Bộ Xây dựng đốc thúc các địa phương triển khai xây dựng nhà ở xã hội
Các địa phương cần khẩn trương thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Để đảm bảo nhà ở, thị trường bất động sản trong thời gian tới, Bộ Xây dựng vừa đưa ra một số giải pháp trọng tâm, trong đó đốc thúc các địa phương tập trung triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của Bộ Xây dựng, trong năm 2022 các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với các năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở, đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.
Trong đó, về dự án nhà ở xã hội, thống kê từ Sở Xây dựng các địa phương cho thấy trên cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.
Với dự án nhà ở công nhân, trong năm 2022, trên cả nước mới có 2 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; 1 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 4 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trước thực tế trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong thời gian tới, cơ quan này sẽ phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”; trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Trên tinh thần đó, các địa phương cần rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Từ đó, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.
Đặc biệt, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, đảm bảo theo đúng tiến độ.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, an sinh xã hội có hiệu quả cao.
Theo Hùng Võ (Vietnam+)