Đi chợ Tết
Chợ Tết dĩ nhiên khác với ngày thường khi có nhiều mặt hàng như lá dong xanh, lá chuối, gạo nếp, đỗ xanh, các loại đậu, lạt tre buộc bánh. Sức mua người dân tăng cao nên những hàng thịt, hải sản đầy ắp hàng… Nhưng chợ Tết không chỉ là nơi mua sắm tết. Đó còn là một nét văn hóa gắn với ký ức mà nhiều người muốn tìm về.
Qua 23 tháng chạp, các chợ lớn, nhỏ từ phố tới nông thôn đều đông vui, tấp nập. Chợ Tết bao giờ cũng đem lại cho người ta sự nhộn nhịp, tất bật và tưng bừng của ngày Tết. Nhà tôi gần chợ, các bà, cô ở xóm trước đi chợ mỗi ngày thì nay chỉ còn mỗi tuần đôi lần.
Bà Nguyễn Thị Nhường, 76 tuổi, KV8, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn kể: Chợ nay tấp nập, sôi động hơn mọi ngày. Hàng hóa ngập lấn cả lối đi. Tôi đi chợ vừa để ngắm chợ, xem hàng hóa, ngắm hoa và mua sắm. Từ rằm đến ngày cuối cùng của tháng Chạp, mỗi ngày tôi mua một chút đủ thứ từ củ kiệu, đu đủ, gừng sẻ, miếng dong, măng khô rồi lá dong, nếp, đậu, thịt làm bánh chưng…Tôi cảm nhận không khí tết đến từng ngày.
Quầy bánh tết đủ sắc màu tại chợ lớn mới TP Quy Nhơn. Ảnh: H.Y
Với những người hay đi chợ thì ngày trước Tết, các sạp bánh kẹo trở nên rực rỡ sắc màu bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí…tha hồ lựa chọn. Loại bánh kẹo như đậu phụng, lương khô, socola, bánh mứt bày bán theo ký luôn hút khách. Mọi người thích mua mỗi thứ một ít bày mâm mời khách. Những ngày cận Tết, chợ được mở rộng hơn nhưng có cảm giác vẫn hơi chật, không đủ cho người bán lẫn người mua. Tất cả đều xôn xao, tấp nập người mua kẻ bán, mặt hàng nào cũng hút khách.
Đi chợ tết mua bánh tét, bánh chưng. Ảnh: H.Y
Tại chợ Phú Phong, huyện Tây Sơn, gian hàng đổ bánh thuẫn của chị Nguyễn Thị Hạnh (45 tuổi) tấp nập khách ghé mua. Mỗi chục bánh thuẫn thơm phức của chị Hạnh đổ tại chỗ có giá 35.000 đồng. Trước đây, chị Hạnh đổ bánh ở nhà rồi đem ra chợ bán. Gần tết, sức mua bánh tăng cao, chị đem khuôn, bếp, bột ra đổ tại chỗ. Ấy vậy mà lại hay. Khách đi chợ ngang qua, bị mùi bánh thuẫn xưa thơm ngậy kích thích, cầm lòng không đặng mà ghé vào. Để rồi khi bước ra, ít nhất cũng cầm trên tay chục bánh thơm phức nóng hổi.
Chị Nguyễn Thị Hạnh đổ bánh thuẫn tại chợ Phú Phong, huyện Tây Sơn. Ảnh: H.Y
Không khí đi chợ Tết ở miền quê đơn giản ấy vậy mà nhiều người xa nhà lâu ngày nhớ miên man. Chị Phan Phi, hướng dẫn viên du lịch ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn bộc bạch: Tôi cứ kiếm cớ đi dạo chợ tết không chỉ để mua sắm, mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải chỉ để “có cái ăn”, mà đó là thói quen, phong tục đẹp của người Việt Nam.
Không khí se lạnh mùa Tết làm cho phiên chợ ở vùng cao An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh thêm phần náo nhiệt, thương lái có thể chở cả xe tải quần áo, đồ gia dụng đến bán, bà con rủ nhau đến mua hàng về nhà chuẩn bị vui xuân, đón Tết. Mọi việc mua bán diễn ra rất nhanh, việc trả giá, thỏa thuận giữa người mua, kẻ bán cũng nhanh chóng.
Chợ Canh Vinh, huyện Vân Canh ngày tết đủ các loại trái cây vườn nhà. Ảnh: H.Y
Ông Phạm Xuân Nhanh, 47 tuổi, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ cùng vợ bán quần áo trên xe tải nhỏ. Mỗi ngày, vợ chồng ông lại đến chợ phiên ở vùng cao bày biện bán hàng. Quần áo đủ kiểu dáng, lứa tuổi từ trẻ con tới người già. Ông Nhanh kể: Năm nay, sức mua của người dân gần Tết mới tăng. Người dân ở miền núi không có thói quen sắm sửa đồ tết quá sớm như ở thành thị. Họ chờ bán được con heo, con bò hoặc nhận một khoản nào đó kha khá mới đi mua sắm. Do đó, vợ chồng tôi bán hàng khắp mọi nơi tới 30 tết mới về.
Thời nay, nhiều người đi chợ tết qua mạng. Hàng hóa bày bán trên mạng đa dạng, phong phú và giao hàng tận nơi. Sau dịch bệnh, các tiểu thương bắt kịp xu hướng mở bán trên trang mạng xã hội, giao hàng khắp mọi nơi. Nhưng nhiều người vẫn thích thưởng thức hương vị Tết bằng nhiều thú vui đi chợ. Trong không khí náo nức chuẩn bị cho một cái Tết thật sự đầy đủ về vật chất và tinh thần, có một thú vui mà bất cứ ai, từ già đến trẻ đều rất thích là đi chợ Tết.
HẢI YẾN