Bệnh Alzheimer - một vài điều cần biết
Alzheimer là bệnh thoái hóa teo não nguyên phát, với đặc trưng là sự giảm sút đáng kể các neuron, teo lan tỏa vỏ não, đặc biệt ở vùng thái dương, hồi hải mã, thùy viền, vùng Sylvius và giãn rộng não thất. Biểu hiện lâm sàng là mất trí nhớ tiến triển không hồi phục, khởi đầu là rối loạn trí nhớ, các rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hoạt động, sau cùng là sa sút trí tuệ. Tại Khoa Nội trung cao (BVĐK tỉnh), 80 trong số khoảng 900 bệnh nhân nhập viện năm 2013 có triệu chứng của bệnh Alzheimer, tăng cao so với các năm trước.
Bệnh thường gặp sau tuổi 65. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người có người thân mắc bệnh thì sẽ có nguy cơ cao hơn. Có mối liên hệ chặt giữa chấn thương đầu nặng với tỉ lệ mắc bệnh Alzheimer trong tương lai. Các bệnh lý về trầm cảm, đột quỵ não, tim, đái tháo đường, tăng cholesterol máu góp phần làm tăng tình trạng sa sút trí tuệ nhanh hơn.
Có nhiều dấu hiệu nhận biết bệnh Alzheimer, như giảm trí nhớ (quên tên, quên người quen, quên công việc); khó tập trung vào công việc; không hoàn tất việc nhà, không tập trung khi đọc báo nghe đài, quên địa chỉ người thân; lầm lẫn thời gian; mắt kém; khó khăn khi nói chuyện, nói hay bị ngưng; đồ vật để trong nhà lộn xộn không theo thứ tự; ít chú ý ăn mặc, xử lý công việc hay bị sai; mệt mỏi với công việc, tránh các hoạt động giao tiếp; buồn giận, thay đổi hành vi, hay lo âu, buồn, cáu gắt; suy giảm nhận thức về ngôn ngữ (giảm vốn từ vựng, giảm sự lưu loát, giảm nói và viết).
Giai đoạn đầu của Alzheimer chỉ là rối loạn nhận thức, sau nặng dần không tự chủ được, phải có người phục vụ. Người bệnh nằm tại chỗ và thường chết do các tác nhân bên ngoài như nhiễm trùng, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu…
Những người thường xuyên hoạt động trí tuệ như đọc sách, chơi cầu lông, hoặc tham gia các công tác xã hội thì giảm nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, cần hạn chế các yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, tăng cholesterol, đái tháo đường, hút thuốc lá), chế độ ăn nhiều rau quả, cá, hạn chế thịt cũng góp phần giảm tiến triển bệnh. Khi bị bệnh thì quản lý chăm sóc tại nhà thật chặt chẽ. Bệnh nhân không có khả năng ăn uống nên cho thức ăn lỏng nhuyễn, đôi khi phải dùng ống thông dạ dày. Về sau, bệnh nhân có thể bị lở loét, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng nên săn sóc vết loét, nhiễm trùng hô hấp, tiết niệu là vô cùng quan trọng.
BS TRẦN VĂN TRUNG