc đàm phán lịch sử cùng học giả, nhà nghiên cứu ngoại giao... đã ủng hộ Việt Nam.
Hội nghị quốc tế về Việt Nam họp tại Paris từ ngày 26.2 - 2.3.1973, kết thúc bằng việc ký Định ước để bảo đảm hòa bình ở Việt Nam. Trong ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam, ngày 2.3.1973. (Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN)
Sáng 16.1, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam-Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm," Báo Thế giới và Việt Nam (Bộ Ngoại giao) ra mắt đặc san “50 năm Hiệp định Paris: Những bài học quý giá”.
Ấn phẩm đặc biệt được xuất bản bằng tiếng Việt với gần 200 trang gồm bài viết của những người trực tiếp tham gia cuộc đàm phán lịch sử cùng nhiều học giả, nhà nghiên cứu ngoại giao, những nhà báo, bạn bè quốc tế đã ủng hộ hết mình cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Đó là bài viết của “Madam Nguyễn Thị Bình” - Trưởng Phái đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời, với tựa đề: Hiệp định Paris dẫn đến hòa bình và thống nhất đất nước; trong đó, bà viết: “Đối với tôi, cuộc đàm phán Paris diễn ra như một cuốn phim với những mốc quan trọng của cuộc đấu tranh, đấu trí căng thẳng để đi đến thắng lợi”.
Hay như bài viết của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong đó ông viết: “Giống như người xem tranh, đôi lúc phải lùi xa một chút mới cảm nhận được trọn vẹn của bức tranh; độ dài nửa thế kỷ giúp ta thấu hiểu hơn ý nghĩa và những bài học được đúc rút từ sự kiện lịch sử này”.
Chia sẻ về ấn phẩm đặc biệt này, ông Nguyễn Trường Sơn, Tổng Biên tập báo Thế giới và Việt Nam, cho biết cuốn đặc san tái hiện lại toàn cảnh về hội nghị, từ giai đoạn đàm phán, ký kết, cho đến giai đoạn thi hành Hiệp định, qua đó làm rõ thêm vai trò của mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, sự ủng hộ của mặt trận quốc tế trong các giai đoạn này.
Ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định cuốn đặc san không chỉ là sự tri ân, trân trọng những đóng góp của các thế hệ đi trước cho độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc, đất nước; mà còn tổng hợp những bài học, kinh nghiệm đúc rút từ quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris, để qua đó các thế hệ ngoại giao hôm nay và ngày mai có thể học hỏi và áp dụng nhuần nhuyễn các bài học đó, nhằm hoàn thành tốt hơn những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Theo Hằng Phương (TTXVN/Vietnam+)