Hướng tới Ngày Viêm gan thế giới 28.7:
Viêm gan siêu vi B - sát thủ giấu mặt
Viêm gan siêu vi B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi tính chất thầm lặng trong quá trình ủ bệnh và khởi phát, dễ dẫn đến xơ gan và ung thư gan, đe dọa nghiêm trọng tính mạng. Việc điều trị bệnh đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn cần sự hợp tác tích cực từ người bệnh.
Sự lặng thầm nguy hiểm
Mới 30 tuổi, nhưng anh N.T.V., một công chức ở huyện Hoài Nhơn, đã mang trong mình vi-rút viêm gan B hơn 16 năm. Năm học lớp 8, thấy nước da xấu đi nhiều nên đi khám bệnh tại BVĐK khu vực Bồng Sơn, kết quả xét nghiệm máu cho thấy anh V. bị nhiễm vi-rút viêm gan B. Gia đình không tin vào sự thật “khủng khiếp” này, nên đưa con lên một phòng khám tư để làm xét nghiệm lại. Kết quả “không có gì”, cộng với tâm lý chủ quan, cùng điều kiện gia đình khó khăn khiến anh không quan tâm gì đến “con vi-rút” đó nữa.
Suốt thời gian học cấp 3 và đại học, anh V. sống chung với chứng mệt mỏi và mất ngủ kéo dài, thỉnh thoảng lại chóng mặt. “Cứ nghĩ do mình học hành, ăn uống không điều độ nên mới ra thế, không ngờ đó là giai đoạn bệnh khởi phát”, anh V. nhớ lại.
Tốt nghiệp đại học, rồi đi làm, anh V. mới nghĩ đến chuyện tiêm ngừa vắc-xin viêm gan B. Nhưng, kết quả xét nghiệm trước khi tiêm cho thấy anh đã mang trong mình căn bệnh này. Kết quả định lượng sau đó tại BVĐK tỉnh còn “sốc” hơn, khi lượng vi-rút đã lên đến 8.108 copies/ml (ngưỡng phát hiện chỉ là 3.102 copies/ml), lại còn kháng Lamivudin - loại thuốc điều trị phổ biến lúc bấy giờ. Đầu năm 2009, anh bắt đầu hành trình điều trị viêm gan B tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hằng tháng, anh phải bắt xe vào TP Hồ Chí Minh để khám, mua thuốc uống. Ròng rã gần 2 năm trời, có lúc lượng vi-rút chỉ còn 5.102 copies/ml, gần với ngưỡng an toàn. Thế nhưng, sau một cuộc nhậu “tới bến” với bạn bè thời đại học, chỉ số định lượng lại lên vùn vụt, quay về mốc ngưỡng ban đầu.
Sau thời gian ngưng uống thuốc do “ngán ngẩm” với hành trình dằng dặc, anh V. đã điều trị lại tại khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh. Theo Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Nguyễn Thị Thu Oanh, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp không biết mình đã nhiễm vi-rút viêm gan B trong thời gian dài.
Ngày 16.7, chị N.T.M.L. (28 tuổi, ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) được đưa vào khoa Truyền nhiễm trong tình trạng mệt mỏi, chán ăn, đau tức hạ sườn phải kéo dài. Lượng vi-rút siêu vi B lên đến 2,22.108 copies/ml. Đáng chú ý, chị L. đã mang thai 6 tháng. “Chúng tôi vừa điều trị triệu chứng để qua đợt viêm gan cấp, vừa kết hợp điều trị dự phòng để bệnh không lây cho đứa bé”, bác sĩ Oanh cho biết.
Khoa Truyền nhiễm hiện đang điều trị cho 9 ca viêm gan. Bên cạnh viêm gan mạn, có nhiều ca viêm gan cấp nguy kịch. Như bệnh nhân H.T.L. (18 tuổi, ở thị xã An Nhơn), chỉ số men gan GPT ngày 16.7 lên đến 4.350 (ngưỡng trung bình là 40). Sau khi điều trị tích cực, đến ngày 21.7 chỉ số này còn 870.
Thuốc không là tất cả!
“Trước khi triển khai điều trị viêm gan B mạn bằng Tenofovir, BVĐK tỉnh đã có hệ thống xét nghiệm định lượng vi-rút. Từ năm 2015, chúng tôi sẽ triển khai dùng loại thuốc tiêm cho bệnh nhân kháng với thuốc uống và điều trị viêm gan C mạn”.
Bác sĩ NGUYỄN THỊ THU OANH, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh
Trong 5 loại vi-rút viêm gan đã được phát hiện (A, B, C, D, E), viêm gan B có tần suất mắc cao nhất. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới hiện có khoảng 2 tỉ người nhiễm vi-rút viêm gan B, trong đó có 360-400 triệu ca mạn tính; mỗi năm có khoảng 2 triệu người nhiễm vi-rút viêm gan B mạn tử vong do xơ gan và ung thư nguyên phát. Việt Nam nằm trong khu vực có tỉ lệ nhiễm vi-rút viêm gan B rất cao, khoảng 15-20% dân số. Năm 2013, BVĐK tỉnh tiếp nhận và điều trị 434 bệnh nhân viêm gan, tăng 83 ca so với năm 2012. Đến 6 tháng đầu năm 2014, con số này đã là 270. Chiếm phần lớn trong số này là bệnh nhân viêm gan B.
Theo bác sĩ Oanh, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều loại thuốc kháng vi-rút được sử dụng trong điều trị viêm gan B mạn tính. Tuy nhiên, Tenofovir được xem là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay vì có hoạt tính mạnh với cả các chủng vi-rút kháng những thuốc điều trị thế hệ trước như Lamivudin và Entecavir.
Tenofovir bắt đầu được sử dụng điều trị cho bệnh nhân viêm gan B mạn tại BVĐK tỉnh từ cuối năm 2010. Theo một khảo sát của khoa Truyền nhiễm, từ tháng 1.2012 đến tháng 6.2014, 90/97 bệnh nhân điều trị với Tenofovir tại khoa có kết quả định lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện. Chỉ có 2 bệnh nhân ghi nhận biểu hiện đau đầu, buồn nôn; 3 bệnh nhân có đau bụng, tiêu chảy trong 3 tháng đầu điều trị. Sau 12 tháng chỉ có 1 bệnh nhân còn tiêu chảy, cả 97 bệnh nhân đều có chức năng thận bình thường.
“Dù kết quả điều trị bằng Tenofovir là khả quan, nhưng bệnh nhân không được chủ quan. Việc điều trị viêm gan B thường kéo dài, chỉ 20-30% khỏi hẳn. Quan trọng là phải duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, ngủ nghỉ hợp lý, ăn uống đủ chất, hạn chế bia rượu. Cần tiêm vắc-xin để chủng ngừa, đồng thời tránh 3 con đường lây truyền là đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và mẹ lây sang con”, bác sĩ Oanh lưu ý.
NGUYỄN VĂN TRANG