EU nới lỏng cấm vận dầu mỏ với Syria
Tại cuộc họp diễn ra ở Luxembourg hôm 22.4, các ngoại trưởng thuộc Liên minh châu Âu (EU) quyết định nới lỏng các biện pháp trừng phạt về dầu mỏ được áp đặt đối với Syria vào năm 2011, nhằm mở đường cho việc hỗ trợ phe đối lập tại Syria.
Bà Catherine Ashton (trái), phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) tại cuộc họp ở Luxembourg hôm 22.4.
Theo đó, các nước châu Âu được phép mua dầu mỏ từ Syria, nhưng chỉ khi nào được phép của Liên minh Quốc gia Syria (SNC).
Sự nới lỏng này được cho là nhằm giúp phe đối lập Syria kiếm đủ tiền để sửa chữa cơ sở hạ tầng và mua sắm vũ khí, cũng như giúp tăng sự tín nhiệm của SNC đối với những người Syria phản đối chính quyền của tổng thống Bashar Assad.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nghi ngờ về kết quả bền vững mà quyết định này có thể đem lại vì những vấn đề về an ninh và cơ sở vật chất tồi tàn tại Syria sẽ ngăn các công ty châu Âu đóng vai trò đáng kể trong việc nhập khẩu dầu tại đây.
Ông Osama Al-Qadi, ứng cử viên cho chức thủ tướng của SNC, cho rằng phe đối lập Syria sẽ không thể hưởng lợi được từ trữ lượng dầu mỏ mà lực lượng này có được nếu không thành lập một chính phủ lâm thời, vì có chính phủ thì lực lượng này mới giám sát được các hợp đồng mua bán dầu mỏ và ký kết hợp đồng với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay, phe đối lập vẫn chưa tìm cách kiểm soát trữ lượng dầu thô có được và một số đang bị buôn lậu từ vùng đông bắc Syria.
Động thái trong cuộc họp này cũng là bước đi sau khi chiến dịch vận động dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria do Anh và Pháp đứng đầu bị thất bại. Các nước như Đức, Áo và Thụy Điển phản đối điều này vì lo ngại vũ khí có thể rơi vào tay phiến quân Hồi giáo cực đoan.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 22.4 cũng nhắc nhở rằng việc bán vũ khí cho phe đối lập Syria sẽ vi phạm luật pháp quốc tế, ngay cả khi lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria được dỡ bỏ.
Dự kiến hôm nay (23.4), ông Lavrov và ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ bàn về quyết định nới lỏng trừng phạt Syria của EU.
Lê Quảng (theo RT)