MUA BÁN VÀ NUÔI ĐỘNG VẬT NGOẠI LAI KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC:
Vi phạm pháp luật, tạo nguy cơ gây hại cho môi trường
Ngày 12.1, Chi cục Thủy sản Bình Định tiếp nhận một cá thể rùa lạ từ anh Nguyễn Ngọc Thiện (SN 1995, ở thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước). Cá thể rùa khỏe mạnh này nặng 1,3 kg, dài khoảng 40 cm (tính cả đuôi). Qua kiểm tra và trao đổi thông tin với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), Chi cục Thủy sản xác nhận đây là loài rùa đớp (Chelydra serpentina) là loài động vật hoang dã (ĐVHD) được liệt kê trong phụ lục III CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), nhóm hạn chế khai thác thương mại quốc tế. Theo đó, việc vận chuyển, nuôi nhốt, kinh doanh, mua bán loài này yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của động vật và nhiều giấy tờ khác có liên quan.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện (giữa) giao cá thể rùa đớp cho Chi cục Thủy sản. Ảnh: ÁI TRINH
Anh Thiện chia sẻ: Tôi mua cá thể rùa này trên mạng cách đây 4 năm với giá 500 nghìn đồng, lúc đó nó nhỏ bằng 3 ngón tay để nuôi làm cảnh. Thấy người ta đăng bán nhiều trên mạng cứ nghĩ là được phép nuôi bình thường, không biết là vi phạm pháp luật. Sau khi được tuyên truyền, tôi hiểu không được nuôi động vật ngoại lai không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nếu để thoát ra ngoài môi trường tự nhiên sẽ gây nhiều rủi ro. Vì vậy tôi tự nguyện giao nộp cá thể rùa này cho Chi cục Thủy sản để xử lý theo quy định.
Chiều cùng ngày, Chi cục Thủy sản đã bàn giao cá thể rùa đớp trên cho Vườn thú FLC Zoo Safari Quy Nhơn tạm thời chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định.
Hoạt động buôn bán các loài ngoại lai đang ngày càng phổbiến, chủ yếu phục vụ nhu cầu nuôi làm cảnh của một bộphận người dân, đặc biệt là giới trẻ - trong đó có tỉnh Bình Định. Việc nuôi nhốt ĐVHD ngoại lai không có nguồn gốc hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, những ĐVHD ấy tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng lo ngại cho đa dạng sinh học của Việt Nam, sức khỏe con người nếu lọt ra môi trường tự nhiên sẽ rất khó kiểm soát.
Như đã nói ở trên, việc mua bán, nuôi các loài ĐVHD, ĐVHD ngoại lai có thể sẽ là hành vi vi phạm pháp luật nếu cá thể được nuôi thuộc phạm vi bảo vệ của pháp luật, việc tổ chức nuôi dưỡng phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt. Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, hành vi nuôi, nhốt, tàng trữ, buôn bán trái phép các loài ĐVHD ngoại lai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân.
Điều đáng lưu ý là các loài ĐVHD ngoại lai khi được nuôi nhốt trái phép gần như sau đó sẽ xâm nhập vào môi trường tự nhiên. Khi không gặp thiên địch tự nhiên trong môi trường mới, chúng sẽ sinh sản rất nhanh, cạnh tranh với các loài bản địa và gây ra tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học bản địa. Các loài ngoại lai còn có thể trở thành trung gian truyền bệnh từ động vật sang người hoặc lây truyền sang các động vật bản địa nếu chúng thoát ra khỏi môi trường nuôi nhốt hoặc được thả vào tự nhiên. Vì vậy mỗi người dân cần phải nhận thức đầy đủ về các nguy cơ và cần thận trọng trong việc mua nuôi các loài ĐVHD ngoại lai không rõ nguồn gốc xuất xứ để làm cảnh.
ÁI TRINH