Trầm tích Đất Vua, lắng hồn Đất Võ
Bình Định không chỉ nổi tiếng với danh lam, thắng cảnh đẹp mà còn là miền đất giàu trầm tích văn hóa. Đây từng là nơi định đô và phát triển rực rỡ vương quốc Champa từ thế kỷ XI - XV, cho đến các triều đại sau này. Đây cũng là cái nôi của nghệ thuật tuồng, bài chòi và là trung tâm phát triển của võ cổ truyền.
Về Bình Định là về thăm quê hương của Tây Sơn Tam kiệt anh hùng. Ngoài những câu chuyện lịch sử về phong trào Tây Sơn và vương triều cùng tên, du khách còn được nghe muôn vàn điều thú vị của vùng đất Võ, trời Văn qua chuyện kể về những ngôi tháp Chăm, về Chùa Bà - nơi diễn ra Lễ hội đô thị Nước Mặn, nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, về vùng đất An Nhơn kinh kỳ… Và nhắc đến Bình Định, nhiều người thường ấn tượng lẫn tò mò bởi câu ca dao: Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định bỏ roi đi quyền.
Vang danh miền đất Võ Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ngoài võ cổ truyền, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, Bình Định còn là miền đất phát tích và lan tỏa nghệ thuật tuồng, bài chòi. Sân khấu tuồng Bình Định được duy trì biểu diễn ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh tại các lễ hội cầu ngư, khánh thành đình, miếu, cúng thanh minh, mừng năm mới. Thời điểm trước năm 2017, khi UNESCO ghi danh bài chòi dân gian là loại hình văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Bình Định đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản bài chòi. Từ đó đến nay, nghệ thuật tuồng, bài chòi ngày càng được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến.
Các lễ hội dân gian ở Bình Định được bảo tồn, tổ chức thu hút sự quan tâm của du khách.
- Trong ảnh: Lễ hội cầu ngư ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Toàn - Trưởng đoàn tuồng Nhơn Hưng, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian TX An Nhơn, tâm tình: “Chính quyền, nhân dân nhiều địa phương rất quan tâm nghệ thuật tuồng, khi các lễ hội dân gian ở địa phương tổ chức đều mời các đoàn tuồng về biểu diễn. Ngoài TX An Nhơn, nhiều địa phương trong tỉnh cũng thành lập CLB bài chòi dân gian, tiếng hô bài chòi không chỉ rộn vang khi tết đến, xuân về mà đã trở thành món ăn tinh thần của người dân. Nghệ thuật truyền thống được khơi dòng đã tìm được chỗ đứng trong đời sống hôm nay”.
Khi thế giới “phẳng” hơn bao giờ hết, không ít bạn trẻ trong ngành du lịch, những người dân Bình Định xa quê, người dân địa phương đã tự hào giới thiệu lịch sử, văn hóa quê hương mình trên mạng xã hội bằng tất cả tình yêu xứ sở. Bên cạnh đó, để khai thác tài nguyên văn hóa, lịch sử của vùng đất Võ, trời Văn nhằm phát triển du lịch, ngành văn hóa, du lịch và các địa phương cũng có nhiều hoạt động, sự kiện.
Nghệ thuật truyền thống ở Bình Định được khơi dòng đã tìm được chỗ đứng trong đời sống hôm nay. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh cho biết: Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tỉnh rất quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích. Từ tháng 11.2022, Sở VH&TT phối hợp với Sở Du lịch, Sở KH&CN, UBND TP Quy Nhơn duy trì biểu diễn các chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao và trải nghiệm khoa học để phục vụ nhân dân và du khách tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành vào tối các ngày cuối tuần, tạo bước đệm để bảo tồn và đưa nghệ thuật tuồng, bài chòi, võ cổ truyền phục vụ du lịch theo định hướng của tỉnh.
Điều này cũng được Giám đốc Sở Du lịch Trần Văn Thanh chia sẻ: “Chúng tôi đang “bắt tay” với ngành văn hóa để xây dựng thương hiệu các sản phẩm du lịch văn hóa mang nét độc đáo, hấp dẫn du khách, như tour tham quan, thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các tháp Chăm, về các làng nghề truyền thống, tham gia các lễ hội dân gian…, hướng đến xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa để bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với khai thác bền vững trong phát triển kinh tế du lịch”.
ĐOAN NGỌC