Yêu thổ cẩm, nỗ lực giữ gìn
Với mong muốn giữ gìn nét đẹp đặc trưng quê hương, chị Đinh Thị Xuân Bông (SN 1979, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, huyện Vân Canh; nghệ nhân dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên) luôn động viên người dân trong làng kiên trì giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Bana, góp phần tạo sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Lớn lên cùng thổ cẩm
Lớn lên với nghề dệt thổ cẩm lâu đời, nơi những bà, những mẹ đều biết dệt và dệt khéo, chị Đinh Thị Xuân Bông đã sớm quen thuộc với họa tiết, hoa văn, khung dệt. Với chị, đó là tuổi thơ, là một phần cuộc sống.
*Tình yêu, sự gắn bó giữa chị với thổ cẩm bắt nguồn từ đâu?
- Làng Hà Văn Trên nơi tôi sinh ra và lớn lên có truyền thống dệt thổ cẩm từ xưa. Bởi vậy, ngay từ nhỏ, tôi đã quen thuộc với hình ảnh các cụ lớn tuổi lên khung, dệt vải đều tay, miệng ngân nga vài khúc hát hay trò chuyện cùng nhau.
Ngoài ra, những hoa văn, màu sắc quen thuộc luôn có mặt trong cuộc sống của người dân nơi đây khi người nào cũng có 1 bộ đồ truyền thống do chính tay mình dệt lấy, mặc trong những dịp quan trọng như Tết, tiếp đón khách, các ngày hội truyền thống…
Tất cả những yếu tố ấy dần tạo nên tình yêu với thổ cẩm, thúc đẩy tôi học cách dệt, để có thể tiếp nối vẻ đẹp này và lan tỏa nó đến con cháu về sau.
*Ngày còn bé, chị đã học cách dệt thổ cẩm từ ai?
- Mẹ là người đầu tiên tôi ngưỡng mộ vì bà rất giỏi dệt thổ cẩm. Từ cách lên khung, tạo hoa văn, kiểu nào cũng làm được. Bởi vậy, khi còn bé, tôi thích ngồi hàng giờ chỉ để xem mẹ dệt, nhiều lần đòi mẹ chỉ dạy cho. Mẹ đồng ý, nhưng dù tìm mọi cách truyền đạt mà mãi vẫn không hợp, chắc bởi “Bụt chùa nhà không thiêng”.
Sau này nhờ cơ duyên, tôi học dệt từ một người chú trong làng. Tuy là đàn ông nhưng chú lại biết hoa văn dệt của người phụ nữ và chỉ dạy rất khéo. Từ đó, tôi bắt đầu tập dệt từ tấm nhỏ, rồi thử sức với những tấm dệt lớn hơn.
Ngoài những ký ức thời ấu thơ, kỷ niệm mà tôi nhớ nhất liên quan đến thổ cẩm là nhiều năm liền đạt giải nhất phần thi dệt thổ cẩm tại các hội thao dành cho đồng bào DTTS miền núi của tỉnh. Khi đó, mình vừa vui, vừa tự hào vì có thể khẳng định sự khéo léo, nhanh nhạy của nghệ nhân làng Hà Văn Trên trước các huyện, xã bạn.
* Thổ cẩm có ý nghĩa như thế nào đối với chị nói riêng và người dân trong làng nói chung?
- Thổ cẩm là tài sản vô giá, được gìn giữ lâu đời và được ông bà truyền lại, chứa đựng tâm hồn của người dân Bana, sự khéo léo từ đôi tay người phụ nữ.
Với tôi, thổ cẩm còn thể hiện sự tiếp nối, đòi hỏi người dệt phải đặt hết tâm trí vào từng sản phẩm. Hơn nữa, mỗi thành phẩm đều chứa đựng tình cảm của người dệt. Bởi vậy, tôi thường tự tay dệt áo, may trang phục cho người thân. Không chỉ tôi mà bất cứ nghệ nhân nào cũng muốn làm điều này, bởi chúng tôi nghĩ rằng, thổ cẩm là bản sắc văn hóa được tạo ra từ sự gắn bó, trân trọng nét đẹp truyền thống của quê hương, cần được truyền lại trước hết cho những người mình thương yêu nhất, rồi mới đến những đối tượng khác.
