Tất bật chăm sóc mai sau Tết
Từ mùng 6 Tết, công việc tại các nhà vườn trồng mai ở TX An Nhơn đã nhộn nhịp không kém những ngày trước Tết. Trên các nẻo đường quê, cộ trâu, ba gác máy xuôi ngược chở mai, chở phân, đưa đất nhập vườn... Các nhà vườn đang tất bật bước vào vụ chăm sóc mai cho năm tới.
Trong vườn mai, người thì lo nhổ cọc, cắt hoa, cắt cành phụ, lao động nữ thì cắm cúi cạo lớp rêu đóng trên bề mặt đất và xới đất trong chậu mai, lao động nam làm những việc nặng nhọc hơn như xúc đất đưa vào vườn để thay đất, thay chậu cho những cây mai. Đây là việc làm cần thiết để cây mai phục hồi sau khi ra hoa, phát triển tốt cho mùa ra hoa năm sau.
Ông Đoàn Văn Thọ (ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An) cho hay: Dù có rất nhiều kinh nghiệm chăm mai, nhưng do năm nay gặp 2 đợt không khí lạnh kéo dài nên hầu hết mai của nhà ông gần như bị “câm”, không nở kịp; vì vậy trước Tết ông chỉ bán được 3 chậu mai cảnh trong số 2.000 chậu. Để chúng phát triển tốt sau Tết, ngoài hai vợ chồng, ông Thọ phải thuê thêm hàng chục nhân công mới có thể chu tất mọi công việc cho kịp tiến độ, nếu chậm sẽ làm cho cây mất sức.
Tranh thủ cắt cành để cây mai phát triển tốt hơn sau Tết. Ảnh: V.L
Cũng theo ông Thọ, sau Tết, cây mai nào cũng kiệt sức vì đã vắt hết dinh dưỡng cho những đóa hoa khoe sắc trong những ngày Tết. Sau Tết, người trồng phải vào đất mới, thay chậu, rồi tuốt hết hoa, nụ, bấm cành phụ và chăm sóc tích cực để cây mai tích trữ dinh dưỡng, chuẩn bị cho vụ hoa mới. Vì vậy, thời điểm đầu năm mới, khi tiết trời mùa xuân đang ấm áp, thuận lợi, ông thuê thêm nhân công nhổ cọc tre, thay đất, vào chậu mới cho những chậu mai của mình.
“Nếu không kịp tuốt hoa, lá, cắt tỉa bớt những cành không cần thiết và thay đất, vào chậu mới thì cây mai sẽ bị lụn tàn, ảnh hưởng đến chất lượng nụ, hoa cho Tết năm sau”, ông Thọ cho hay.
Còn theo kinh nghiệm của chủ vườn mai Lê Trung Chinh (thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An), một số người dân sau khi mua mai về chơi Tết thường tiếc không cắt hoa, để cho hoa tàn hết rồi tự rụng; đây chính là nguyên nhân khiến cây mai bị mất sức, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cho cả năm sau.
“Cây mai sau khi chưng Tết phải cắt hết bông, tỉa cành; vì tỉa cành sẽ tạo ra thêm nhiều nhánh mới, giúp cây có thêm nhiều chồi và nụ cho đợt Tết năm sau. Công đoạn thứ hai là thay đất cho cây. Gọi là thay đất nhưng thật sự là không nên trồng cây mai bằng đất mà thay bằng tro trấu và mụn dừa, rồi ủ rơm, đậy gốc để cây mai hồi phục bộ rễ, bón phân làm cho bộ rễ tĩnh lại sau khi ra hoa”, ông Chinh chia sẻ.
Sau một mùa hoa nhiều khó khăn, người trồng mai ở Nhơn An lại vào vụ chăm cây sau Tết với tinh thần quyết tâm hơn. Mới tờ mờ sáng, bà Lê Thị Mai Hương (người trồng mai ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An) cùng con gái tranh thủ ra vườn suốt bỏ cả lá lẫn hoa, nhổ nọc, cắt bỏ cành phụ. “Nếu cây mai không kịp bón phân, không rút cành, ánh nắng không chiếu được vào thân, nhánh thì cây dễ bị nấm bệnh...”, bà Hương chia sẻ.
Việc chăm sóc mai vàng sau Tết là một bước rất quan trọng, là điều kiện tiên quyết giúp cho cây mai tích lũy chất dinh dưỡng, tiếp tục sống khỏe mạnh và phát triển để tạo nụ, cho hoa đẹp vào Tết năm sau.
VĂN LƯU