Náo nức đón xuân về
Hòa vào không khí náo nức đón Tết, chị em phụ nữ tất bật lo toan, chu toàn mọi việc. Với hy vọng “đầu năm tươm tất, cả năm sung túc”, chị em khẩn trương dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh mứt, sao cho mái ấm của mình được chỉnh chu, sẵn sàng bước vào một năm mới tốt lành.
Gìn giữ giá trị truyền thống
Đón Tết cổ truyền, nhiều chị em muốn tự tay làm những món ăn truyền thống cho gia đình hay biếu người thân, bạn bè, thay vì mua loại làm sẵn, đóng gói.
Chăm chú với mẻ bánh men và mứt dừa đang dần được hoàn thiện, chị Nguyễn Thị Ba (ở phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) giải thích, việc tự tay chuẩn bị bánh mứt kỳ công hơn nhiều vì phải cẩn thận từng bước, từ lựa chọn nguyên liệu đến chế biến, canh lửa…, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Do đó, để cho ra mẻ mứt đạt chất lượng, có khi mất cả nửa ngày.
Chị Ba tự tay chuẩn bị món ăn truyền thống ngày Tết tại nhà. Ảnh: D.LINH
“Tự tay làm tuy vất vả nhưng bù lại, việc được cùng mẹ và dì cặm cụi sên mứt, hấp bánh thật sự là trải nghiệm tuyệt vời. Khi ấy, tôi như quay về thời thơ ấu với những món bánh kẹo truyền thống ngon lành. Thuở ấy, đó là những món quà mà con trẻ thích nhất và chỉ có dịp Tết, chúng tôi mới được ăn”, chị Ba kể.
Với tất cả những lý do trên, chị Ba cùng những người phụ nữ lớn tuổi lại tất bật bên mẻ bánh mứt trong những ngày cuối năm. Xuôi theo câu chuyện đang kể, chị Ba “bật mí”, chị thường đăng tải những khoảnh khắc làm bánh truyền thống lên mạng xã hội và nhận được nhiều lời nhắn của bạn bè đang mưu sinh nơi xứ người. Ai ai cũng nhớ những món ăn truyền thống nơi quê mình và mong sớm được về nhà để tự mình làm hũ mứt dừa, mứt gừng “nhà làm”.
Ngoài mứt, nhiều chị em không ngần ngại nấu cả bánh chưng, bánh tét. Khác biệt ở chỗ, chị em thường rủ thêm các thành viên thuộc nhiều thế hệ cùng làm.
Tất bật lau lá, ngâm gạo, ướp thịt để gói bánh, chị Dương Thị Hiếu Thảo (ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) hào hứng chia sẻ, trừ năm ngoái bị gián đoạn vì dịch, còn lại, đã thành thông lệ, cứ vào ngày 27 âm lịch, chị cùng các dì, các chị phía ngoại cùng nhau tề tựu đông đủ để nấu bánh chưng, bánh tét. Một năm dài trôi qua, cả nhà mới có dịp ngồi lại với nhau, tạm gác chuyện cơm áo gạo tiền ngoài kia để chia sẻ, lắng nghe nhiều hơn.
“Ai cũng tìm thấy niềm vui từ việc tự làm bánh. Trẻ nhỏ thì háo hức vì cả năm, có mỗi dịp này được thức khuya, ngắm bếp đỏ lửa và nghe kể chuyện. Người lớn thì vừa làm, vừa hướng dẫn con cháu thực hiện các thao tác sao cho chuẩn nhất. Ba thế hệ cứ thế sum vầy, sẵn sàng chào đón năm mới bình an, hạnh phúc”, chị Thảo bày tỏ.
Mang Tết về nhà
Không chỉ tự làm bánh mứt đãi khách ngày Tết, chị em còn sớm lo toan việc tươm tất nhà cửa, trổ tài trang trí, đưa không khí xuân vào tổ ấm.
Quyết định dọn dẹp nhà cửa từ 2 tuần trước để có nhiều thời gian sắm sửa, chuẩn bị Tết cho gia đình, bà Nguyễn Thị Lan (ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) cho biết, bắt đầu bằng việc thu dọn đồ vật cũ, thay thế bằng những vật dụng phù hợp cho năm mới. Sau đó, bà lại luôn tay luôn chân với việc chu toàn dịp lễ cuối năm cho gia đình hai bên nội ngoại.
“Khoảnh khắc thay cuốn lịch mới, tôi dần cảm nhận rằng Tết đang về. Kế đó là những bận rộn, lo toan về việc cúng kiếng, chuẩn bị những món ăn ngày Tết phù hợp với sở thích của từng thành viên trong gia đình. Con tôi nói vui rằng, chỉ cần thấy món chả thủ, củ kiệu mẹ làm xuất hiện trong tủ lạnh, ấy là ngày Tết”, bà Lan chia sẻ.
Chị Liên cùng con trai sửa sang cây đào tại “góc Tết handmade” của gia đình. Ảnh: D.L
Không khí Tết còn len lỏi vào mái ấm nhờ sự sáng tạo, khéo léo của chị em. Tự hào giới thiệu góc riêng trưng bày những bình hoa, cây cối, động vật được làm bằng len do chính tay mình đan móc, bà Vũ Thị Thanh (SN 1949, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) “bật mí”, để ngôi nhà thêm sắc xuân, đầy sức sống, bà đã học cách đan len trên Youtube rồi làm ra những vật dụng trang trí bắt mắt.
“Nhà có nhiều thành viên tuổi mèo, năm nay lại là năm Quý Mão nên tôi nảy ra ý định tập đan những chú mèo len ngộ nghĩnh, vừa tặng cho gia đình, hàng xóm, vừa để trang trí ngay phòng khách. Ngoài ra, tôi còn đan hoa hướng dương, cẩm chướng thay cho hoa nhựa. Các cháu ngoại đều thích thú khi thấy “góc Tết nhỏ” xuất hiện trong nhà”, bà Thanh vui vẻ nói.
Góp sức với mẹ Thanh để làm không khí xuân tràn ngập mái ấm, chị Hà Thị Giang Liên (SN 1983) chăm chút, trang trí cho cây đào mới sắm tuần trước. Với chị, trang hoàng nhà cửa ngày Tết, không gì bằng việc chưng đào, mai.
Chị Liên bày tỏ: “Nhìn hai loại cây này trong nhà, ai cũng sẽ thấy Tết cận kề. Sự vui vẻ, hân hoan chào đón năm mới vì thế càng rõ nét hơn. Bởi vậy, chúng tôi luôn chú trọng đến việc tạo nên một “góc Tết nhỏ” để mái ấm thêm đậm đà sắc xuân”.
DƯƠNG LINH