TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI VÀ BẢO TRỢ XÃ HỘI TỈNH:
Đẩy mạnh xã hội hóa nuôi dưỡng người cao tuổi, khuyết tật
Sau hơn 1 năm triển khai, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật tự nguyện tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
“Trung tâm chăm người thân tốt hơn mình nhiều”
Đó là chia sẻ của chị Ngô Thị Hoa (ở huyện Tuy Phước) khi kể chuyện về người em chồng đáng thương N.H.T. Chị cho biết, sau khi bị tai biến, sức khỏe của anh T. sụt giảm hẳn, cả ngày hầu như chỉ ngồi một chỗ. Vợ chồng chị đi làm cả ngày, không có thời gian nói chuyện với em. “Hai vợ chồng từng trăn trở rất nhiều trước khi quyết định đưa em đến Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội (CTXH&BTXH) tỉnh”, chị Hoa kể.
Vợ chồng đưa T. đến Trung tâm tham quan nhiều lần, chuyện trò, hỏi han cán bộ, những người đang được chăm sóc ở đây. Thấy yên tâm, biết em mình cũng thích, thì mặc ai lời ra tiếng vào, hai vợ chồng vững tin em đã tìm được môi trường sống, có được sự chăm sóc phù hợp nhất. Anh T. vào đây từ ngày 30.6.2022; mới 7 tháng mà có da có thịt, trắng và hồng hào hơn, chân đã bước đi được nhiều bước. Nhiều lần lên thăm, chị Hoa thấy em nói chuyện và cười đùa vui vẻ với mọi người ở đây.
Người cao tuổi được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm bằng hình thức xã hội hóa tập vật lý trị liệu. Ảnh: N.T
Mùng 6 tết Quý Mão vừa qua, vợ ông T.B.D. (quê xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn) đã chuyển ông vào Trung tâm. Thương và không muốn rời xa, người vợ đảm đang đã vào ở cùng chồng những ngày qua. Ông làm trong ngành giáo dục, bị tai biến và nặng tai, 3 người con đều thành đạt ở TP Hồ Chí Minh, bà nhận việc chăm ông. Nhưng rồi bà tự nhận ra, ông cần một môi trường phù hợp hơn để hồi phục. Mới mấy ngày, bà thấy ông khang khác, nhờ cán bộ, nhân viên và cả những người ở Trung tâm có nhiều kinh nghiệm, hiểu tâm lý và chăm sóc ông tốt hơn. Bản thân bà cũng bớt nhọc nhằn, có thời gian chuyện trò với chồng nhiều hơn.
Về chi phí, mức thu đối với người còn khả năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân là 4,37 triệu đồng/người/tháng; người không còn khả năng tự phục vụ là 5,37 triệu đồng/người/tháng. Đối với những trường hợp đặc biệt, ngoài quy định trên, nếu có nhu cầu chăm sóc với điều kiện kinh tế cao hơn (chăm sóc theo yêu cầu cụ thể), phải thỏa thuận bằng hợp đồng giữa Trung tâm và đối tượng tự nguyện hoặc người thân, người bảo trợ cho đối tượng, nhưng không vượt mức 20% so với mức thu đã quy định.
Trong số 8 người đang ở Trung tâm theo hình thức xã hội hóa, ông L.C.V. (61 tuổi, ở TP Quy Nhơn) có “thâm niên” nhất, ông vào ở Trung tâm từ ngày 2.1.2022. Có thời gian ở phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), biết Trung tâm chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội hiệu quả, nên ông đăng ký ngay khi có thông tin về việc triển khai xã hội hóa đối tượng nuôi dưỡng. Là dân lái xe đường dài, trục trặc với vợ, không muốn vướng bận con cái, vào đây an dưỡng tuổi già theo ông là phù hợp hơn cả.
“Tôi thấy hài lòng, mong muốn ở đây đến cuối cuộc đời. Thích nhất là sự bài bản, ăn uống, nghỉ ngơi có giờ giấc, đầu óc cũng thoải mái, có chỗ tập thể dục, trị liệu sẵn bên. Hằng ngày, tôi chạy bộ, đạp xe đạp trong phòng tập; cũng có hôm ra ngoài trời, thường xuyên ngồi ghế mát xa. Năm vừa rồi tôi tăng lên được 3 cân. Ở đây, mỗi người mỗi cảnh, gặp người khó khăn hơn lại thấy mình may mắn”, ông V. trò chuyện.
Sẵn sàng tiếp nhận mọi đối tượng phù hợp
Theo ông Phan Đình Nhiệp, Giám đốc Trung tâm CTXH&BTXH tỉnh, công tác nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật tự nguyện do đơn vị triển khai nằm trong Đề án thí điểm được UBND tỉnh thông qua, dành cho người cao tuổi, người khuyết tật không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, có hộ khẩu thường trú tại Bình Định, có nhu cầu sống tại cơ sở. Đề án thực hiện từ tháng 6.2021 - 12.2025. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, ngại ảnh hưởng đến đối tượng bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng (thường có sức khỏe yếu) nên đến đầu năm 2022, khi dịch tạm ổn, Trung tâm mới chính thức tiếp nhận đối tượng đã đăng ký.
Giới thiệu dãy 12 phòng ở dành cho tối đa 20 người được sửa chữa khang trang, rộng rãi, thoáng mát, ông Nhiệp cho biết, phòng nào cũng có nhà vệ sinh riêng, có bếp nấu ăn, trang bị máy điều hòa, máy nước nóng lạnh. Trong số 8 người hiện ở, có 4 người bị liệt nằm một chỗ, không thể tự phục vụ, 2 người cao tuổi có thể tự phục vụ, số còn lại thuộc diện khuyết tật. Trung tâm sắp xếp những người bị liệt ở phòng riêng theo giới. Người nào muốn ăn riêng thì ở riêng một phòng; những người “hợp gu” thì bố trí ở với nhau…
Cùng với việc hoàn thiện cơ sở vật chất, Trung tâm không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng để những người vào đây thật sự xem nơi này là ngôi nhà thứ hai. Sử dụng tổ chức, bộ máy hiện có với nhiều kinh nghiệm là một lợi thế lớn, ngoài ra, Trung tâm còn hợp đồng công việc với những lao động có nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm.
“Trước mắt, để phục vụ quy mô 20 đối tượng, đơn vị dự kiến hợp đồng mới 6 lao động để đảm bảo chăm sóc đối tượng. Ai có nhu cầu đều có thể liên hệ, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận ngay, nhận cả trẻ tự kỷ, trẻ bạo não”, ông Nhiệp thông tin thêm.
NGỌC TÚ