Tết tươi vui, đậm sắc màu truyền thống
Trong những ngày tết Quý Mão, không khí tươi vui, mang tính cộng đồng cao, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống là điểm chung của nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đi đến và trải nghiệm, khách phương xa biết thêm được nhiều điều hay.
Ngày đầu năm cùng “làm xấu mặt”
Làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) gìn giữ tốt bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Bana. Điểm nhấn trong ý thức bảo tồn những giá trị tốt đẹp thể hiện trong ngày đầu năm mới, tạo thêm không khí tươi vui, đoàn kết vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Lần đầu tiên có mặt ở làng Hà Văn Trên vào chiều mùng 1 Tết, chúng tôi tận hưởng không khí rộn ràng đầu Xuân mang nét đặc trưng, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của người Bana.
Đoàn diễn tấu cồng chiêng, múa xoang đi chúc Tết từng nhà trong làng Hà Văn Trên. Ảnh: H.THU
Bắt đầu từ 13 giờ, đội hình diễn tấu cồng chiêng, múa xoang của làng (hầu hết là các bạn trẻ) tập trung tại nhà rông để chuẩn bị đi chúc Tết. Hà Văn Trên là địa phương điển hình về bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong tỉnh, thể hiện rõ trên những bộ trang phục thổ cẩm mới, đa màu sắc được nam thanh nữ tú mặc với niềm tự hào, rạng rỡ ngày xuân.
Điều đặc biệt, theo phong tục, nhiều người còn bôi lọ trên mặt. Ngày Tết, lẽ thường các thiếu nữ đều muốn trang điểm thật đẹp đi chơi Xuân và chụp hình; nhưng các bạn nữ làng Hà Văn Trên vẫn vui vẻ “làm xấu mặt”, tô điểm thêm cho vẻ đẹp về ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của lớp trẻ hôm nay.
Theo phong tục, đội hình diễn tấu cồng chiêng, múa xoang hòa thành một khối đem không khí tươi vui đi đến từng nhà. Lần lượt cứ như vậy cho đến hết hơn 100 hộ trong làng, nên đến tận 17 giờ mới xong. Khi đoàn chúc Tết đến, từng chủ nhà đem bánh, mứt ra mời; đồng thời theo phong tục là mỗi nhà tặng 1 quả trứng gà cho đoàn đem đi.
Nhiệt tình tham gia múa xoang cùng các em, cháu, chị Đinh Thị Xuân Bông (43 tuổi) chia sẻ: “Là con dân trong làng, năm nào chị em chúng tôi cũng tham gia hết mình trong ngày đầu năm mới, bởi đây là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và gìn giữ. Theo phong tục, sau khi đoàn chúc Tết xong với ý nghĩa cầu mong năm mới mạnh khỏe, tươi vui, làm ăn ấm no, phát đạt… thì từng nhà sẽ làm một con gà cúng. Bên cạnh đó, số trứng gà được cho sẽ đem luộc, chia cho mọi người cùng ăn tại nhà rông trong men rượu cần nồng nàn tình nghĩa ngày xuân…”.
Lần đầu tiên đến xem diễn tấu cồng chiêng, múa xoang ở làng Hà Văn Trên dịp đầu năm mới, chị Trần Thị Mai (33 tuổi, người Chăm H’roi, ở làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) cảm thấy rất hứng thú.
“Rất tiếc là mình đến hơi muộn, nhưng được xem như thế này cũng đủ vui rồi. Khi mới đến, có những người quen mà mặt bôi lọ nên mình không nhận ra, rất vui vẻ. Người Chăm H’roi của mình không có phong tục này. Điều đặc biệt mà mình quan tâm đó là sự đoàn kết của mọi người, một nét văn hóa tạo gắn kết tình yêu thương, tình nghĩa làng xóm!”, chị Mai nhìn nhận.
Niềm vui rộn vang núi rừng
Năm vừa qua, đồng bào Bana ở thôn Tà Lét (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) lao động sản xuất thuận lợi, nên không khí đón năm mới thêm phần tươi vui. Tính cộng đồng trong văn hóa truyền thống tiếp tục được gìn giữ, phát huy trong 3 ngày tết Quý Mão. Chiều tối mùng 1, người dân tập trung tại nhà văn hóa thôn, mỗi hộ góp 1 ghè rượu cần, cùng các loại đồ ăn mà trong nhà có để “góp mồi” cho cuộc vui đầu năm, cùng hòa điệu múa xoang, tiếng cồng chiêng rộn rã.
Đến ngày mùng 2, thôn tổ chức đoàn mặc trang phục thổ cẩm truyền thống, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang đi đến chúc Tết từng nhà trong thôn. “Không chỉ đi đến múa, diễn tấu cồng chiêng bên ngoài mà chúng tôi còn vào bên trong nhà, thăm hỏi, chúc mừng năm mới với những điều tốt đẹp đến với gia đình. Do đó, thôn chỉ có hơn 40 hộ dân mà đoàn đi chúc Tết cả ngày mùng 2 mới xong; nhưng ai cũng đều hăng hái, nhất là ĐVTN vì được chung tay tiếp nối bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, chị Đinh Thị Ánh, Bí thư Chi đoàn thôn Tà Lét, chia sẻ.
Khi đoàn đi đến các nhà chúc Tết, có một thành viên mang theo gùi để đựng các đồ ăn tùy ý mà gia chủ cho, đến chiều tối mùng 3 sẽ đem đến nhà văn hóa cho mọi người cùng thưởng thức. Đồng thời, mỗi nhà cũng tiếp tục góp một ghè rượu cần để cuộc vui kéo dài đến tận khuya kết thúc 3 ngày Tết…
Tại xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão), không khí vui tết Quý Mão cũng sôi động ở cả 3 thôn. Tại vùng xa nhất của xã là thôn 1, cả thôn cùng chung vui trong 3 ngày Tết. Trong đó, ngày mùng 1 và mùng 2, người dân cả thôn tập trung ở nhà rông để cùng thưởng thức rượu cần (mỗi hộ góp một ghè, cùng đồ ăn), diễn tấu cồng chiêng, múa xoang. Đến ngày mùng 3 mới tổ chức đoàn mặc trang phục truyền thống, đội hình cồng chiêng, múa xoang đi chúc Tết qua từng nhà trong làng. Khi đoàn đến trước mỗi nhà trong thôn thì cử một thành viên vào nhà nhận một đòn bánh tét do nhà đó tự nấu tặng, ngoài ra nếu có thì cho thêm những đồ ăn khác như đọt mây, đồ khô… để sau khi đoàn đi chúc Tết xong thì đem về nhà rông cùng thưởng thức.
“3 ngày Tết vừa qua ở trong thôn chúng tôi rất vui. Mọi người cùng phấn khởi động viên nhau năm mới cố gắng làm lụng chăm chỉ, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Thôn 1 nằm trong định hướng phát triển du lịch cộng đồng của huyện, tỉnh, nên hy vọng năm Quý Mão sẽ đón được nhiều du khách đến khám phá cảnh đẹp núi rừng và bản sắc văn hóa truyền thống của người Bana chúng tôi”, chị Phạm Thị Kênh, người dân thôn 1 đang mở homestay phục vụ khách du lịch, chia sẻ.
HOÀI THU