EVN lo lỗ đến hết năm 2023 hơn 93.000 tỉ đồng, lại xin tăng giá điện
Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước lỗ lũy kế hết năm 2023 hơn 93.000 tỉ và lại đề xuất tăng giá điện.
Trong báo cáo vừa gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị này cho biết, ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỉ đồng.
EVN thậm chí có thể lỗ nhiều hơn số liệu nói trên nếu như không thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí đầu vào, vận hành tối ưu hệ thống điện.
EVN lo lỗ đậm trong năm 2023 nếu không có phương án tăng giá điện. Ảnh: Cường Ngô
Nguyên nhân lỗ lớn năm qua chính là thông số đầu vào tăng mạnh (giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện.
Năm 2022 chứng kiến giá than tăng phi mã, gấp 6 lần so với đầu năm 2021 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2022. Kéo theo đó, chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu cũng lên tới 3.500-4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân là 1.864 đồng/kWh.
Tại hội nghị tổng kết của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN cho hay, 2022 là năm khó khăn với EVN và các đơn vị thành viên.
Dù doanh thu tập đoàn ước đạt 460.000 tỉ đồng, tăng 4,3% so với năm 2021, song do biến động giá nhiên liệu gồm cả than, dầu, khí đã làm cho chi phí tăng rất cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Dù thực hiện các giải pháp nhưng lợi nhuận vẫn âm. Với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh, mỗi kWh điện bán ra thì phía EVN lỗ khoảng 180 đồng", ông Trần Đình Nhân thông tin.
Còn theo báo cáo mới nhất của EVN, doanh nghiệp này đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 còn u ám hơn năm qua rất nhiều. Theo đó, năm nay, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỉ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành.
Trong đó, 6 tháng đầu năm EVN dự kiến lỗ 44.099 tỉ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỉ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN lũy kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỉ đồng.
Năm ngoái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét sớm chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và không làm mất vốn của nhà nước đầu tư tại EVN. Song đến nay, phương án này vẫn chưa được thông qua.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.
(Theo CƯỜNG NGÔ/LĐO)