Võ sư Châu Mẫn: Tôi muốn góp phần lan tỏa tinh hoa võ Bình Định
Tích cực tham gia các hoạt động võ thuật của môn phái Bình Định Gia ở các tỉnh phía Bắc và Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam, võ sư Châu Mẫn luôn mong muốn góp phần quảng bá tinh hoa võ cổ truyền Bình Định. Mạnh mẽ đúng chất con nhà võ, trong những ngày đầu xuân Quý Mão 2023, cô gái quê Tây Sơn đã trò chuyện với phóng viên Báo Bình Định.
HƯỚNG VỀ NGUỒN CỘI
Trong chương trình nghệ thuật giao thừa chào xuân mới Quý Mão 2023 và Hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh huyện Tây Sơn vừa qua, tiết mục biểu diễn khí công của võ sư Châu Mẫn để lại những ấn tượng đặc biệt với người xem. Đây cũng là lần đầu tiên cô diễn trên chính mảnh đất quê hương mình.
* Cảm xúc của chị ở lần biểu diễn này như thế nào?
- Tôi từng biểu diễn giao lưu “trong màu áo” môn phái Bình Định Gia tại các kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên diễn với vai trò khác tại quê mình. Cảm xúc rất đặc biệt, nhất là khi khán giả biết tôi là người con của Tây Sơn. Đây là những phần trình diễn nằm ngoài kế hoạch của tôi trong năm 2023, vì tôi chỉ mới gặp các anh lãnh đạo huyện và Trung tâm VH-TT&TT Tây Sơn cách đây chưa đầy 2 tháng tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022. Rất nhiều khó khăn khi tôi phải làm việc với một ê kíp hoàn toàn mới, nhưng cũng rất may mắn là nhờ đó tôi mới cảm nhận được nhiều tình cảm từ quê hương. Các võ sư Lê Xuân Nam, Trương Ngọc Bê, Hồ Sỹ… cùng các HLV, võ sinh đều hỗ trợ tôi hết sức nhiệt tình. Tôi mong còn có nhiều dịp được hợp tác với những võ sư tại quê hương Tây Sơn để học hỏi thêm…
* Những phần biểu diễn đó cũng giúp chị có thêm vai mới trong một dự án phim của Bảo Phúc Media…
- À không, tôi chỉ vô tình gặp anh Phan Văn Phúc - Giám đốc sản xuất Bảo Phúc Media - tại Tây Sơn mùng 5 tết Nguyên đán Quý Mão. Anh ấy có xem phần trình diễn và ngỏ ý mời tôi hợp tác trong dự án phim Tây Sơn thất hổ tướng. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó chỉ là những câu nói xã giao, còn để làm việc với nhau sẽ phải thảo luận cụ thể hơn nhiều. Dù sao tôi cũng rất vui khi có thêm thông tin một dự án phim lịch sử về chính mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên.
Võ sư Châu Mẫn biểu diễn khí công tại chương trình nghệ thuật giao thừa huyện Tây Sơn tết Quý Mão 2023. Ảnh: LÊ CƯỜNG
“CHỈ TÌNH THƯƠNG Ở LẠI”
Ngoài tham gia các công việc liên quan đến võ cổ truyền tại Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam và môn phái Bình Định Gia, võ sư Châu Mẫn là giáo viên của một trường quốc tế tại Hà Nội. Chị còn được biết đến là người thường xuyên tham gia tổ chức diễn đàn chống bạo lực học đường, bạo hành gia đình; quan tâm, hỗ trợ bệnh nhân nhi…
* Với ngần ấy công việc chính thức cũng đã khá bận rộn, thời gian đâu để chị tổ chức các hoạt động nghe có vẻ không liên quan nhiều đến chuyên môn và cả… độ tuổi?
Võ sư Châu Mẫn, tên thật là Nguyễn Thị Mận (SN 1990). Quê quán: Tây Thuận, Tây Sơn. Xuất thân từ môn phái Long Hổ Không Hồng, hiện làm việc tại Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam; là giáo viên Trường quốc tế Xanh Tuệ Đức (Hà Nội); HLV của môn phái Bình Định Gia. Từng giảng dạy võ thuật tại Trường Sĩ quan Đặc công.
- Đúng là có nhiều thời điểm tôi không có chút thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, đơn cử như dịp tết Nguyên đán Quý Mão này, khi phải về Tây Sơn tập luyện và biểu diễn từ 26 tháng Chạp đến mùng 4 Tết. Nhưng nhờ làm gì tôi cũng chuẩn bị kế hoạch cụ thể, quản lý được quỹ thời gian của mình nên các công việc đặt ra đều được giải quyết đúng tiến độ.
