Chung sức cho Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền
Mỗi kỳ Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam (LHQTVCTVN) diễn ra trên miền đất võ Bình Định, tỉnh ta lại huy động một lực lượng lớn diễn viên chuyên nghiệp, võ sinh-sinh viên xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc, thể hiện nền văn hóa đa dạng, phong phú của địa phương.
Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc
Với lực lượng biểu diễn chính hàng trăm người cùng cả ngàn diễn viên quần chúng, mỗi kỳ LHQTVCTVN thật sự là “cuộc huy động tổng lực” đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, cộng tác viên văn hóa, võ sinh, sinh viên… trong tỉnh, đóng góp vào sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế của địa phương, diễn ra định kỳ 2 năm 1 lần. Những ngày này, các “êkip” của từng tiết mục đang chạy đua với thời gian để vừa đảm bảo chất lượng nghệ thuật vừa kịp tiến độ, sẵn sàng cho ngày khai hội.
Các nhân vật tuồng như đào chiến, kép võ xuất hiện tại chương trình LHĐP là dẫn chứng sinh động cho mối quan hệ võ trong tuồng.
- Trong ảnh: Đoàn tuồng không chuyên Ánh Dương trong vở tuồng cổ “Tam Hạ Nam Đường”.
Trong số 6 tiết mục (phần hội) đêm khai mạc (1.8), Nhà hát tuồng Đào Tấn tham gia 2 tiết mục. “Hào khí Tây Sơn” (biên đạo: nghệ sĩ Tuyết Minh, âm nhạc: NSƯT Mạnh Tiến) là tiết mục múa tuồng xen lẫn múa đương đại trên nền nhạc tuồng, thể hiện giai đoạn đầu dựng cờ tụ nghĩa của phong trào Tây Sơn. Cấu trúc tiết mục theo thể 2 đoạn, trong đó đoạn 1 - dưới cờ đại nghĩa - dựng lại cảnh đất nước lầm than và những nghĩa binh nông dân áo vải đứng lên theo ngọn cờ đại nghĩa của anh em nhà Tây Sơn; đoạn 2 - diễn tả cuộc hành binh, chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm.
“NSND Minh Ngọc tiếp tục được chọn thể hiện vai người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ cùng 30 diễn viên nam, nữ của Nhà hát đã luyện tập xong tiết mục này, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của biên đạo Tuyết Minh. Bên cạnh đó, tiết mục “Nghệ thuật hát bội và võ cổ truyền Bình Định” với lực lượng biểu diễn hơn 50 người cũng sắp hoàn tất tập luyện, chờ ráp sơ duyệt. Thời gian này, một số diễn viên của Nhà hát chuẩn bị tham gia Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc nên việc tập luyện hết sức khẩn trương”, NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào tấn, cho biết.
Tiết mục “Nghệ thuật hát bội và võ cổ truyền Bình Định” (biên đạo: NSƯT Hoàng Ngọc Đình, âm nhạc: NSƯT Gia Thiện) hứa hẹn sẽ là màn diễn đặc sắc. Lấy ý tưởng từ thủ pháp “ngũ biến” trong tuồng, 50 diễn viên tuồng sẽ lần lượt xuất hiện trên sân khấu, giới thiệu các mô hình nhân vật tuồng khác nhau và các loại binh khí trong tuồng, thể hiện mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa tuồng và võ.
Trong chương trình khai mạc còn có các tiết mục được dàn dựng công phu với sự tham gia biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ ngoài tỉnh. Có thể kể đến như tiết mục “Âm vang hào khí Việt Nam” do Đoàn múa Sắc Việt biểu diễn, tiết mục “Trống trận Tây Sơn và võ cổ truyền” do nghệ nhân biểu diễn trống trận Tây Sơn cùng các võ sinh Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định biểu diễn…
Bả trạo, bài chòi, tuồng không chuyên vào lễ hội đường phố
Điểm nhấn của chương trình nghệ thuật tại LHQTVCTVN lần V này chính là lễ hội đường phố (LHĐP). Theo ông Nguyễn An Pha, đạo diễn thành viên LHĐP, khác với LHĐP mang hình thức diễu hành ở kỳ LHQTVCTVN lần IV (năm 2012), chương trình LHĐP - LHQTVCTVN lần này mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của Bình Định. “Tại các cuộc họp bàn về nội dung chương trình nghệ thuật cho LH, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh đến yêu cầu quảng bá văn hóa truyền thống thông qua LH võ. Và, bản sắc văn hóa truyền thống Bình Định được xác định, ngoài đối tượng tôn vinh chính là võ cổ truyền, đó còn là hát bội, bài chòi, bả trạo- 3 loại hình này đều gắn với võ cổ truyền. Lần đầu tiên, các loại hình văn hóa cổ truyền, trong đó nhấn mạnh vai trò chủ thể văn hóa - do người dân nắm giữ, thực hành biểu diễn di sản - sẽ góp mặt vào sự kiện văn hóa trọng đại của tỉnh”, ông Nguyễn An Pha cho biết.
Cụ thể, tiết mục “Hát múa bả trạo” sẽ do Đội bả trạo Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) biểu diễn. Những ngày qua, hai người phụ trách biên đạo, dàn dựng tiết mục này là Nguyễn An Pha và Phạm Hoàng Việt đã về tận thôn Bình Thái để tập luyện cho đội bả trạo. Ông Hồ Thành Long, tổng sanh của đội bả trạo này, cho hay: “Nguyên chương trình bả trạo dài khoảng 60 phút được bố cục, chắt lọc lại trong 9 phút để đáp ứng chặt chẽ yêu cầu thời lượng của LH, tuy ngắn nhưng đầy đủ ý nghĩa”.
Không gian văn hóa Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định được các nghệ nhân CLB bài chòi cổ dân gian Bình Định giới thiệu tại LHĐP như hình thức cờ người gồm các anh hiệu, chị hiệu, 9 chòi cùng 27 con bài trở nên “di động” bởi được các nghệ nhân “đóng thế”. Trong 8 phút ngắn ngủi, tiết mục này sẽ giới thiệu về nghệ thuật đánh bài chòi ở Bình Định nguyên gốc, cũng như di sản bài chòi đang được tiến hành đề cử trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ở tiết mục “Trình tường và mặt nạ tuồng”, khoảng 30 đào, kép xuất sắc nhất của 7 đoàn tuồng không chuyên tiêu biểu trong tỉnh tham gia biểu diễn. Tiết mục được chia làm 3 lớp: lớp múa cờ - biểu diễn mặt nạ tuồng, lớp luyện kiếm và lớp trình tường. “Đây là tiết mục thể hiện võ trên sân khấu tuồng nhằm chuyển tải ý nghĩa: Bình Định không chỉ là xứ sở của võ cổ truyền mà còn là chiếc nôi của nghệ thuật hát bội. Hai di sản lớn này của Bình Định luôn tồn tại hòa quyện vào nhau và có sức sống mãnh liệt…”, ông Nguyễn An Pha khẳng định.
SAO LY