Thư pháp ngày xuân
Thư pháp chữ Hán - Nôm là bộ môn nghệ thuật của dân tộc ta có từ xa xưa, gắn với mỹ tục xin chữ đầu năm của người Việt. Dựa vào nghệ thuật này, người Việt đã sáng tạo ra môn nghệ thuật thư pháp chữ Quốc ngữ độc đáo với cách thức biểu đạt riêng, dần phổ biến rộng rãi ở mọi tầng lớp trên cả nước.
Ở Bình Định, hiện có nhiều bạn trẻ yêu thích, theo đuổi nghệ thuật thư pháp. Họ trở thành những “ông đồ” trẻ cho chữ ngày xuân, góp thêm nét sinh hoạt văn hóa ngày Tết.
“Ông đồ” Lê Phú Thiện (SN 1984, ở phường Bình Định, TX An Nhơn) được học vẽ từ nhỏ, rồi được học chữ Hán, nên sớm bén duyên với nghệ thuật thư pháp. Anh Thiện đã lập CLB Mỹ thuật và thư pháp Bình Định Tâm Nguyên Đường, truyền cảm hứng, dạy vẽ, viết thư pháp cho nhiều bạn trẻ.
“Ông đồ” Lê Phú Thiện tỉ mẩn thể hiện từng nét chữ tại sự kiện Lễ hội mai vàng An Nhơn diễn ra dịp xuân Quý Mão 2023. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Anh Thiện chia sẻ: “Không chỉ thể hiện được cái hay, cái đẹp trong từng nét chữ “phượng múa, rồng bay”, tôi tin luyện thư pháp còn giúp người viết dưỡng tâm, rèn tính, tìm sự thư giãn trong cuộc sống hiện đại. Mặc dù mỗi người có mỗi phong cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo được các yếu tố nghệ thuật được thể hiện qua từng nét chữ, bố cục, kỹ thuật viết… trên mỗi tác phẩm thư pháp”.
Vài năm trở lại đây, mỗi dịp Tết, cùng với các phong tục cổ truyền khác, nhiều gia đình còn tìm mua những bức thư pháp để treo trong nhà, cầu mong một năm mới bình an, gặp nhiều thuận lợi, may mắn và hạnh phúc. Tại chợ hoa xuân Quy Nhơn, hình ảnh những “ông đồ” cho chữ đã trở nên quen thuộc với người dân, khách du xuân.
“Ông đồ” Bùi Anh Tú cho chữ tại chợ hoa xuân Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
“Ông đồ” Bùi Anh Tú, ở phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn) hiện là giáo viên Trường Tiểu học số 2 Nhơn Hòa, đang cho chữ tại chợ hoa xuân Quý Mão 2023, tâm tình: “Tôi yêu thích và tự luyện viết thư pháp từ hồi còn học cấp ba. Mấy năm trước, tôi thường viết thư pháp tại chùa ở địa phương vào mỗi dịp Tết. Hai năm nay, tôi đến chợ hoa xuân Quy Nhơn để cho chữ, góp thêm sắc xuân cho quê hương Bình Định”.
Vốn yêu thích, học thư pháp từ những năm học Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, nhưng công việc chính là hướng dẫn viên du lịch nên anh Nguyễn Hải Thảo, ở xã Nhơn Hạnh (TX An Nhơn) không có nhiều thời gian để luyện tập. Dịp Tết này, anh Thảo luyện lại nét chữ và đến chợ hoa xuân Quy Nhơn để cho chữ.
“Lâu lắm rồi tôi không viết, nét chữ có thể chưa đẹp lắm, nhưng tôi đến đây cho chữ chủ yếu để tạo niềm vui cho mình, trải nghiệm không khí ngày Tết ở phố biển Quy Nhơn. Mặc trên mình bộ áo dài khăn đóng, viết những lời hay ý đẹp cho mọi người, nhìn nét mặt tươi vui của khách đến xin chữ, nhận những lời khen, tôi thấy vui và hạnh phúc”, anh Thảo tâm tình.
Từ những năm còn học cấp hai, anh Ngô Thiên Thạch (SN 1991, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) vì mê mẩn với những bức thư pháp in trên các tờ lịch treo tường mà đã tự tập luyện. Rồi duyên đến, khi anh Thạch được anh trai giới thiệu theo học một người bạn là “ông đồ” ở TP Hồ Chí Minh. Sau ba năm theo học mỹ thuật, anh Thạch trở về Quy Nhơn mở tiệm tranh, sau đó anh tiếp tục học trung cấp mỹ thuật tại Quy Nhơn. Hiện tại, anh Thạch là hội viên Hội VHNT tỉnh, chủ nhiệm CLB Thư pháp trẻ Bình Định.
Anh Thạch cho biết: “CLB hiện có hơn 10 thành viên là những bạn trẻ yêu thích, đam mê nghệ thuật thư pháp. Đây không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức về nghệ thuật thư pháp giữa các thành viên, nơi những người yêu thích thư pháp tìm đến giao lưu, học hỏi, CLB cũng mong muốn duy trì và phát triển hơn nữa nghệ thuật này để góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, của đất Võ quê mình”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN