Ngày đầu năm mới ở làng Hà Văn Trên: Tươi vui, đậm đà sắc màu truyền thống
Làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) gìn giữ tốt bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Bana. Điểm nhấn trong ý thức bảo tồn những giá trị tốt đẹp thể hiện trong ngày đầu năm mới, tạo thêm không khí tươi vui, đoàn kết vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Lần đầu tiên có mặt ở làng Hà Văn Trên vào chiều mùng 1 Tết, chúng tôi tận hưởng không khí rộn ràng đầu Xuân mang nét đặc trưng, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của người Bana.
Đoàn diễn tấu cồng chiêng, múa xoang đi đến chúc Tết từng nhà trong làng Hà Văn Trên. Ảnh: H.THU
Bắt đầu từ 13 giờ, đội hình diễn tấu cồng chiêng, múa xoang của làng (hầu hết là các bạn trẻ) tập trung tại nhà rông để chuẩn bị đi chúc Tết. Hà Văn Trên là địa phương điển hình về bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong tỉnh, thể hiện rõ trên những bộ trang phục thổ cẩm mới, đa màu sắc được nam thanh nữ tú mặc với niềm tự hào, rạng rỡ ngày xuân.
Điều đặc biệt, theo phong tục, nhiều người còn bôi lọ trên mặt. Ngày Tết, lẽ thường các thiếu nữ đều muốn trang điểm thật đẹp đi chơi Xuân và chụp hình; nhưng các bạn nữ làng Hà Văn Trên vẫn vui vẻ “làm xấu mặt”, tô điểm thêm cho vẻ đẹp về ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của lớp trẻ hôm nay.
Nhiều bạn trẻ vui vẻ “làm xấu mặt” trong dịp đầu năm mới. Ảnh: H.THU
Theo phong tục, đội hình diễn tấu cồng chiêng, múa xoang hòa thành một khối đem không khí tươi vui đi đến từng nhà. Lần lượt cứ như vậy cho đến hết hơn 100 hộ trong làng, nên đến tận 17 giờ mới xong. Khi đoàn chúc Tết đến, từng chủ nhà đem bánh, mứt ra mời ăn; đồng thời theo phong tục là mỗi nhà tặng 1 quả trứng gà cho đoàn đem đi.
Một chủ nhà đem bánh kẹo mứt ra mời đoàn đem đến niềm vui cho nhà mình ngày Tết. Ảnh: H.THU
Nhiệt tình tham gia múa xoang cùng các em, cháu, chị Đinh Thị Xuân Bông (43 tuổi) chia sẻ: “Là con dân trong làng, năm nào chị em chúng tôi cũng tham gia hết mình trong ngày đầu năm mới, bởi đây là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và gìn giữ. Theo phong tục, sau khi đoàn chúc Tết xong với ý nghĩa cầu mong năm mới mạnh khỏe, tươi vui, làm ăn ấm no, phát đạt… thì từng nhà sẽ làm một con gà cúng. Bên cạnh đó, số trứng gà được cho sẽ đem luộc, chia cho mọi người cùng ăn tại nhà rông trong men rượu cần nồng nàn tình nghĩa ngày xuân…”.
Cụ già trong làng cùng hòa chung niềm vui con cháu tiếp nối giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Ảnh: H.THU
Cùng chung vui tại nhà rông làng Hà Văn Trên. Ảnh: H.THU
Lần đầu tiên đến xem diễn tấu cồng chiêng, múa xoang ở làng Hà Văn Trên trong dịp đầu năm mới, chị Trần Thị Mai (33 tuổi, người Chăm H’roi, ở làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) cảm thấy rất hứng thú.
“Rất tiếc là mình đến hơi muộn, nhưng được xem như thế này cũng đủ vui rồi. Khi mới đến, có những người quen mà mặt bôi lọ nên mình không nhận ra, rất vui vẻ. Người Chăm H’roi của mình không có phong tục này. Điều đặc biệt mà mình quan tâm đó là sự đoàn kết của mọi người, một nét văn hóa tạo gắn kết tình yêu thương, tình nghĩa làng xóm!”, chị Mai nhìn nhận.
HOÀI THU