Nhật Bản bổ sung danh sách trừng phạt liên quan đến Nga
Nhật Bản hôm nay (27.1) quyết định bổ sung 36 cá nhân và 52 tổ chức có liên hệ với Nga vào danh sách trừng phạt liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.
Theo đó, các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và cấm xuất khẩu nhắm vào các chính trị gia, sĩ quan quân đội, doanh nhân, công ty và một số đối tượng khác của Nga.
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nga. Ảnh: Kyodo.
Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine gần một năm trước, quan hệ Nhật – Nga đã xấu đi nhanh chóng và rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Nhật Bản cùng với Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, bao gồm cả việc đóng băng tài sản đối với Tổng thống Vladimir Putin và ngân hàng trung ương quốc gia Nga.
Đáp trả lại, Nga cũng đã có các biện pháp cứng rắn khi xếp Nhật Bản vào nhóm các quốc gia “không thân thiện” đồng thời tuyên bố ngừng đàm phán Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, bao gồm đàm phán về giải quyết tranh chấp quần đảo Nam Kuril mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Mới đây, sau khi Nhật Bản công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới và lộ trình tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, Nga đã cáo buộc Nhật Bản từ bỏ chính sách hòa bình kéo dài hàng chục năm và thực hiện “quân sự hóa nhanh chóng”, động thái này chắc chắn sẽ gây ra những thách thức an ninh./.
(Theo Hoàng Nguyễn/VOV-Tokyo)
Lào là quốc gia ASEAN đầu tiên đạt chứng nhận đào tạo hộ sinh quốc tế
Lào đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được Liên đoàn Hộ sinh Quốc tế (ICM) công nhận về giáo dục hộ sinh theo Chương trình Chứng nhận giáo dục hộ sinh (MEAP).
Truyền thông Lào đưa tin Chương trình Giáo dục hộ sinh của ICM dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất về đào tạo và kiểm định ngành hộ sinh, với mục đích là đánh giá các chương trình đào tạo hộ sinh trước khi gia nhập theo các tiêu chuẩn toàn cầu của ICM. Vào nửa cuối năm 2022, sau chuyến thăm tới 3 khoa thuộc các trường cao đẳng y tế của các tỉnh là Champasak, Luang Prabang và Xiengkhouang, ICM đánh giá các trường trên đã đáp ứng 35/37 tiêu chí của ICM, chỉ có 2 tiêu chí đáp ứng một phần.
+tg2: Lào là quốc gia ASEAN đầu tiên đạt chứng nhận đào tạo hộ sinh quốc tế. Ảnh: kpl.gov.la
Tiến sĩ Bounfeng Phoummalaysith, Bộ trưởng Bộ Y tế Lào, chúc mừng các trường đã nỗ lực để đạt được sự công nhận về giáo dục hộ sinh theo Chương trình Chứng nhận giáo dục hộ sinh. Trước đó, các trường nêu trên đã nhận được chứng nhận cấp quốc gia và hiện mục tiêu đạt được MEAP của các trường cũng đã hoàn thành. MEAP sẽ giúp đảm bảo tính nhất quán trong đào tạo hộ sinh và xác định các phương thức thực hành tốt nhất cũng như những thiếu sót cho các đối tác, người thực hiện nhằm cung cấp hỗ trợ tập trung, hiệu quả và bền vững hơn cho đào tạo hộ sinh chất lượng cao.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, đã hỗ trợ Chương trình Hộ sinh Lào từ năm 2009. Là một phần của sự hỗ trợ, UNFPA cũng đã giúp chuẩn bị cho các trung tâm đào tạo hộ sinh xuất sắc đầy triển vọng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phout Simmalavong, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, cho biết 3 trường cao đẳng đã nỗ lực hết sức để vượt qua tất cả các tiêu chí đánh giá: quản lý, tập thể sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên, đánh giá, thiết bị và cơ sở vật chất và địa điểm thực tập lâm sàng. Ông nói thêm: “Việc công nhận tiêu chuẩn giảng dạy hộ sinh ở Lào không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong công tác đào tạo mà còn là để thể hiện kết quả của sinh viên khi tốt nghiệp ra trường.”
Bà Mariam A. Khan, đại diện UNFPA, cho biết UNFPA rất vui mừng được hỗ trợ để đạt được kết quả thành công này cho việc đào tạo hộ sinh ở Lào.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy một nữ hộ sinh được đào tạo bài bản, được tiếp cận các thiết bị cần thiết và kết nối với mạng lưới dịch vụ y tế, có thể đáp ứng hơn 80% các yêu cầu về sức khỏe bà mẹ. Nữ hộ sinh rất cần thiết cho những nỗ lực của Lào nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở thai phụ.
(Theo Phạm Kiên - Bá Thành/TTXVN)