Ghi chép dọc vùng phên dậu phía Đông
Trong hành trình thăm, chúc tết tại các huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Lý Sơn (Quảng Ngãi) do Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tổ chức mới đây, chúng tôi cảm nhận được tình cảm gắn bó của người dân ở những nơi đầu sóng ngọn gió, góp phần giữ gìn phần máu thịt trên biển của tổ quốc.
1.
Thời tiết năm nay đỏng đảnh đến lạ, sang tháng Chạp vẫn cứ mưa, lạnh như thử thách sức chịu đựng của con người. Với cánh phóng viên và những người ít trải nghiệm trên biển, những cơn gió cấp 6 - cấp 7 quả là không hề dễ chịu. Hầu hết anh chị em đều vật vạ chỉ sau nửa giờ tàu khởi hành. Đến giờ cơm, chả ai nuốt nổi, thực tế cũng chẳng dám ăn gì vì sợ… thức ăn không xuống được đến dạ dày. Nhưng cũng vì vậy mà chúng tôi mới thấy được sự tận tâm của các chiến sĩ phục vụ trên tàu, chốc chốc họ lại gõ cửa vào thăm hỏi tình hình, hướng dẫn cách chống say sóng và còn đem cháo đến tận giường. Tôi may mắn được anh em giúi cho bì cơm cháy, nhưng phải đến nửa đêm mới “đủ sức” nhai vài miếng chống đói.
Sóng gió khiến con tàu luôn chao qua đảo lại, nhưng các anh nuôi vẫn cho ra lò những suất ăn vừa miệng với mọi người. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Tàu liên tục chao đảo khiến đồ đạc trong phòng cũng “nghiêng theo từng con sóng”, tự do di chuyển không khác cảnh trong các bộ phim …kinh dị. Vậy nhưng với các anh nuôi, những cơn sóng chẳng thể làm khó họ trong việc chuẩn bị bữa ăn cho mọi người trên tàu. Họ chia nhau mỗi người mỗi việc, vừa chế biến thực phẩm, vừa xào nấu… “uyển chuyển” như những vũ công, nhịp bước theo từng cơn sóng, đảm bảo 3 bữa chính cùng suất cháo khuya nóng hổi cho hơn trăm rưỡi người một cách nhẹ nhàng.
Coi TV trên tàu cũng là một thử thách, khi phải đối mặt với dấu hiệu say sóng và tình trạng những chiếc ghế có thể “tự động di chuyển”. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Căn phòng chúng tôi nằm ở gần mũi tàu, lại ở tầng thấp nên cảm nhận được độ chao khá rõ. Nhiều lần sóng táp lên ô kính cửa sổ hình tròn khiến tôi không tránh khỏi cảm giác bất an. Sóng biển nhiều, ngược lại, sóng wifi thì chập chờn, phần lớn tắt lịm nhiều giờ liền, rất may vẫn còn những chiếc TV ở các phòng ăn để giải trí. Nhưng cũng đâu dễ dàng gì, hăm hở lên xem trận bán kết AFF Cup 2022 giữa Việt Nam và Indonesia, anh bạn cùng phòng tôi chỉ trụ được 15 phút rồi về phòng nghỉ vì say sóng. Lúc đó, mọi người mới nhớ đến lời dặn của các chiến sĩ là không nên nhìn lâu vào một vị trí cố định. Say sóng, uể oải vì chưa quen với cuộc sống trên tàu, nhưng khi nghe thông báo chuẩn bị lên đảo, mọi mệt mỏi dường như tan biến, thay vào đó là sự háo hức, nhất là với những người lần đầu được đến với Cồn Cỏ, Lý Sơn như tôi…
2.
Sau một đêm di chuyển từ Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), con tàu đưa chúng tôi đến đảo Cồn Cỏ. Huyện đảo có tổng diện tích chỉ chừng 230 ha, nhưng nằm ở vị trí cực kỳ quan trọng phía Nam Vịnh Bắc bộ. Các tuyến đường trên đảo khá vắng, đến nỗi những chú chó thư thả ngon giấc ngay giữa ngã ba đường mà chẳng cần lưu tâm đến những gì xung quanh. Nơi có không khí rộn ràng nhất có lẽ là ở Trường mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba. Ngôi trường khang trang, sạch đẹp được xây dựng từ năm 2015, nhưng đến nay chỉ có đúng một lớp dành cho trẻ mầm non. Số lượng trẻ ít, nên lớp tập trung các bé từ 2 - 5 tuổi. Đón tiếp chúng tôi là cô giáo trẻ Võ Thị Vân Oanh, người đã có 5 năm gắn bó với công việc nuôi dạy trẻ, nhưng thời gian sống và làm việc trên đảo Cồn Cỏ mới chỉ hơn 3 tháng. “Chồng tôi công tác ở Trạm ra đa 540 trên đảo này, nên sau khi sinh con đầu lòng, tôi xin ra đảo công tác. Trẻ ở đây thiếu thốn nhiều mặt so với trên đất liền, vì vậy, chúng tôi cố gắng tìm mọi cách để các em có nhận thức tốt hơn về môi trường xung quanh” - cô giáo năm nay mới 26 tuổi chia sẻ. Đây cũng là lần đầu tiên Vân Oanh đón Tết trên đảo, và cô cũng đang háo hức chờ đón mùa xuân mới với nhiều điều mới mẻ.