Tôi trải qua tuổi thơ với nhiều khó khăn, vất vả nên có sự đồng cảm với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ những gì mình có để các em cảm nhận được tình yêu thương, vững tâm hơn trên đường đời. Không chỉ lo về tinh thần, vật chất, bằng những gì thu nhận được, tôi muốn trang bị thêm kỹ năng sống cho các em, để sau này trở thành những công dân tốt và biết yêu thương. Quan tâm đến các em nhỏ giúp tôi thăng bằng, bổ sung năng lượng sống.
Võ sư Châu Mẫn (phải) cùng bệnh nhi tại Bệnh viện K Hà Nội. Ảnh: NVCC
Còn với các diễn đàn liên quan đến phụ nữ, tôi giúp những người trong số họ kỹ năng đối phó với các tình huống xấu trong gia đình. Ngoài những lớp trực tiếp, trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, tôi cũng tổ chức lớp trực tuyến và rất vui là nhận được nhiều phản hồi tích cực.
* Chị tìm thấy điều gì khi đến với võ?
- Tôi đến với võ như một sự tình cờ, vì từ lâu quê ngoại - xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước - có phong trào luyện võ khá mạnh. Khi đó, ngoài thời gian ở với cha mẹ tại tỉnh Gia Lai, tôi hay về quê ngoại tập võ trong mấy tháng hè. Tôi may mắn được thầy Võ Văn Tính (nay là HLV đội tuyển quyền thuật Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định- NV) uốn nắn từ những bước chập chững. Sau này tôi còn được học thêm từ nhiều người thầy tốt. Các thầy không chỉ dạy tôi về những động tác, bài quyền mà giúp tôi nhận ra tận cùng của võ là “đạo” - điều quan trọng nhất mà người học võ phải hiểu tường tận. Học võ cho ta tính nhân ái và sự tôn trọng, sự khiêm tốn, nhún nhường và cả niềm tin, bản lĩnh.
Lớp võ cổ truyền do võ sư Châu Mẫn mở tại Trường Quốc tế Xanh Tuệ Đức (Hà Nội). Ảnh: NVCC
“ĐẠI SỨ” CỦA VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH
Bằng những kiến thức và kỹ năng của mình, võ sư Châu Mẫn từng gia nhập Binh chủng đặc công, đảm nhiệm khâu huấn luyện võ thuật cho các chiến đấu viên (chuyên biểu diễn và thi đấu cho đơn vị). Cô còn mở nhiều lớp để truyền dạy võ cổ truyền nói chung, trong đó có những bài võ đặc sắc của môn phái Long Hổ Không Hồng xuất phát từ Bình Định.
* Tham gia khá nhiều hoạt động võ thuật ở những vai trò khác nhau, mục tiêu chị hướng đến là gì?
- Tôi luôn tâm niệm mình là người con của miền đất võ Bình Định, nên làm gì cũng phải xứng đáng với nơi đã nuôi dưỡng mình. Trong nhiều cuộc tiếp xúc, khi biết tôi là người Bình Định người ta thêm quý mến tôi hơn. Thế mới thấy được “thương hiệu” võ Bình Định mạnh như thế nào. Cũng vì vậy mà tôi muốn góp phần xây dựng thương hiệu ấy ngày càng lan tỏa rộng rãi hơn.
* Chị có những dự án gì sắp được triển khai liên quan đến võ cổ truyền?
- “Lan tỏa” là từ khóa mà tôi đang hướng tới ở năm 2023. Theo kế hoạch, tháng 3.2023, Học viện Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam sẽ đón đoàn võ sư,võ sinh từ các nước bạn về giao lưu học hỏi và tập luyện. May mắn, tôi được phân công nhiệm vụ giảng dạy đợt này, đây là dịp để tôi có cơ hội học hỏi trau dồi kiến thức võ thuật cũng như võ học từ những người bạn và lan tỏa những cái hay, tinh túy của võ cổ truyền Việt Nam nói chung và võ Bình Định nói riêng. Song song với các kế hoạch giảng dạy chuyên môn, cùng học trò hướng tới các giải đấu lớn, tôi cũng muốn lan tỏa văn hóa Bình Định - cái nôi của Võ thuật Việt Nam - tới những người bạn, đồng nghiệp trong và ngoài nước.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
LÊ CƯỜNG (Thực hiện)