Chị Đinh Thị Xuân Bông (trái) hướng dẫn thao tác dệt thổ cẩm. Ảnh: NVCC
Tôn kính nét đẹp văn hóa dân tộc
Dần dà học hỏi từng kỹ năng từ đơn giản đến phức tạp, chị Bông trở thành nghệ nhân làng dệt thổ cẩm Hà Văn Trên. Khi ấy, không đơn thuần là “dệt vì sở thích”, chị Bông ý thức được việc cần chỉn chu, tỉ mỉ trong từng sản phẩm. Chị gọi đó là niềm tôn kính với nét đẹp văn hóa dân tộc.
* Sau khi biết được cách dệt cơ bản, chị tiếp thu được những bài học gì từ các nghệ nhân lành nghề trong làng?
- Trước hết vẫn là tình yêu, sự tận tụy với thổ cẩm. Sau đó là những “bài học bỏ túi”, tức kinh nghiệm thực tế được các bà, các mẹ đúc kết hàng chục năm qua. Các cụ luôn bảo: “Việc gì cũng vất vả bước đầu, sau làm dần thì quen. Quen rồi thì phải chăm chút cho từng hoa văn sao cho sắc sảo, đều mũi, chắc tay”.
Nhờ đó, tôi đã “rành” lên khung hơn, tốc độ dệt ngày càng nhanh, cách phối màu, dệt họa tiết theo đó cũng bắt mắt hơn. Hạnh phúc nhất là tôi đã có thể truyền lại những bài học ấy cho con gái mình.
* Vừa là nghệ nhân làng dệt, vừa là cán bộ xã, chị gặp khó khăn và thuận lợi gì trong quá trình giữ gìn, phát triển nét đẹp thổ cẩm truyền thống?
- Tôi hầu như không gặp khó khăn gì đáng kể. Nếu có, chỉ là quỹ thời gian của tôi eo hẹp hơn trước, khiến tôi chậm hoàn thiện 1 thành phẩm hơn mà thôi (Cười).
Thế nhưng, nhờ đảm nhiệm cùng lúc 2 cương vị, tôi càng có điều kiện tiếp xúc, lắng nghe tâm sự, thấu hiểu những khó khăn và nguyện vọng của nghệ nhân làng dệt. Là cán bộ xã, tôi có thể đề xuất ý kiến sát thực tế nhất có thể để hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho các nghệ nhân; kịp thời động viên chị em nghệ nhân tiếp tục kiên trì, giữ gìn nét đẹp văn hóa lâu đời này.
* Để phù hợp với thị hiếu của khách hàng mà vẫn đảm bảo vẻ đẹp truyền thống trong từng sản phẩm, những nghệ nhân như chị có sự cập nhật, sáng tạo ra sao?
- Chúng tôi có sự cải tiến chất lượng nhằm mang đến những sản phẩm thủ công đẹp và bền bỉ với thời gian hơn so với trước.
Ngày trước, nguyên vật liệu dệt được làm từ vỏ cây, bông trên rừng; màu nhuộm tự nhiên. Tuy kỳ công nhưng thành phẩm sẽ dễ phai màu sau mỗi lần giặt. Do đó, hiện tại, chúng tôi sử dụng len trên thị trường nhưng phải trải qua công đoạn “sơ chế”: Tách sợi len làm 2, nhúng vào nước gạo, sáp ong… tự nấu rồi phơi thật khô sao cho sợi len không được xù lông mới đưa lên khung, bắt đầu dệt.
Về hình thức, đồ thổ cẩm truyền thống của người Bana có các màu đỏ, đen, trắng. Nay, để bắt mắt hơn thì làng dệt quyết định dùng thêm nhiều màu, bổ sung sợi kim tuyến.
Hơn nữa, bên cạnh khung truyền thống là những cây tre cột theo vách tường nhà, các nghệ nhân đã bắt đầu sử dụng những khung dệt di động, tùy chỉnh theo độ dài miếng vải, thuận tiện hơn nhiều.
Với riêng tôi, sáng tạo là cần thiết nhưng cần đảm bảo những yếu tố căn bản của trang phục truyền thống của người Bana. Chẳng hạn, đồ truyền thống mà không có cườm, hoa, lục lạc thì chưa đạt tiêu chuẩn. Tôi đang nghiên cứu để làm nên sản phẩm cách tân với nhiều loại hoa văn, giữ màu gốc chính là đen phối hợp với màu đỏ, vàng, trắng, xẻ hai bên váy.