Cô giáo trẻ Vân Oanh cùng các bé ở Trường mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Từ năm 2018, nhà nước đã đầu tư xây dựng trạm phát điện bằng diesel, tiếp đó, hệ thống điện mặt trời với công suất 20 kWp cũng được thi công, hoàn thành và đi vào vận hành từ giữa năm 2019. Sau nhiều lần nâng cấp, tăng cường đầu tư, đến nay, nguồn điện đã đảm bảo phát liên tục 24/24, phục vụ nhu cầu kinh doanh, sinh hoạt của các đơn vị, hộ gia đình trên đảo.
Các công trình đang được xây dựng tại huyện đảo Cồn Cỏ nhằm thúc đẩy du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Từng là một trong những thanh niên xung phong ra Cồn Cỏ từ hàng chục năm trước, bà Trần Thị Quyệt (ở khu dân cư Thanh Niên) đã chứng kiến được sự đổi thay từng ngày của mảnh đất này. Nhớ lại những tháng ngày khó khăn đó, bà chia sẻ: “Khi đó các con đường trên đảo đều là đường đất, điện chưa có, thiếu thốn trăm bề. Nhưng được chính quyền cùng lực lượng quân đội quan tâm, hỗ trợ, nhiều người đã quen dần và tạo lập được cuộc sống ổn định. Đến nay, điện, đường, trường, trạm đều đầy đủ, hàng năm đảo đón rất nhiều đoàn ra thăm, động viên nên bà con cũng thấy ấm áp. Dịp Tết, các gia đình trên đảo cũng tổ chức tất niên, sáng mùng 1 đi chúc tết hàng xóm và các đơn vị bộ đội”.
Cột cờ trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Người dân trên đảo Cồn Cỏ chủ yếu làm nông và đánh bắt gần bờ, vài năm gần đây, với chủ trương đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, đã có một vài hộ tiên phong sửa sang nhà cửa, mua sắm phương tiện để kinh doanh dịch vụ homestay. Lượng khách đến với đảo Cồn Cỏ trong năm qua chỉ chừng hơn 8.000 lượt, chưa nhiều như kỳ vọng. Nhưng với quyết tâm xây dựng đảo ngày một giàu đẹp, huyện Cồn Cỏ đang triển khai đầu tư các công trình đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá của du khách.
3.
Đến với đảo Lý Sơn, đoàn chúng tôi được dâng hương lên Đài liệt sĩ Lý Sơn và Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải. Trước Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải, với tâm trạng xúc động xen lẫn tự hào, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí giới thiệu với cả đoàn về Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải rành rọt chẳng khác nào một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Nghe câu chuyện về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân duy trì hàng trăm năm nay mới thấy được ý thức giữ gìn phần máu thịt của tổ quốc từ lâu đã được ông cha ta coi như một nghĩa vụ thiêng liêng.
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí (thứ 3 từ phải sang) giới thiệu về Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí (bên phải) tặng Đại tá Nguyễn Quốc Quảng, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân bức tranh toàn cảnh huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: HOÀNG QUÂN
60% hộ dân tại Lý Sơn hiện sống bằng nghề nông (chủ yếu là trồng tỏi, hành) và đánh bắt hải sản. Theo Đại tá Nguyễn Quốc Quảng, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, trong thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Vùng 3 Hải quân sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động giao lưu, hỗ trợ đối với ngư dân, kết nối với các địa phương nhằm góp phần củng cố an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải - biểu tượng của ý thức giữ gìn chủ quyền dân tộc của cha ông. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Diện mạo của Lý Sơn trong những năm tới được dự báo có sự thay đổi lớn, khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo. Trên thực tế, du lịch, dịch vụ tại đây đang có những bước phát triển nhanh, với hơn 1.000 phòng lưu trú, có thể đón 3.000 - 4.000 lượt khách mỗi ngày. Đó là nhờ sự đầu tư lớn về hệ thống giao thông, điện lưới quốc gia và nhiều công trình lớn khác. Tuy nhiên, với Nghị quyết 26-NQ/TW, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Trí kỳ vọng sẽ tạo sức bật mới cho kinh tế của đảo Lý Sơn trong những năm sắp tới - một đảo tiền tiêu giàu đẹp thiêng liêng...
HOÀNG QUÂN