Giá xăng tăng gần 1.000 đồng mỗi lít
Giá bán lẻ xăng và dầu đều tăng từ 19h ngày 30.1, sớm hơn hai ngày so với chu kỳ thông thường.
Theo chu kỳ 10 ngày, 21.1 - tức 30 tháng Chạp là ngày điều chỉnh giá xăng nhưng vì rơi vào dịp nghỉ Tết, cơ quan điều hành lùi 10 ngày tới 11 tháng Giêng, tức ngày kia (1.2). Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Công Thương, trước diễn biến xăng dầu thế giới và biến động thị trường trong nước những ngày qua, cơ quan này đã báo cáo và nhận được đồng ý của Thủ tướng để điều hành giá bán lẻ sớm hơn hai ngày so với quy định.
Như vậy, từ 19h ngày 30.1, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) tăng thêm 990 đồng một lít, lên 23.140 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng thêm 970 đồng, có giá mới 22.320 đồng một lít.
Các mặt hàng dầu cũng tăng giá. Mỗi lít dầu diesel đắt thêm 890 đồng, lên 22.520 đồng; dầu hoả là 22.570 đồng (tăng 770 đồng) và dầu mazut là 13.930 đồng một kg, đắt thêm 570 đồng so với kỳ điều hành ngày 11.1.
Ở kỳ điều hành hôm nay, nhà điều hành tiếp tục không trích lập vào Quỹ bình ổn giá nhưng tăng mức chi từ quỹ này với xăng. Theo đó, mức chi quỹ với RON 95-III tăng từ 103 đồng ở kỳ điều hành ngày 11.1 lên 950 đồng; E5 RON 92 từ 121 đồng lên 850 đồng.
Với các mặt hàng dầu, mức chi sử dụng quỹ vẫn duy trì 0 đồng, và giảm mức trích lập vào quỹ về mức 200 đồng một lít, kg.
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới từ giữa tháng 1 đến nay tăng giá mạnh do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố, như Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, tác động từ động thái áp giá trần dầu Nga của phương Tây và đồng USD yếu cộng với dự báo OPEC+ giữ nguyên việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu tăng...
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới tăng 7-11,5% từ ngày 11.1 đến 30.1. Chẳng hạn, mỗi thùng xăng RON 95 tăng hơn 11%, lên gần 102.27 USD; dầu diesel cũng tăng gần 7,8%, lên xấp xỉ 117 USD một thùng; hay dầu hoả là 117,7 USD một thùng, đắt thêm 7,3%.
Dịp nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường xăng dầu trong nước tái diễn cảnh loạt cây xăng tại các địa phương, như Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, An Giang... treo biển hết hàng, hoặc "nghỉ Tết" với lý do nhân viên về nghỉ Tết... Chẳng hạn tại TP HCM, thống kê của quản lý thị trường có khoảng chục cây xăng đóng cửa nghỉ bán hàng dịp Tết.
Quản lý thị trường cho rằng cây xăng đóng cửa không phải do thiếu nguồn cung mà phần lớn vì các cửa hàng bán lẻ thiếu nhân lực trực Tết.
Về phía các doanh nghiệp bán lẻ, họ cho rằng ngoài bị ảnh hưởng bởi sự cố của Lọc dầu Nghi Sơn diễn ra trước Tết Nguyên đán, việc cơ quan quản lý không điều chỉnh giá xăng vào 30 Tết mà chuyển chu kỳ điều hành giá sang sau Tết, ngày 1.2, trong khi giá dầu thế giới đang biến động tăng mạnh khiến mức chiết khấu (hoa hồng) rất thấp, thậm chí 0 đồng khiến họ thua lỗ trong kinh doanh.
Theo Anh Minh (VnE)