Nhìn lại “mùa” linh vật mèo
Năm nay, nhiều địa phương trong tỉnh trưng bày biểu tượng linh vật mèo, tạo điểm đến thu hút người dân và du khách trong dịp tết Quý Mão 2023. So với mặt bằng chung của cả nước, linh vật mèo ở Bình Định được nhiều người nhìn nhận đẹp mắt hơn.
Linh vật mèo thu hút sự chú ý
Những năm trước, trong dịp tết Nguyên đán, chỉ có ở TP Quy Nhơn (từ sự quan tâm của tỉnh), rồi sau đó là TX Hoài Nhơn trưng bày linh vật. Năm nay, “mùa” linh vật trong tỉnh lan tỏa rộng hơn khi ngoài Quy Nhơn, Hoài Nhơn còn có thêm Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh, An Lão cũng trưng bày cụm linh vật. Tùy điều kiện mà linh vật ở mỗi địa phương có quy mô khác nhau, được trưng bày tại quảng trường, công viên… Nhưng điểm chung là đều được đón nhận, đánh giá tích cực của phần lớn mọi người khi ngắm ảnh hoặc đến check-in thực tế.
Có quy mô lớn nhất trong tỉnh là “gia đình mèo” tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), khi xuất hiện, lan tỏa nhiều hình ảnh trên mạng xã hội, nhận được bình luận rôm rả “linh vật Bình Định không làm mọi người thất vọng”, “mèo 77 mãi đỉnh”…
Đi cùng gia đình đến ngắm linh vật mèo tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành sáng mùng 2 tết Quý Mão, ông Nguyễn Văn Đán (65 tuổi, giáo viên đã nghỉ hưu, quê An Nhơn, hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận: “Tuy không quy mô bằng nhiều linh vật trưng bày ở đường hoa TP Hồ Chí Minh, nhưng tôi thấy linh vật mèo ở Quy Nhơn có sự cuốn hút riêng, nhất là được đặt trong quảng trường biển rất đẹp, tạo thêm điểm nhấn trong không gian vui Xuân, đón Tết ở thành phố. Vẻ đẹp của linh vật thế nào thì mỗi người có thể nhìn nhận khác nhau, nhưng tôi thấy thu hút được rất đông người dân, du khách đến ngắm, chụp hình là thành công”.
Cụm linh vật ở TX Hoài Nhơn cũng được nhiều người khen về quy mô đầu tư và không gian trưng bày. Chị Huỳnh Thị Ngọc Diệp (35 tuổi, ở phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn) chia sẻ: “Chiều mùng 2 Tết, tôi cùng bạn bè ở Đà Nẵng vào chơi, đến thăm nơi trưng bày linh vật của thị xã. Mình cũng tự hào khi bạn bè khen linh vật đẹp, trưng bày bài bản tại quảng trường lớn, vượt xa hình dung của bạn về thị xã quê mình”.
Tại các huyện trong tỉnh lần đầu tiên có linh vật trưng bày trong dịp Tết, sự đón nhận của người dân càng háo hức hơn. “Đây là lần đầu tiên huyện có linh vật trưng bày tại thị trấn Vân Canh, nên người dân địa phương rất thích thú, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa chúng tôi ít có điều kiện đi xuống Quy Nhơn để được ngắm linh vật dịp Tết. Năm nay, chỉ cần đi gần xuống thị trấn là ngắm linh vật gia đình mèo rất dễ thương, phía sau có mô hình ghè rượu cần nên chúng tôi cũng thấy gần gũi hơn”, chị Trần Thị Mai (33 tuổi, người Chăm H’roi, ở xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) chia sẻ.
Linh vật mèo ở thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh). Ảnh: TRANG TRẦN
Không nên dễ dãi, cần thêm “điểm nhấn”
Trước tết Quý Mão 2023, một nhà điêu khắc ở trong tỉnh đã đăng ý kiến trên facebook cá nhân: “Rình rang to bự, sơn phết đỏ vàng lòe loẹt là cách làm linh vật ở hầu hết các địa phương trên đất nước Việt Nam. Cái này lỗi một phần do bộ phận tham mưu đến lãnh đạo sở ngành… Họ thường cho rằng như thế là đẹp, và năm nào cũng vậy, cứ thế mà làm… Nhiều trường hợp rất sến súa nhưng họ “đo sự đẹp” bằng số lượng người kéo về chụp ảnh… Tất cả những thứ ấy chưa bao giờ có thể được gọi là nghệ thuật…”.
Trong bài viết “Linh vật gây cười” đăng trên vnexpress. net, kiến trúc sư Trình Phương Quân chia sẻ khi xem linh vật mèo khắp nơi trên cả nước, bên cạnh những tác phẩm đẹp, có hồn, không ít linh vật trông như “mèo đội lốt chuột”, “mèo rầu rĩ”, “mèo hốt hoảng”... làm xấu cảnh quan đô thị.
Ông Quân cho rằng: Không nên dễ dãi chấp nhận sự cẩu thả và tùy tiện, lâu dần sẽ trở thành thói quen, khiến cho các không gian công cộng mất đi tính thẩm mỹ cần có. Các bức tượng và tiểu cảnh trang trí sau dịp lễ Tết, thông thường đều được phá bỏ, gây lãng phí lớn. Rất ít tác phẩm có giá trị sử dụng lâu dài, trở thành biểu tượng nổi tiếng, hay đơn giản hơn, là được tái sử dụng cho các sân chơi trẻ em, công viên, trường mầm non hay sở thú…
Thêm một câu chuyện đáng suy nghĩ là có nghệ nhân điêu khắc trẻ làm linh vật mèo đặt ở Quảng trường huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chỉ tốn 31 triệu đồng, được nhiều người phong là “hoa hậu mèo” của cả nước. Ngày 27.1, nghệ nhân này được nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị vì “nhiều thành tích trong thực hiện các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão năm 2023”.
Những câu chuyện trên đây phần nào gợi mở những điều đáng suy nghĩ về tính nghệ thuật, sự tiết kiệm, hiệu quả sử dụng lâu dài, nhất là đổi mới gắn với thể hiện rõ nét hơn đặc trưng địa phương khi thực hiện linh vật ở Bình Định trong những năm tới.
HOÀI THU