Một số sự kiện năm Mão tiêu biểu liên quan đến Bình Định
Thập nhị địa chi hay nói nôm na “mười hai con giáp” là một nét đẹp độc đáo trong văn hóa các quốc gia phương Ðông. Qua thời gian, chúng đã trở thành những hình ảnh, biểu tượng gần gũi, thân thiết và đầy triết lý trong tâm thức cũng như trong cuộc sống đời thường. Nhân năm Quý Mão đang đến, xin điểm một số sự kiện năm Mão tiêu biểu liên quan đến Bình Ðịnh.
Theo văn hóa phương Đông nói chung, Trung Quốc nói riêng, thời gian tính theo chu kỳ 12 năm. Mỗi con vật trong 12 con giáp sẽ tương ứng với một năm. Mười hai con giáp có nguồn gốc từ Trung Quốc và lan tỏa ở nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan… Tuy nhiên, tổ tiên ta không máy móc lệ thuộc nên đã biến hóa cho phù hợp, theo đó đã thay con Thỏ trong 12 địa chi của Trung Quốc thành con Mèo (Mão/Mẹo), trong khi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Singapore vẫn giữ nguyên con Thỏ trong 12 địa chi.
Năm 1471 - Tân Mão
Tháng 3 âm lịch năm 1469, niên hiệu Quang Thuận thứ 10, vua Chiêm là Trà Toàn dùng thủy quân đánh thành Hóa Châu (Huế), rồi đến tháng 8 âm lịch năm sau ông dẫn hơn 10 vạn quân, có cả voi và ngựa đánh thành Hóa Châu. Trấn thủ Phạm Văn Hiển chống cự không nổi, phải rút vào thành cố thủ và cấp báo về triều. Tháng 9, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu và thân chinh đi bình Chiêm. Mở đầu chiến dịch, ngày 6 tháng Giêng năm Hồng Đức thứ 2 (1471) đến mùng 1 tháng 3 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), nước Đại Việt mở đất đến núi Thạch Bi.
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Đánh được Chiêm Thành, mở đất đến núi Thạch Bi, chia đất làm ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, đặt phủ Hoài Nhơn, lệ vào Quảng Nam Thừa tuyên, nhưng từ núi Cù Mông về Nam vẫn là người Man, người Lạo ở, chưa có thì giờ để kinh lý đến”. Phủ Hoài Nhơn xưa, tỉnh Bình Định ngày nay ra đời từ tháng 6 năm 1471.
Năm 1615 - Ất Mão
Các nhà truyền giáo dòng Tên chính thức mở đạo ở Đại Việt/Việt Nam. Thừa tuyên Quảng Nam, được coi là nơi mở đầu trang sử khai đạo chính thức ở Việt Nam. Do vậy, các học giả nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ cũng tính thời điểm khởi nguyên công việc sáng tạo chữ mới này - chữ Quốc ngữ ở Việt Nam, mà cụ thể là ở Đàng Trong, ở xứ Quảng vào năm 1615. Tuy nhiên, xét riêng về chữ Quốc ngữ, nhiều học giả cho rằng, thời điểm quan trọng nhất là sau khi lập Cư sở tiên khởi tại cảng thị Nước Mặn (Phước Quang, Tuy Phước ngày nay). Linh mục bề trên Buzomi (Ý) và 2 linh mục trong giáo đoàn ông là linh mục Pina (Bồ Đào Nha) và linh mục Borri (Ý) là những giáo sĩ dòng Tên tiên phong trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ cùng với một số văn nhân người địa phương, thời gian đầu đến Đàng Trong sống, hoạt động truyền giáo, học tập, nghiên cứu, ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin đều ở Nước Mặn. Nước Mặn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, chữ Quốc ngữ “tiền Đắc Lộ”.
Năm 1651 - Tân Mão
Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong muộn (1624). Đến năm 1651, Alexandre de Rhodes cho in 3 tác phẩm chữ Quốc ngữ quan trọng: Từ điển Việt - Bồ - La, Văn phạm Việt ngữ, Phép giảng tám ngày. Trong gần 2 thế kỷ, mãi cho đến lúc xuất hiện 2 cuốn Tự điển Việt - La và Tự điển
La - Việt của Taberd năm 1838, ba tác phẩm nói trên vẫn là công trình duy nhất áp dụng hệ thống chữ viết Quốc ngữ được in. Theo Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm ghi nhận: “Việc sáng chế chữ Quốc ngữ là một công trình tập thể của một số giáo sĩ người Âu, đa số là Bồ Đào Nha, với sự tham gia trực tiếp của một số người Việt dạy tiếng mẹ đẻ cho các giáo sĩ” và Alexandre de Rhodes “chiếm công đầu trong việc hoàn thành và phổ biến lối phiên âm Việt ngữ bằng mẫu tự La Mã, quen gọi là chữ Quốc ngữ”.
Năm Tân Mão 1651 cũng là năm phủ Qui Nhơn đổi thành thành phủ Qui Ninh, dưới thời chúa Hiền - Nguyễn Phúc Tần.
Năm 1771 - Tân Mão
Năm 1771, khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ. Nguyễn Nhạc cùng hai em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ tập hợp dân nghèo khởi nghĩa, lập đồn trại ấp Tây Sơn thượng và Tây Sơn hạ (thuộc phủ Qui Nhơn). Nghĩa quân nêu cao danh nghĩa “Đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ Hoàng Tôn Nguyễn Phúc Dương”. Sách Cương mục chép: “Hào mục bản thổ đua nhau nổi dậy hưởng ứng với Nhạc, thế giặc ngày càng bùng lên”. Sử nhà Nguyễn, chép: “Nhạc nổi lên cướp của người giàu giúp đỡ người nghèo…”. Từ căn cứ Tây Sơn, các đạo nghĩa quân tỏa về giải phóng các làng xã, trừng trị bọn xã trưởng, quan thu thuế, tịch thu các giấy tờ sổ sách đem đốt hết, tuyên bố bãi bỏ mọi thứ thuế. Nghĩa quân tấn công các đồn, giải phóng tù nhân, đi đến đâu đều được nông dân hưởng ứng tham gia, trong đó có nhiều dân tộc miền núi. Theo tài liệu của các giáo sĩ có mặt đương thời ở Đàng Trong, “cùng đi theo (Tây Sơn) có bọn giặc núi từ miền núi ở giữa hạt Qui Nhơn và Phú Yên”, hoặc “lính của họ (Tây Sơn) có bộ phận gồm những người thiểu số”. Thời gian phát triển lực lượng ở vùng Qui Nhơn, anh em Tây Sơn được sự ủng hộ của một nữ chúa Chàm tên là Thị Hỏa…
NGUYỄN THANH QUANG