Tây Sơn bất ngờ đón nhiều du khách
Từ giáp Tết đến sáng mùng Một, huyện Tây Sơn bất ngờ đón lượng khách rất lớn, đây thật sự là tín hiệu phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Từ giáp Tết đến sáng mùng Một, Bảo tàng Quang Trung nhộn nhịp du khách đến tham quan. Ảnh: VĂN PHONG
Trên địa bàn huyện, hiện có 20 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có hai di tích cấp quốc gia đặc biệt và 7 danh thắng liên quan đến triều đại nhà Tây Sơn, nhưng chỉ riêng Bảo tàng Quang Trung, mỗi ngày đã đón hơn 1.000 lượt khách.
Biểu diễn nhạc võ tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: VĂN PHONG
Năm nay, tại Bảo tàng Quang Trung diễn ra rất nhiều hoạt động mừng xuân, thu hút du khách như: Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung, múa Lân Sư Rồng, biểu diễn nghệ thuật tuồng và bài chòi tại Quảng trường trước Bảo tàng Quang Trung.
Du khách nghe hướng dẫn viên của tại Bảo tàng Quang Trung thuyết minh về khởi nghĩa Tây Sơn. Ảnh: VĂN PHONG
Chị Nguyễn Thị Hiền, du khách đến từ huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, kể: Gần 10 năm nay, cứ đến tết Nguyên đán là chị cùng người thân lại hành hương về miền đất võ Tây Sơn. Cả nhà chị vốn có niềm thành kính thiêng liêng với người anh hùng áo vải, sau nhiều năm nhận được nhiều may mắn trong cuộc sống, ai cũng thêm tin gốc rễ của điều này bắt đầu từ những cuộc hành hương nên không chỉ trong gia đình mà mọi người còn rủ thêm bè bạn, đồng nghiệp cùng đi.
Tương tự, chị Trần Thị Ngọc Phương, du khách đến từ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng chọn Tây Sơn là điểm du xuân ngay trong sáng mùng Một tết vì không chỉ được tận mắt chứng kiến nhiều nghi thức được tổ chức tôn nghiêm, cả khu vực rộng lớn cờ lọng, nghi trượng rợp trời, chiêng trống rền vang... người dự lễ như hòa mình vào hồn thiêng sông núi địa linh nhân kiệt mà còn trong tâm thức thấy mình như được tiếp thêm năng lượng tốt lành.
Ngay trong sáng mùng Một Tết khu du lịch Hầm Hô đã đón rất nhiều du khách. Ảnh: VĂN PHONG
Ngoài tham quan Bảo tàng Quang Trung, các điểm di tích lịch sử khác và các danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Tây Sơn cũng nhộn nhịp, thu hút hàng ngàn du khách trong dịp Tết này, đặc biệt là khu du lịch sinh thái Hầm Hô (xã Tây Phú), đền thờ nữ đô đốc Bùi Thị Xuân và đặc biệt là điểm đến mới - Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng.
Một góc khu du lịch Hầm Hô. Ảnh: VĂN PHONG
Không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh đẹp mắt, con người hiền hòa mà còn có rất nhiều đặc sản hấp dẫn đủ sức mê hoặc du khách. Mỗi địa phương của huyện Tây Sơn lại có một hoặc nhiều món ăn đặc trưng, như: Dé bò, bột mì nhứt - cá rô đồng, chim mía, rượu đậu xanh… mâm cơm ngon mang đậm nét văn hóa truyền thống, phong tục của người dân giờ đây đã gần gũi hơn với du khách, được sự đón nhận, yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Bùi Văn Mỹ thông tin: Năm 2023, Tây Sơn đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch mới thu hút giới trẻ năng động, trong đó có du lịch trải nghiệm, cộng đồng. Huyện sẽ tăng cường quảng bá, kết nối, hợp tác phát triển du lịch với các thị trường mới trong và ngoài tỉnh; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tận dụng hiệu quả mạng xã hội, hỗ trợ DN du lịch cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công cuộc chuyển đổi số; tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để kết nối các điểm di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt với các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn và phát triển đa dạng các sản phẩm lưu niệm để khi du khách đến tham quan, du lịch sẽ có những món quà kỷ niệm và luôn luôn nhớ về nơi địa linh nhân kiệt này.
VĂN PHONG