Chị Đinh Thị Xuân Bông (trái) giới thiệu một số sản phẩm do các nghệ nhân làng nghề dệt thổ cẩm Hà Văn Trên làm nên. Ảnh: NVCC
Hướng đến phát triển bền vững
Để giữ gìn nét đẹp đặc trưng của quê hương, ngoài tình yêu dành cho thổ cẩm, chị Bông còn mong muốn làng nghề có định hướng phát triển cụ thể; góp phần củng cố niềm tin, sự quyết tâm cho những nghệ nhân, “truyền lửa” cho thế hệ trẻ.
* So với trước đây, theo chị, làng nghề thổ cẩm Hà Văn Trên đã có thay đổi nào đáng kể?
- Trước đây, việc dệt chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cá nhân, chưa nghĩ đến việc bán buôn. Người dân chưa quan tâm đến “đẹp” mà chủ yếu để “đủ mặc”. Vì vậy, chưa mang lại thu nhập.
Đến năm 2014 - 2015, tôi cùng đại diện các ban ngành liên quan ở địa phương đi thăm làng dệt thổ cẩm Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Trở về, chúng tôi phổ biến kinh nghiệm cho chị em trong làng; đồng thời đề xuất cấp trên hỗ trợ 50 khung ngắn và 15 khung dài; 1 máy may, 1 máy vắt sổ, 2 bàn ủi và một số dụng cụ khác. Khi hiểu về lợi ích kinh tế của việc dệt thổ cẩm và được hỗ trợ, số người trong làng theo nghề dệt thổ cẩm dần tăng.
Sau đó, nhiều sự kiện đã đánh dấu sự phát triển của làng nghề dệt thổ cẩm Hà Văn Trên. Năm 2020, nhãn hiệu tập thể “Vải thổ cẩm Hà Văn Trên” được chứng nhận. Cuối năm 2022, “Tổ liên kết phụ nữ dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên” được thành lập, hình thành nghề dệt tập trung.
Công việc này phù hợp với đặc tính của người dân địa phương vốn không thích đi làm ăn xa mà chỉ muốn gắn bó với nơi “chôn nhau cắt rốn”, đồng thời mang lại thu nhập khá ổn định. Với những nghệ nhân lành nghề, dày dặn kinh nghiệm, làm xuyên suốt cả năm, thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng/năm.
* Theo chị, để làng nghề tiếp tục phát triển bền vững, cần chú trọng, quan tâm đến vấn đề gì?
- Theo tôi, cần chú trọng nhiều yếu tố, trước hết là tạo điều kiện để nghệ nhân sống tốt, sống khỏe với nghề dệt; bằng cách quan tâm, hỗ trợ hơn nữa các nhu cầu liên quan đến làng nghề, để đảm bảo họ giữ được ngọn lửa đam mê với thổ cẩm.
Về cơ sở vật chất, tôi nghĩ, cần có nhà trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm và các sản phẩm thủ công do nghệ nhân toàn huyện làm ra; lồng ghép với khu du lịch cộng đồng. Điều này giúp đưa sản phẩm truyền thống của người Bana đến gần hơn với khách hàng, giúp họ hiểu giá trị của sản phẩm. Khi đó, sẽ có nhiều hơn cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, cần tổ chức thêm các lớp dạy nghề, truyền đạt các kỹ năng cơ bản và chuyên sâu để kỹ thuật dệt thổ cẩm tiếp tục được lưu truyền, gìn giữ. Song song với đó, việc tích cực quảng bá sản phẩm thông qua nhiều chương trình, hoạt động để tiếp cận với nhiều khách hàng, từng bước nâng cao thu nhập cho nghệ nhân là cần thiết.
Ngoài ra, để thế hệ trẻ trân trọng thổ cẩm nói riêng và các giá trị truyền thống nói chung, cần tạo nhiều cơ hội để các em được tiếp cận và tìm hiểu chúng. Chẳng hạn, tôi đã đề xuất các trường trên địa bàn xã cho học sinh người DTTS mặc đồ truyền thống mỗi tuần 1 lần. Trường THCS bán trú xã Canh Thuận là một trong các trường thực hiện tốt điều này, khi cho các em mặc trang phục truyền thống vào buổi chào cờ thứ 2 hằng tuần.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở lớp dạy kỹ thuật dệt thổ cẩm cho những người chưa thật lành nghề, trong đó có các em học sinh.
* Xin cảm ơn chị!
DƯƠNG LINH (Thực hiện)