Tuy Phước: 13,5 ha đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang đến bao giờ ?
Hơn 2 năm qua, 13,5 ha đất sản xuất nông nghiệp tại cánh đồng Tứ Niên (thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) đã bị bỏ hoang. Trong khi đó, nguyện vọng của đông đảo người dân địa phương việc chuyển diện tích đất trên từ đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản vẫn chưa được ngành chức năng xem xét.
Theo quy hoạch, 13,5 ha tại cánh đồng Tứ Niên được sử dụng vào mục đích sản xuất lúa. Tuy nhiên, khoảng 2 - 3 năm gần đây, do điều kiện địa hình và thời tiết không thuận lợi, toàn bộ diện tích trên bị nhiễm phèn, mặn rất nặng. Việc dùng nước ngọt để thau chua, rửa mặn không hiệu quả nên vụ sản xuất nào người nông dân cũng rơi vào tình cảnh thua lỗ. Mệt mỏi với tình trạng “có làm mà không có ăn” nên dù biết là lãng phí và rất cần đất để canh tác nhưng người dân địa phương đành bỏ hoang, các loại cỏ dại, cói, lác… mọc um tùm. Cánh đồng mênh mông, rộng lớn giờ chỉ được một số người dân địa phương tận dụng vào việc… chăn thả vịt.
Đất đồng Tứ Niên không canh tác nhưng để chống hiện tượng xâm nhập mặn, năm nào xã Phước Hòa cũng phải đầu tư gần 100 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp đê ngăn mặn đồng Tứ Niên. Theo ông Phan Trần Phú, Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc - Ban nhân dân thôn nhiều lần tổ chức họp dân để lấy ý kiến đặng có căn cứ kiến nghị xã Phước Hòa đề nghị UBND huyện Tuy Phước và ngành chức năng liên quan xem xét phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất lúa sang nuôi trồng thủy sản. Dân đồng tình và thống nhất cao nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Còn theo ông Huỳnh Thanh Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa: Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo bằng văn bản để UBND huyện Tuy Phước biết và cho chủ trương giải quyết. Tuy nhiên đến nay, UBND huyện và các ban, ngành liên quan chưa đưa ra hướng xử lý. Cánh đồng Tứ Niên rộng 13,5 ha bị bỏ hoang, gây lãng phí đất rất lớn. Chúng tôi rất xót. Về mặt địa phương, chúng tôi mong UBND huyện và các sở, ngành xem xét, đưa ra phương án giải quyết hiệu quả để nhân dân địa phương sớm đưa diện tích đất tại khu vực này vào sản xuất, canh tác”.
CÔNG MINH