Hai phương án ứng phó nguy cơ tràn 8.000 lít dầu từ tàu gãy đôi
Chính quyền Quảng Ngãi chuẩn bị hút 8.000 lít dầu từ tàu Hoàng Gia 46 lên bờ, đồng thời huy động nhiều thiết bị chuyên dụng để khoanh, hút nếu dầu tràn.
Ngày 31.1, Phó chủ tịch UBND Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết phương án hút dầu từ tàu đã được tỉnh thống nhất. Chủ tàu đã thuê nhà thầu có chuyên môn cùng nhiều thiết bị sẽ tiếp cận tàu gặp nạn khi thời tiết thuận lợi. Sáu ngày qua, sau khi tàu va đá ngầm, gãy đôi, lực lượng cứu hộ tìm cách xử lý nguy cơ tràn dầu, song gặp khó do biển sóng lớn, gió có lúc giật cấp 7-8. Hôm nay gió biển giảm còn cấp 4-5, dự báo sóng êm hơn vào ngày mai.
Theo phương án chủ tàu đã trình, đơn vị trục vớt dầu sẽ thả phao quanh tàu mắc cạn, không cho dầu rò rỉ ra ngoài, sau đó các thợ lặn và kỹ sư sẽ khảo sát để ráp hệ thống ống bơm hút dầu, sau đó chở vào bờ...
Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi đã lên phương án ứng phó trường hợp xảy ra sự cố dầu tràn. Nếu nhiên liệu trên tàu tràn, các lực lượng như biên phòng, công an, cảng vụ chuẩn bị tàu và nhân lực theo dõi hướng, dùng phao quây chặn dầu tràn, phòng cháy chữa cháy. Sở Tài Nguyên Môi trường dùng thiết bị để quan trắc, đánh giá mức độ ảnh hưởng, tác động tới môi trường.
Chính quyền Quảng Ngãi cũng đề nghị Công ty cổ phần dịch vụ dầu khí PTSC chuẩn bị xe chuyên dụng và tàu; phao quây dầu (mỗi đoạn 30 m); bơm thu hồi dầu tràn; bồn chứa cơ động; tấm thấm dầu; bộ thiết bị xử lý ô nhiễm đường bờ; túi đựng chức thải nguy hại... Nhiều công ty khác trong tỉnh và Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai khu vực miền Trung cũng sẵn sàng ứng phó...
Trước đó ngày 20.1, tàu Hoàng Gia 46 từ cảng Mỹ Thới (An Giang) chở hơn 2.700 tấn gạo đi Hải Phòng. Khoảng 10h ngày 26.1 (mùng 5 Tết), tới vùng biển Sa Huỳnh, tàu va vào đá ngầm, thủng đáy, trôi dạt cách bờ khoảng 150 m. 11 lao động trên tàu nhảy xuống biển, được người dân cứu, đưa vào bờ, hai người bị thương được đưa đi điều trị. Tàu bị nạn thuộc Công ty vận tải Hoàng Gia, trụ sở đóng tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Theo Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, hơn 20 năm qua khoảng 190 sự cố tràn dầu xảy ra trên cả nước, trong đó 37 vụ (chiếm gần 20%) trên biển. Dầu tràn ảnh hưởng môi trường và con người. Sau sự cố dầu thường nổi, lan rộng trên mặt nước, tác động xấu, lâu dài đến hầu hết sinh vật biển. Công tác dọn dẹp dầu loang mất nhiều thời gian và thường kém hiệu quả.
(Theo PHẠM LINH/VnE)